Chuyên gia kinh tế nước ngoài: "Việt Nam đang tạo dấu ấn"
Kiên cường trong chống dịch và trong phục hồi kinh tế, trong khi Covid-19 "đốn hạ" hàng loạt nền kinh tế lớn
Kiểm soát tốt đại dịch, hậu Covid-19 chính là cơ hội để Việt Nam "vượt lên" tạo dấu ấn toàn cầu, kiểm soát tốt hơn năng lực tài chính và xã hội, thích nghi nhanh chóng hơn với cuộc cách mạng chuyển đổi số và tăng trưởng theo hướng "xanh và sạch". Qua đó, thúc đẩy và quảng bá tốt nhất hình ảnh của Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Kiên cường trong chống dịch và trong phục hồi kinh tế, trong khi Covid-19 "đốn hạ" hàng loạt nền kinh tế lớn, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia tăng trưởng dương.
TS Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chỉ rõ Việt Nam đang dẫn đầu với chỉ số công nghiệp đang tăng. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi mạnh, tháng 10 tăng tới 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyến bay cũng dần tăng, người dân đang di chuyển trở lại và đi lại nhiều hơn. Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước dẫn đầu ASEAN về an toàn trong dịch bệnh Covid-19.
TRONG KHỦNG HOẢNG LUÔN TIỀM ẨN CƠ HỘI
Thành tựu nổi bật của Việt Nam trong hoạt động phòng và chống dịch COVID-19 là lực đẩy mạnh mẽ nhất. TS Jacques Morisset cho hay "nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng cũng là nhân tố đẩy nhanh sự chuyển dịch của một số công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam, vốn đã là xu hướng trước khi xảy ra dịch Covid-19 do chi phí lao động ở Trung Quốc tăng và tình hình căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc".
Các công ty đa quốc gia đã đưa một số hoạt động sang Việt Nam khi các nhà máy của họ bị đóng cửa ở các nước khác như Ấn Độ. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ cải cách ở trong nước, đặc biệt về sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số và môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Để đối phó với đại dịch Covid, TS Jacques Morisset cho biết 47% doanh nghiệp tăng cường sử dụng các nền tảng kỹ thuật số. Trong đó, 7% doanh nghiệp đầu tư vào giải pháp kỹ thuật số, 5% doanh nghiệp cơ cấu lại các sản phẩm. Mức độ sử dụng nền tảng kỹ thuật số cao hơn trong số các công ty lớn và công ty dịch vụ.
So với các nền kinh tế Đông Á khác, Việt Nam cũng có nhiều tiến triển tích cực. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam sẽ có tăng trưởng GDP tích cực trong giai đoạn 2020-2022, nhưng "có khả năng phục hồi" không có nghĩa là "không bị tác động".
Tại hội thảo quốc tế lần thứ ba với chủ đề "Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh" do trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường nhận định "chúng ta đang ở giữa đại dịch Covid-19 và đây thực sự là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đại dịch đã gây ra những làn sóng chấn động cho nền kinh tế thế giới". Người dân lo lắng cho cuộc sống và kế sinh nhai. Nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đang tìm cách kiểm soát sự lây lan của virus và hạn chế sự suy thoái kinh tế toàn cầu.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Jacques Morisset chỉ rõ, thực tế, Việt Nam đang đương đầu với những vấn đề như việc làm đang trở nên mong manh hơn. Hơn 2,5 triệu người đang gặp khó khăn, 1/3 số hộ gia đình, tương đương khoảng 7 triệu hộ bị giảm thu nhập. Khoảng 2,5% tổng số hộ gia đình, tương ứng 0,5 triệu hộ bị giảm từ 50% thu nhập trở lên. "Suy thoái kinh tế đang gây thiệt hại cho người lao động và gia đình của họ. Đồng thời, phát sinh tình trạng bất bình đẳng và nhiều nhóm dễ bị tổn thương mới", TS. Jacques Morisset nhấn mạnh.
Đặc biệt, đối với khu vực doanh nghiệp, ở đó không ít doanh nghiệp đang cạn kiệt tiền mặt. 50% các doanh nghiệp chỉ đủ tiền mặt để hoạt động trong 2 tháng trở lại. 16% các doanh nghiệp đã có nợ khó đòi và 31% dự kiến sẽ phát sinh nợ khó đòi trong vòng 6 tháng tới. Cùng với đó, Việt Nam cũng chịu những rủi ro về tài khóa, tài chính và xã hội đang tiềm ẩn cần phải theo dõi chặt chẽ.
