Chuyên gia: Tỷ giá nổi sóng vì nhu cầu USD cao theo mùa vụ, sau tháng 10 sẽ "êm" trở lại
Đồng USD có thể chững lại và giảm sau nhịp này. Hơn nữa, sau tháng 10, nhu cầu USD có thể giảm bớt và giúp tỷ giá êm trở lại. Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút bớt tiền cũng kiềm giữ cho tỷ giá không tăng quá mạnh.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng hơn 0,5%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 4/10, chốt phiên 21/10 ở mức 104,01 điểm. Đây là mức cao nhất của chỉ số kể từ cuối tháng 7, theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
Đến phiên hôm nay 22/10, tỷ giá tăng mạnh trở lại tại các ngân hàng thương mại. Cụ thể, lúc 8h39, tỷ giá USD tại Vietcombank và BIDV cùng niêm yết ở mức 25.085 - 25.445 VND/USD (mua vào - bán ra). So với giá niêm yết đầu giờ sáng hôm qua, giá USD hôm nay tại Vietcombank đã tăng 95 đồng, còn BIDV tăng đến 125 đồng.
Tại Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm hôm nay tăng tiếp 12 đồng lên thành 24.240 VND/USD. Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần hôm nay là 25.452 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.028 VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện là 23.400 - 25.402 VND/USD (mua vào - bán ra).
Trước áp lực tỷ giá, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày, tổng giá trị trúng thầu lên tới 12.300 tỷ đồng.
Nhận định về tỷ giá trong giai đoạn này, chuyên gia chứng khoán của VPBankS ông Trần Hoàng Sơn cho rằng trong giai đoạn gần đây, câu chuyện tỷ giá Việt Nam nói riêng và thị trường emerging market nói chung chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Đầu tiên là Fed có thể sẽ kéo dài thời gian hạ lãi suất hơn so với kỳ vọng, chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng USD đã tăng liên tiếp lên mức 103 – cao nhất trong vòng 4 tuần trở lại đây. Khi mà USD-Index tăng cao thì tỷ giá của các thị trường mới nổi yếu trở lại trong khoảng 2 tuần trở lại đây.
Bên cạnh đó, số liệu kinh tế Mỹ gần đây cho thấy ổn định hơn rất nhiều đang tiếp thêm sức mạnh cho đồng USD.
Đối với Việt Nam, có tính mùa vụ bởi vì trong những thời điểm tháng 10 hàng năm, nhu cầu mua USD để nhập khẩu phục vụ nhu cầu xuất khẩu cuối năm cho dịp lễ Noel và năm mới của phương tây. Do vậy, tỷ giá tháng 10 thường tăng cao. Cuối cùng là nhu cầu USD gần đây tăng để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ quốc tế.
Như vậy, việc tỷ giá tăng phần nhiều do yếu tố mùa vụ bởi trong thời gian tới xu hướng giảm lãi suất của Fed vẫn được duy trì. Vì vậy, đồng USD có thể chững lại và giảm sau nhịp này. Hơn nữa, sau tháng 10, nhu cầu USD có thể giảm bớt và giúp tỷ giá êm trở lại. Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút bớt tiền cũng kiềm giữ cho tỷ giá không tăng quá mạnh.
Nhưng tác động của tỷ giá đối với thị trường là có. Khi tỷ giá tăng trở lại, ngay lập tức nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn ròng trên thị trường chứng khoán. Yếu tố tỷ giá với xu hướng rút ròng của nước ngoài vẫn là một yếu tố ảnh hưởng đến thị trường ít nhất trong ngắn hạn.
Đối với việc Ngân hàng Nhà nước hút tín phiếu tác động thế nào với thị trường chứng khoán, dữ liệu lịch sử cho thấy vào thời điểm Ngân hàng Nhà nước hút ròng thì thị trường chứng khoán khó lên. Do vậy, việc NHNN hút ròng gần đây có thể ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên kênh thị trường liên ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng, nhu cầu đồng USD cao do yếu tố mùa vụ, doanh nghiệp cần để thanh toán tiền mua nguyên vật liệu. Tỷ giá vọt nhanh khiến chênh lệch lãi suất hiện nay cao khoảng 1,5-2%, quay lại mốc quý 2/2024. Theo vị này, không nằm ngoài khả năng tỷ giá bốc đầu trở lại mạnh, và Ngân hàng Nhà nước sẽ phải hút thêm tiền về thông qua tín phiếu nhằm giảm áp lực tỷ giá.
Nhà đầu tư nước ngoài giai đoạn này cũng xả nhưng lượng xả hàng không nhiều vì tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu đã rơi về vùng chiến lược 15%, nếu có bán tiếp thì cùng lắm chỉ thêm 1-2% tỷ trọng nắm giữ. Tỷ giá phải hạ nhiệt lại thì khả năng cao họ mới quay lại mua ròng, còn hiện tại chỉ mua vài cổ có câu chuyện đặc biệt như MWG, VHM, vì áp lực phát hành tín phiếu sẽ còn.
Trong khi đó, dòng tiền hiện đang rất yếu. Phải chờ đến 2 tuần nữa khi Fed họp đưa ra quan điểm tiếp theo thì đồng đô la mới có khả năng hạ nhiệt. "Giai đoạn này nhà đầu tư ưu tiên hạ margin chờ các tín hiệu kỹ thuật tiếp theo", ông Minh khuyến nghị.