18:29 08/10/2021

Chuyến tàu nghĩa tình đưa 2.800 người dân Quảng Bình từ phía Nam về quê

Anh Tú

Trong hai ngày 8 và 9/10, đường sắt lập 4 đoàn tàu riêng, đưa 2.800 người dân từ các tỉnh phía Nam về 5 ga tại Quảng Bình...

Theo kế hoạch của tỉnh Quảng Bình, người dân được tỉnh đón về đợt này là phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng… tại TP .Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai có nguyện vọng về quê.
Theo kế hoạch của tỉnh Quảng Bình, người dân được tỉnh đón về đợt này là phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng… tại TP .Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai có nguyện vọng về quê.

Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, 4 chuyến tàu để đưa 2.800 hành khách là người dân ở Quảng Bình đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai về quê. Toàn bộ chi phí do tỉnh Quảng Bình chi trả.

Theo đó, tàu đón khách tại các ga Sài Gòn (TP. HCM), Dĩ An (tỉnh Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai) và tiễn khách tại 5 ga thuộc tỉnh Quảng Bình gồm Mỹ Đức, Đồng Hới, Hoàn Lão, Minh Lệ và Đồng Lê thuộc tỉnh Quảng Bình. Tất cả hành khách sau khi xuống tàu sẽ được tỉnh Quảng Bình đưa đi cách ly theo quy định.

Theo lịch trình, ngày mai, 9/10, đoàn tàu SE16 và SE18 sẽ xuất phát ga Sài Gòn lúc lúc 8 giờ và 10 giờ 40, ga Dĩ An lúc 9 giờ và 11 giờ 42, ga Biên Hòa lúc 9 giờ 45 và 12 giờ 22 cùng ngày. Dự kiến đoàn tàu về tới ga Mỹ Đức, Đồng Hới, Hoàn Lão, Minh Lệ và Đồng Lê thuộc tỉnh Quảng Bình vào chiều ngày 10/10.

 
Trước đó, trong thời gian dịch bệnh phức tạp, ngành đường sắt đã tổ chức 7 đoàn tàu nghĩa tình đưa hơn 2.500 hành khách là công dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Ninh Bình về quê an toàn.

Hành khách đi tàu thuộc các đối tượng phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, học sinh đang học tập tại các trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đi thăm người thân, người già nam từ 60 tuổi, nữ từ 55 tuổi trở lên đi thăm người thân, có nguyện vọng cấp bách được trở về địa phương.

Nhân viên bố trí phục vụ hành khách trên 4 đoàn tàu này đều đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine theo quy định tại hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải về vận tải hành khách. Cùng đó, nhằm giảm thiểu nguy cơ tập trung, lây nhiễm tại khu vực nhà ga do hành khách đổ dồn về để đi tàu, ngành đường sắt đã mở cửa từ sớm. Hành khách đến ga là vào thẳng tàu và được kiểm tra nhân thân, giấy chứng nhận sức khỏe, test nhanh âm tính còn hiệu lực theo quy định.

Trước đó, từ ngày 25/8, không còn đoàn tàu khách nào hoạt động thường xuyên trên mạng đường sắt Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trên hệ thống đường sắt chỉ còn tàu hàng hoạt động và tổ chức chạy tàu khách chuyên biệt theo yêu cầu của các địa phương và khi được các cơ quan chức năng cho phép. 

Ngoài ra, thực hiện hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt đã xây dựng dự thảo kế hoạch tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Theo đó, Cục Đường sắt Việt Nam đang gửi văn bản lấy ý kiến 22 địa phương để chạy tàu trở lại từ ngày 7/10. Tuy nhiên, mới chỉ duy nhất UBND TP. Đà Nẵng có văn bản chính thức thống nhất cho tàu khách chạy trở lại, các địa phương còn lại chưa có văn bản trả lời chính thức.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị đã sẵn sàng tổ chức kế hoạch chạy lại tàu khách để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, do các địa phương chưa có ý kiến nên hiện tại đường sắt vẫn phải dừng hoạt động.