Cụ thể, rủi ro tài khóa là thu ngân sách giảm, chi ngân sách tăng, thâm hụt tăng. Rủi ro về tài chính được chỉ ra là lợi nhuận của các ngân hàng thương mại giảm, nợ xấu tăng cao, tỷ lệ an toàn vốn thấp, chỉ có 18 trong số 46 ngân hàng tuân thủ Basel II. Số lượng người nghèo gia tăng, Việt Nam phải đối mặt với rủi ro về xã hội với 2,5% hộ gia đình gần như mất tất cả sau đại dịch.
5 GỢI Ý PHÁT TRIỂN "XANH VÀ SẠCH"
Theo các chuyên gia quốc tế tại hội thảo, Việt Nam là một nền kinh tế sôi động trước cuộc khủng hoảng Covid-19 và vẫn phát triển nhanh hơn các nước khác nhờ việc kiểm soát rất tốt đại dịch. Thách thức tiếp theo sẽ là duy trì và thậm chí nâng cao lợi thế cạnh tranh này. Giải pháp gợi ý cho Việt Nam là cần có các chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ và giảm rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội bằng những chính sách hiệu quả, trong đó có chính sách và quản lý thuế phù hợp, quản lý đầu tư công, quản lý nợ để hiệu quả chi tiêu. Đồng thời nắm bắt cơ hội mới về thương mại, kinh tế số và phục hồi xanh.
Khi dịch Covid-19 vẫn là mối đe dọa lớn, để phục hồi khu vực kinh tế trong nước, và cả bên ngoài liên quan đến xuất khẩu và FDI, GS David Orsmond, đến từ Đại học Macquarie (Australia) cho rằng, Covid-19 đã tác động mạnh đến sức khỏe, nguồn cung, nhu cầu và năng lực tài chính của nền kinh tế các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
TS Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
"Việt Nam phải trở thành nhà vô địch về phục hồi xanh vì tính cấp bách của việc giải quyết thách thức về môi trường và khí hậu. Phục hồi xanh sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế vì việc tăng cường tập trung vào môi trường sẽ không chỉ đưa Việt Nam đi theo con đường bền vững mà còn giúp khôi phục dư địa tài khóa, gia tăng việc làm và thúc đẩy các hoạt động kinh tế".
Do đó, "hậu Covid-19, bên cạnh việc học chung sống cùng virus, Việt Nam và các quốc gia khác cũng cần nhanh chóng điều chỉnh môi trường kinh doanh, quản lý sự thay đổi cấu trúc công nghiệp, gắn khôi phục tăng trưởng kinh tế trong dài hạn với tăng trưởng bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau", ông David Orsmond đề xuất. Còn đối với cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ cần duy trì được chuỗi cung ứng mà còn cần sớm chuyển đổi việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua thương mại điện tử e - commerce, sử dụng các kỹ năng mới để tạo và gia tăng giá trị.
Để đưa kinh tế Việt Nam hồi phục bền vững hậu Covid, TS. Jacques Morisset nhấn mạnh "Việt Nam phải trở thành nhà vô địch về phục hồi xanh vì tính cấp bách của việc giải quyết thách thức về môi trường và khí hậu. Phục hồi xanh mang hiệu quả về kinh tế vì việc tăng cường tập trung vào môi trường sẽ không chỉ đưa Việt Nam đi theo con đường bền vững mà còn giúp khôi phục dư địa tài khóa, gia tăng việc làm và thúc đẩy các hoạt động kinh tế".
Cụ thể, TS. Jacques Morisset chỉ rõ 5 chính sách ưu tiên Việt Nam có thể áp dụng, để kích thích tăng trưởng số nhân về kinh tế và xã hội.
Thứ nhất, ưu tiên phát triển năng lượng sach, cacbon thấp, giảm phát khí thải nhà kính.
Thứ hai, điều chỉnh giá năng lượng không thể tái tạo được nhằm giảm phát thải khói bụi; điều chỉnh thuế, phí để tăng lưu lượng giao thông công cộng và bền vững; cung cấp năng lực tài chính để lưu giữ các hệ sinh thái thân thiện với môi trường và nền nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu.
Thứ ba, Việt Nam cần cấp tài trợ không hoàn lại, cho vay và miễn giảm thuế cho các hình thức giao thông và di chuyển bền vững, nền kinh tế tuần hoàn, nghiên cứu năng lượng sạch. Các ngân hàng cần giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và tăng đầu tư vào các hoạt động giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ tư, cung cấp hỗ trợ, ưu đãi tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả năng lượng và lắp đặt năng lượng tái tạo, tập trung vào năng lượng mặt trời áp mái, cải thiện hệ thống cách nhiệt, sưởi ấm và trữ năng lượng trong nước.
Thứ năm, các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy phục hồi các hệ sinh thái, bao gồm các môi trường sống giàu cacbon và nông nghiệp thân thiện với khí hậu.