Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2021: Vượt bão, sáng tạo để thích nghi
Thay vì loay hoay với câu hỏi “Bao giờ dịch bệnh được khống chế?”, nhiều doanh nghiệp bán lẻ và tiêu dùng cho rằng nên tìm cơ hội trong thách thức, để từ đó chủ động những giải pháp thích nghi, chung sống với dịch Covid-19...
Những thay đổi quá nhiều của người tiêu dùng từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đang đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải có những bước chuyển đổi rõ nét để thích ứng. Vẽ lại một tương lai thực tế hơn và rõ nét hơn, tăng cường sự năng động và tính chuyên nghiệp, nhìn thấy các cơ hội mới và chia tay với những gì không còn phù hợp… Đó chính là sự sáng tạo, dựa trên việc tái tổ chức, thiết kế chuỗi giá trị hiệu quả hơn.
LAO ĐAO TRONG “CƠN BÃO” COVID-19
Ngày 18/12/2021, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Lễ công bố & vinh danh Top 10 các nhóm ngành sản phẩm, dịch vụ tin dùng được người tiêu dùng bình chọn trong năm 2021. Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo của các bộ, ban, ngành cùng các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt Nam.
Chủ đề trọng tâm của Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2021 là Vượt bão: sáng tạo để thích nghi. Theo đó, tiêu chí đánh giá và bình chọn tập trung vào các sản phẩm – dịch vụ sáng tạo, đổi mới để tìm thấy cơ hội trong thách thức, mang đến được cho khách hàng những trải nghiệm tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao. Các thương hiệu, doanh nghiệp đã kịp thời tái cấu trúc, lấn sân hoặc tìm lối đi mới để thích nghi với một thị trường hậu đại dịch, phát triển kinh doanh trong cuộc sống bình thường mới…
Có thể nói, năm 2020, những đợt dịch đầu tiên được ví như “lửa thử vàng”, chỉ những doanh nghiệp có đủ nội lực mới có thể tồn tại. Nhưng bước sang năm 2021, đợt bùng phát dịch thứ 4 giống như một “cơn bão” kéo dài, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều địa phương. Nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề khi GDP quý 3/2021 giảm 6,17%, mức giảm sâu nhất từ trước tới nay và trong 9 tháng chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,7%). Trong đó du lịch lữ hành chịu ảnh hưởng nhiều nhất với mức giảm tới 64%. Tiếp đến là sự sụt giảm của dịch vụ lưu trú và ăn uống với mức giảm 22,1%, bán lẻ hàng hóa giảm 3,4%... Xét theo ngành hoạt động, trong doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2021 chỉ có ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 5%; còn lại các ngành phương tiện đi lại giảm 6,4%; may mặc giảm 9,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 10%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 10,5%...
Tuy vậy, thách thức luôn song hành cùng cơ hội, dịch bệnh đã tạo ra sự chuyển đổi nhanh chóng đáng kinh ngạc của nhiều doanh nghiệp. Để phát triển bền vững trong đại dịch, sự thay đổi nhanh chóng về tư duy, công nghệ sẽ là chìa khóa. Sự chuyển biến này cần phải được diễn ra dưới nhiều quy mô, cấp độ, từ những cửa hàng nhỏ lẻ đến những doanh nghiệp quy mô hơn. Đó có lẽ cũng là kịch bản gần như duy nhất trong bối cảnh linh hoạt, thích ứng sống chung với dịch để tiếp tục phát triển kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
SÁNG TẠO LÀ “KHÁNG SINH” ĐỂ VƯỢT KHÓ VÀ THÍCH NGHI
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khả năng thích ứng nói trên đã trở thành yếu tố mang tính quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp. Việc thay đổi cơ cấu sản phẩm chính là “kháng sinh” giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, đồng thời định hướng, mở rộng mô hình kinh doanh ngay trong thời điểm dịch bệnh là hướng đi tất yếu, nếu doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài. Cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp nào có được giải pháp để tự cứu mình, doanh nghiệp ấy mới có thể sinh tồn.
Trong khuôn khổ của lễ công bố và vinh danh Top 10 các nhóm ngành sản phẩm – dịch vụ tin dùng năm 2021, với chủ đề Vượt bão: sáng tạo để thích nghi, mỗi doanh nghiệp bằng hành động thực tế của mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm về kế hoạch và chiến lược kinh doanh tốt, cộng với những nền tảng số mà doanh nghiệp sẵn có và đội ngũ nhân sự chuyên môn cao, để có thể tìm thấy cơ hội tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp hợp tác với nhau theo mô hình kinh tế chia sẻ, mỗi bên đều có điểm mạnh riêng, hỗ trợ nhau cùng vượt qua thời điểm khó khăn.
TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, khẳng định: “Đại dịch với những diễn biến phức tạp chưa biết bao giờ mới có thể khống chế sẽ khiến ngành bán lẻ tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức còn tiếp diễn. Đó là sự gián đoạn sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng trong phạm vi khu vực và toàn cầu, là việc người tiêu dùng vẫn hạn chế mua sắm, ít đến nhà hàng, hạn chế đi du lịch…Điều đó sẽ khiến doanh số sụt giảm. Bản thân các doanh nghiệp phải nhìn nhận được trong thách thức có những cơ hội, phải tìm cách chuyển đổi công nghệ sản xuất, cách thức phân phối, hướng đầu tư của mình để thích nghi và phát triển...”.
Trong suốt 10 tháng từ tháng 1/2021 đến 11/2021, Chương trình Tin Dùng Việt Nam đã tiến hành bình chọn trên 5.971 sản phẩm – dịch vụ được đề cử. Sản phẩm - dịch vụ bình chọn được chia theo 7 nhóm ngành chính. Nhóm ngành sản phẩm – dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; nhóm dịch vụ ngân hàng - tài chính - bảo hiểm; Nhóm ngành nông sản - thực phẩm – đồ uống; Nhóm ngành làm đẹp - mỹ phẩm – thời trang; Nhóm ngành thiết bị gia dụng nội – ngoại thất; Nhóm ngành bất động sản - vật liệu xây dựng; Nhóm ngành thương mại điện tử, giáo dục & dịch vụ số.
Theo đó, Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2021 vinh danh Top 10 các nhóm ngành sản phẩm - dịch vụ xuất sắc vượt qua hàng nghìn đề cử trong suốt 10 tháng khảo sát. Đó là những sản phẩm – dịch vụ đã có sự sáng tạo để thích nghi với tình hình mới của doanh nghiệp cũng như những yêu cầu mới từ thị trường và người tiêu dùng. Để có thể “vượt bão”, những thương hiệu sản phẩm và dịch vụ này đã chuyển sang phương thức tiếp cận thị trường bằng công nghệ, giới thiệu, kinh doanh hàng hóa thông qua nền tảng số, không dừng lại ở tiêu thụ trong nước, mà còn bắt tay, kết nối với bạn hàng nước ngoài, vươn ra thế giới.
Trong khuôn khổ chương trình, bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, Công ty NCTT NielsenIq Việt Nam nhận định: “Trong thời đại 4.0, với người tiêu dùng thời gian cũng là một loại tiền tệ tối thượng, họ muốn tất cả nằm trong sự kiểm soát, họ muốn việc mua bán được diễn ra nhanh chóng, an toàn và tiện lợi. Đây chính là giai đoạn cao nhất của trải nghiệm khách hàng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ một cách sáng tạo, đột phá trong tương lai bình thường mới”.