16:35 11/10/2021

Chuyển đổi số là cơ hội để Hà Nội đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu phát triển

Đỗ Phong

Với Chương trình “Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Nội đang hướng tới mục tiêu trở thành 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số vào năm 2025 và trở thành thành phố “Xanh- Thông minh- Hiện đại” vào năm 2030...

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp diễn phức tạp trong thời gian tới, Thành phố xác định chuyển đổi số là cơ hội để đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu phát triển. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã nhấn mạnh điều này khi chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/Vneconomy về những mục tiêu và giải pháp đột phá trong chuyển đổi số của Thành phố.

HƯỚNG TỚI TRỞ THÀNH 1 TRONG 5 ĐỊA PHƯƠNG DẪN ĐẦU VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀO NĂM 2025

Chuyển đổi số đã trở thành nhu cầu, đòi hỏi tất yếu trong phát triển. Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số, thậm chí có địa phương đã có riêng một Nghị quyết về vấn đề này. Vậy với Hà Nội, định hướng, kế hoạch, mục tiêu chuyển đổi số đã được xác định như thế nào, thưa ông?

UBND Thành phố vừa ban hành Chương trình “Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Theo đó sẽ đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền Thành phố, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

 
Ông Nguyễn Thanh Liêm
Ông Nguyễn Thanh Liêm
Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố là một hành trình với những bước đi và lộ trình triển khai phù hợp; có tính động, mở, bao trùm, tạo nền móng, làm cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và được cập nhật, thay đổi phù hợp với xu hướng phát triển khoa học công nghệ, hiện trạng phát triển của thành phố.

Thành phố đã xác định mục tiêu tổng quát và 4 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 gồm các mục tiêu chung về chuyển đổi số; phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.

Chương trình nhấn mạnh 7 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu thực hiện chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh- Thông minh- Hiện đại” với chuyển đổi số là nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo.

Tôi cho rằng, Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố là một hành trình với những bước đi và lộ trình triển khai phù hợp; có tính động, mở, bao trùm, tạo nền móng, làm cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và được cập nhật, thay đổi phù hợp với xu hướng phát triển khoa học công nghệ, hiện trạng phát triển của Thành phố.

Hà Nội sẽ ưu tiên chuyển đổi số mạnh mẽ vào những ngành, lĩnh vực tạo thế và lực cho phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Chương trình Chuyển đổi số, Hà Nội xác định mục tiêu thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, trở thành Thành phố “Xanh- thông minh- hiện đại”. Hà Nội sẽ có giải pháp đột phá gì để hiện thực hóa các mục tiêu này cũng như 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đã đặt ra?

Mục tiêu tổng quát của Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội là phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh- Thông minh- Hiện đại” với chuyển đổi số là nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, đạt mục tiêu kép vừa phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu.

Chuyển đổi số là cơ hội để Hà Nội đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu phát triển - Ảnh 1

Để đạt được mục tiêu, Hà Nội đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trên 3 trụ cột chính là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.

Theo tôi, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Đây là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số. Trong 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Hà Nội xác định chuyển đổi nhận thức là quan trọng nhất. Vì vậy, Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước và Thành phố về chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số để nâng cao nhận thức của các cơ quan, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Với mỗi trụ cột cụ thể, Thành phố tập trung, huy động tối đa các nguồn lực xã hội, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp: Kiến tạo thể chế, Phát triển hạ tầng và nền tảng số, Thông tin và Dữ liệu số, Hoạt động chuyển đổi số, An toàn, an ninh mạng, Đào tạo và phát triển nhân lực để chuyển đổi số, đảm bảo hiện thực hóa các mục tiêu trên.

Cụ thể, phát triển Chính quyền số với trọng tâm là phát triển các nền tảng số, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành của Thành phố, hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu; phục vụ người dân và doanh nghiệp; gắn kết các dịch vụ cung cấp cho Thành phố thông minh với các dịch vụ Chính quyền số.

