15:02 21/12/2010

Chuyện taxi trong… ngân hàng

Nhật Nam

Trong câu chuyện với lãnh đạo một ngân hàng, kinh doanh ngân hàng cũng có điểm giống như dịch vụ taxi vậy

Giao dịch tại một chi nhánh của MB.
Giao dịch tại một chi nhánh của MB.
Hà Nội những ngày oi ả hay giá rét, gặp kỳ cuối tuần hay lễ tết, chuyện bắt được taxi coi như may mắn. Đối với hoạt động ngân hàng, vào mùa cao điểm giải ngân, căng thẳng thanh khoản, vay được vốn cũng là mừng.

Trong câu chuyện với lãnh đạo một ngân hàng, kinh doanh ngân hàng cũng có điểm giống như dịch vụ taxi vậy: dễ phân biệt chất lượng khi trái nắng, trở trời.

Biết đồng hành

Ý tưởng lập một hãng taxi mang thương hiệu “quân đội” đến từ tình thế người viết chôn chân trên vỉa hè, trong một ngày Hà Nội mưa và lạnh. 30 phút chờ đợi, hết xe, tổng đài “kiêu” không báo lại. Giá như có một hãng taxi quân đội, mạnh, tác phong nhanh, nghiêm chỉnh, tận tình, hẳn sẽ được nhiều người lựa chọn...

Trong dịp kỷ niệm 66 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12), đem ý tưởng này trao đổi với lãnh đạo Ngân hàng Quân đội (MB), thì đó cũng là cách thức mà họ đang tiến hành trong hoạt động ngân hàng: biết đồng hành.

Từ năm 2007, các nhà băng bắt đầu đón những khó khăn nổi bật. Căng thẳng thanh khoản, tỷ giá gần như theo “mùa”. Khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp theo đó thuận và khó tùy thời điểm.

Từ cuối tháng 10 trở lại đây, lãi suất có những biến động nóng. 13%, 14%, 15%, cá biệt 17% rồi 18%. Thị trường lên cơn sốt, lo ngại và xáo trộn. Liệu thanh khoản một số ngân hàng lại bất ổn? - dư luận đặt câu hỏi. Những thành viên vẫn án binh liệu có thực sự bình chân?

Có lãi suất cho vay khiêm tốn, nhưng bà Cao Thúy Nga, Phó tổng giám đốc MB, vẫn tự tin ở trạng thái thanh khoản ở những thời điểm như vậy. “Không phải chúng tôi không có khả năng ứng xử nhanh. Nhưng phải giữ uy tín. Một trong những thành công của chúng tôi từ năm 2007 đến nay là luôn đảm bảo thanh khoản, ngay cả những lúc khó khăn nhất. Trước hết là yêu cầu dự báo để chủ động có những giải pháp hợp lý, nhưng quan trọng hơn là có được sự hỗ trợ rất ý nghĩa của các đối tác, khách hàng”, bà Nga cho biết.

Không phủ nhận một phần vốn ra đi theo sức hút của cạnh tranh lãi suất, nhưng hầu hết lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại MB vẫn ổn định. Những lúc như thế này, chính khách hàng tạo nên giá trị của sự đồng hành, bởi mối quan hệ của ngân hàng này với doanh nghiệp, các tập đoàn lớn vẫn được gây dựng bởi sự chia sẻ trong thời gian qua.

“Có lẽ ở đây là tình cảm. Chúng tôi luôn cố gắng tạo được sự gần gũi với khách hàng, chia sẻ tối đa ở chính sách vốn, lãi suất và dịch vụ, dù cả những thời điểm thị trường không thuận lợi. Như ở câu chuyện dịch vụ taxi ấy, quan niệm là làm sao luôn sẵn sàng, tận tâm nhất khi doanh nghiệp cần, nhất là những lúc họ khó khăn. Có lẽ vì vậy mà họ gắn bó và ủng hộ chúng tôi thay vì theo những chênh lệch lợi ích trước mắt”, bà Nga lý giải thêm về mối quan hệ trong sự đồng hành này.

“Người lính” ngân hàng

“Chúng tôi là lính”, lãnh đạo và nhân viên MB vẫn hay nói như vậy. Hình ảnh người lính gắn với sự trung thành, tận tụy, tác phong, giản dị…

Tổng giám đốc MB, ông Lê Công, cũng thừa nhận đó là một lợi thế, ngẫu nhiên khi khởi nghiệp. 16 năm trước, MB được thành lập với mục đích chính là tương tác, phục vụ các doanh nghiệp khối quân đội. Phát triển và mở rộng, trở thành ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động và cạnh tranh toàn diện, yếu tố “quân đội” tiếp tục là một đặc thù.

“Chúng tôi lựa chọn khẩu hiệu “Vững vàng - Tin cậy” cũng là gắn với nền tảng đặc thù đó. Trong hoạt động kinh doanh khá nhạy cảm như tiền tệ, đó là hai yêu cầu hàng đầu phải đảm bảo để đến với khách hàng và thị trường”, ông Công nhìn nhận.

Nhưng trên thực tế vẫn còn những rào cản. Đơn giản như với đối tác chưa quen, khi làm việc dễ có ý nghi ngại những “ông tướng, ông tá” cứng nhắc và nguyên tắc. Phải mất một thời gian dài, MB mới xóa bỏ được sự hiểu nhầm của thị trường: ngân hàng của quân đội chỉ phục vụ cho quân đội mà thôi.

Đó cũng là rào cản chính mà ngân hàng này chưa thực sự phát triển mạnh ở khu vực phía Nam. Theo đó, thông điệp mà lãnh đạo MB nhấn mạnh là sẽ tăng cường xây dựng một hình ảnh rõ nét về một ngân hàng sẵn sàng cạnh tranh trong cung cấp sản phẩm dịch vụ, năng động và thân thiện với tất cả đối tượng khách hàng.

Còn trên thực tế, ông Lê Công nói, ở MB là những người lính làm kinh tế, mềm mại và uyển chuyển, năng động và thông minh. Những yếu tố này giải thích vì sao có những khác biệt từ quy mô ban đầu vài trăm tỷ đồng cho đến chiến lược trên chục nghìn tỷ đồng vốn trong năm tới. Quan trọng hơn, đi cùng với đó là nỗ lực khẳng định vị trí top đầu hiệu quả trong khối ngân hàng thương mại cổ phần những năm qua.

Tham vọng mà MB đặt ra trong chiến lược 5 năm tới là ít nhất có mặt trong top 5 ngân hàng hàng đầu trên thị trường, cũng như sự khẳng định tương tự của các thành viên như Công ty Chứng khoán Thăng Long, Công ty Bảo hiểm MIC... trong các lĩnh vực.

“Trong mục tiêu chiến lược đó, tất nhiên là phải từ những yêu cầu vận động nội tại. Nhưng giá trị hơn cả vẫn là giữ được ý nghĩa của sự đồng hành nói trên của khách hàng và đối tác. Chúng tôi xem đó là tài sản lớn nhất”, Tổng giám đốc Lê Công nói.