11:08 07/02/2024

Chuyên gia kinh tế cảnh báo “cái chết tài khoá từ từ” ở nhiều quốc gia

Bình Minh

“Tôi dự báo 10 năm tới sẽ là ‘thập kỷ của nợ’. Vấn đề nợ trên toàn cầu sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng"...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thế giới sẽ rơi vào môt cuộc khủng hoảng nợ kéo dài trong 10 năm tới và có một kết cục bất ổn - nhà kinh tế học Arthur Laffer cảnh báo trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC. Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh tổng nợ trên toàn cầu lập kỷ lục ở mức hơn 307 nghìn tỷ USD vào thời điểm tháng 9 năm ngoái - theo dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF).

Cả các quốc gia phát triển và mới nổi đều chứng kiến nợ tăng mạnh, với mức tăng thêm là 100 nghìn tỷ USD so với cách đây 1 thập kỷ, một phần do môi trường lãi suất cao.

“Tôi dự báo 10 năm tới sẽ là ‘thập kỷ của nợ’. Vấn đề nợ trên toàn cầu sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng, và cuộc khủng hoảng đó sẽ không kết thúc tốt đẹp”, ông Laffer - người hiện giữ cương vị Chủ tịch tại công ty tư vấn đầu tư và gia sản Laffer Tengler Investments - phát biểu.

Tỷ lệ nợ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu đã tăng lên mức 336%. Hồi năm 2012, con số là 110% đối với các nền kinh tế phát triển và 35% đối với các nền kinh té mới nổi. Vào thời điểm quý 4/2022, tỷ lệ nợ so với GDP toàn cầu là 334% - theo báo cáo theo dõi nợ toàn cầu mới nhất của IIF.

Theo một ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đưa ra vào tháng 12 năm ngoái, có khoảng 100 quốc gia trên thế giới sẽ phải cắt giảm chi tiêu đối với các hạ tầng xã hội quan trọng gồm y tế, giáo dục và an sinh.

Những nước chứng tỏ được khả năng cải thiện tình hình tài khoá sẽ hưởng lợi thông qua việc thu hút lao động, vốn và đầu tư từ nước ngoài. Ngược lại, những nước không làm được việc này có thể đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám, thoái vốn và nhiều thiệt hại khác - ông Laffer nói.

“Tôi cho rằng một số nước lớn hơn mà không giải quyết được vấn đề nợ nần sẽ đối mặt với ‘cái chết tài khoá từ từ’”, ông Laffer nhận định, nói thêm rằng một số nền kinh tế mới nổi có thể “vỡ nợ một cách dễ hiểu”.

Những nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản và Pháp chiếm hơn 80% tổng lượng tăng thêm của khối nợ toàn cầu trong nửa đầu năm 2023. Trong số các nền kinh tế mới nổi, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil là những nước mà nợ tăng nhiều nhất.

Ông Laffer cảnh báo việc trả nợ sẽ ngày càng trở nên khó hơn khi dân số của các nước phát triển tiếp tục lão hoá và số người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm. “Có hai con đường chính để giải quyết vấn đề này: tăng thuế hoặc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên mức nhanh hơn so với tốc độ tăng của nợ”, vị chuyên gia nói.

Riêng về nợ công, theo số liệu từ WEF, các chính phủ trên thế giới đang nợ kỷ lục 88,1 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng một nửa sản lượng kinh tế toàn cầu hàng năm. Nợ công đã tăng bùng nổ trong đại dịch và theo dự báo, lượng vay nợ mới trong năm nay của chính phủ tại một số nền kinh tế lớn sẽ tiếp tục phá kỷ lục.

Trong tài khóa kết thúc vào ngày 5/4/2024, số tiền lãi nợ công mà Chính phủ Anh dự kiến phải trả sẽ lên tới 94 tỷ bảng (120 tỷ USD), nhiều hơn so với ngân sách dành cho giáo dục hay quốc phòng - theo Văn phòng Ngân sách có trách nhiệm (OBR) của nước này.

Ở Mỹ, tiền lãi nợ công trong tài khoá kết thúc vào ngày 30/9/2023 đã lên tới 659 tỷ USD - theo Bộ Tài chính Mỹ - tăng 39% so với tài khoá trước và gần gấp đôi so với con số của năm 2020. Theo Uỷ ban Ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB), tiền lãi nợ công của Mỹ trong năm 2023 nhiều hơn cả ngân sách chi cho mỗi lĩnh vực gồm nhà ở, giao thông, và giáo dục bậc cao.