Phát triển kinh tế số với trọng tâm là doanh nghiệp công nghệ số; phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của Thành phố. Phát triển Xã hội số giúp người dân trên địa bàn thành phố tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ thiết yếu được cung cấp trên nền tảng số.

Trong bối cảnh đại dịch Covid tiếp diễn phức tạp trong thời gian tới, Thành phố xác định chuyển đổi số là cơ hội để đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu phát triển, hướng tới Hà Nội trở thành 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số vào năm 2025 và trở thành thành phố “Xanh- Thông minh- Hiện đại” vào năm 2030.

LẤY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM

Chuyển đổi số xác định lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm. Điều này sẽ được cụ thể hóa thế nào trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính hướng tới phục vụ tốt hơn, đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp, thưa ông?

Quan điểm của Thành phố là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm khi thực hiện Chương trình Chuyển đổi số. Điều này được thể hiện rất rõ trong các mục tiêu phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thành phố.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đến năm 2025, Thành phố xác định các mục tiêu cụ thể phục vụ người dân và doanh nghiệp. Theo đó, phấn đấu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4, có thể thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả di động. 100% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước Thành phố để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế- xã hội.

Tối thiểu 50% dịch vụ công mới của cơ quan nhà nước có sự tham gia cung cấp của doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài nhà nước. Phấn đấu 100% cơ quan nhà nước cấp Thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Đặc biệt, 100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần.

Người dân, doanh nghiệp làm trung tâm khi thực hiện Chương trình Chuyển đổi số.
Người dân, doanh nghiệp làm trung tâm khi thực hiện Chương trình Chuyển đổi số.
Các sở thông tin và truyền thông được xác định là hạt nhân dẫn dắt chuyển đổi số tại địa phương mình. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phát huy vai trò hạt nhân dẫn dắt hoạt động, thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số của Thủ đô thế nào?

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước Thành phố, trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động nắm bắt tình hình thực tế triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Thành phố. Cùng với đó phối hợp các Sở, ban, ngành tham mưu UBND Thành phố ban hành Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 
Hà Nội đặt mục tiêu kép vừa phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu. Do vậy, để thực hiện Chương trình Chuyển đổi số thành công, hoàn thành các mục tiêu, cần sự tham gia, vào cuộc của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã và đang trình UBND Thành phố ban hành các kế hoạch triển khai Chương trình này như các Kế hoạch “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, năm 2021 và năm 2022; Kế hoạch phát triển kinh tế số thành phố giai đoạn 2021- 2025.

Thời gian qua, Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong xây dựng, phát triển đất nước và của Thành phố.

Với vai trò là hạt nhân dẫn dắt hoạt động, thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số của Thành phố, trong thời gian tới, Sở sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Chương trình Chuyển đổi số của thành phố Hà Nội, đồng hành cùng các cơ quan của Thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô triển khai các hoạt động phát triển Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Sở cũng sẽ chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án giải quyết, báo cáo Thành phố kịp thời giải quyết.

Hà Nội đặt mục tiêu kép vừa phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu. Do vậy, để thực hiện Chương trình Chuyển đổi số thành công, hoàn thành các mục tiêu đề ra, tôi cho rằng cần có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các cấp chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

 
Một số mục tiêu cơ bản chuyển đổi số của Hà Nội đến năm 2025:
1. Chính quyền số:
- 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4.
- 100% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm.
- 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý thực hiện thông qua môi trường số
- 100% cơ quan nhà nước cấp Thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
- 100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7.
2. Kinh tế số:
- Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%
- Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7- 7,5%
3. Xã hội số:
- Hạ tầng băng rộng phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã phường, thị trấn
- Phổ cập dịch vụ mạng 4G/5G và smartphone
- Tỷ lệ dân có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%
- Mỗi người dân có danh tính số kèm theo QR Code
- Mỗi người dân có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân