06:00 20/07/2021

Doanh nghiệp chia sẻ nhà, phòng nghỉ “vượt bão” Covid 19 ra sao?

An Bảo

Chuyển đổi nguồn khách và dịch vụ cung cấp, từ khách “Tây” sang khách nội địa hay chuyển đổi mô hình hợp tác, từ thuê và cho thuê lại sang chia sẻ doanh thu… là hai trong nhiều cách giúp doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch “vượt khó” thời đại dịch Covid-19...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chia sẻ tại Hội thảo “Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam" tổ chức bởi Văn phòng Đề án 844 mới đây, ông Phạm Kim Cương, Nhà sáng lập Cohost AI - startup cung cấp công cụ quản lý cho thuê cho chủ nhà nhận định, kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch hiện là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. 

CÁC “ÔNG LỚN” CŨNG LAO ĐAO VÌ DỊCH

Đơn cử như Airbnb - một trong những startup có giá trị nhất với mô hình kinh doanh kết nối người cần thuê nhà, đặt phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua ứng dụng di động cũng đứng trước những thách thức lớn khi dịch Covid-19 ập tới.

Theo đó, Covid-19 khiến cho 90% lượng phòng đã đặt của Airbnb bị hủy và kéo doanh thu của startup này giảm tới 75% so với cùng kỳ năm trước. Đứng trước tình thế này, Airbnb buộc phải sa thải 25% nhân viên để sống sót, cắt giảm các bộ phận kinh doanh không thiết yếu và có kế hoạch huy động thêm các khoản vay nợ lên tới hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư để duy trì hoạt động trong thời buổi đại dịch.

Các công ty chia sẻ phòng hay dịch vụ lưu trú khác như Zeus Living hay Vacasa cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự khi buộc phải sa thải 25-40% nhân viên và đóng cửa nhiều khu vực trên hệ thống.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này cũng đứng trước sức ép, buộc phải sang nhượng, trả lại nhà cho chủ, cắt giảm nhân sự hay đóng cửa một phần nếu là chuỗi khi cơn bão Covid-19 tràn tới. Tuy nhiên, vẫn có những cá nhân vẫn duy trì được sự tồn tại. 

BÍ QUYẾT VƯỢT KHÓ CỦA DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ SIÊU NHỎ

Quan sát sự vận động của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong ngành kinh tế chia sẻ ở lĩnh vực lưu trú, ông Phạm Kim Cương liệt kê 4 giải pháp để sinh tồn trong mùa dịch. 

Giải pháp thứ nhất là chuyển đổi nguồn khách và dịch vụ cung cấp từ khách “Tây” sang khách nội địa. Theo quan sát của ông Cương, có những thay đổi cần thiết và cơ bản nhất để các cơ sở lưu trú có thể phục vụ khách Việt bao gồm trang bị nồi lẩu, check in/out linh hoạt hơn bất kể sớm hay muộn hay giữ tiền cọc…

Giải pháp thứ 2 là chuyển đổi mô hình hợp tác, từ thuê và cho thuê lại sang chia sẻ doanh thu, theo hướng hai bên cùng có lợi “win-win”. "Chẳng hạn, chủ nhà - người đóng góp bất động sản, tiền đầu tư nội thất và giấy phép kinh doanh có thể được hưởng 70%. Còn cohost (quản gia công nghệ) đóng góp thời gian, kỹ năng quản lý, chăm sóc khách hàng, sẽ được hưởng 30%", ông Cương nói.

Đơn cử như Veque Homestay - một đơn vị điều hành chuỗi homestay nghỉ dưỡng tại Hà Nội bởi 5 bạn trẻ, có doanh thu lên tới cả trăm triệu mỗi tháng và lãi tới 40% trước đại dịch.

Nghị định 16 ra đời, doanh thu của doanh nghiệp siêu nhỏ này bị giảm về 0. Công ty buộc phải tinh gọn bộ máy, đóng cửa ⅓ chuỗi và lấy thu bù chi kể từ tháng 6 năm ngoái. Tháng 4 năm nay, doanh nghiệp quyết định mở rộng kinh doanh bằng việc tăng doanh thu và chia bớt lãi cho các đối tác.

Cũng có doanh nghiệp như DHouse Đà Lạt chọn gia tăng các dịch vụ cho khách nội tỉnh, nội thành. Những doanh nghiệp này phải bám rất sát các thông tin từ chính phủ để biết rõ về các địa phương sẽ bị giãn cách xã hội, từ đó trở nên đặc biệt linh hoạt trong việc triển khai các hoạt động kinh doanh của mình. 

Giải pháp 3 là chuyển đổi mô hình tài chính, từ gây vốn từ gia đình, ngân hàng sang đi gọi vốn từ nhà đầu tư, đối tác chiến lược. Đơn cử như hồi tháng 5 năm 2021, Cohost AI đã công bố đầu tư vào Veque Homestay để cùng phát triển mô hình Airbnb/homestay ở Việt Nam.

Giải pháp cuối cùng, các doanh nghiệp hay cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ ở mảng du lịch cũng có thể chuyển hướng kinh doanh sang các ngành khác như kinh doanh bất động sản, nhà hàng nấu đồ ăn phục vụ khách đặt trực tuyến, quay phim, chụp ảnh, tổ chức sự kiện, sinh nhật…để duy trì hoạt động. 

Trong tương lai gần, các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch sẽ cần phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ, cộng tác trên môi trường trực tuyến nhiều hơn, cắt giảm bộ máy cồng kềnh và lấy linh hoạt hơn là quy mô trong hoạt động để tồn tại qua “bão” Covid-19, ông Cương nhấn mạnh.