16:26 08/07/2008

Chuyện tin đồn ở Phố Wall

Mai Phương

Ở Phố Wall, hàng tỉ USD mỗi ngày được đặt cượt vào những “con số đồn thồi” và những câu chuyện nghe được trong giờ ăn trưa

Tin đồn từ lâu đã được coi là một loại “cổ phiếu” được “giao dịch” ở Phố Wall - Ảnh: ABC.
Tin đồn từ lâu đã được coi là một loại “cổ phiếu” được “giao dịch” ở Phố Wall - Ảnh: ABC.
“Tôi sẽ khiến các nhà đầu tư bán khống phải trả giá. Đó là mục tiêu của tôi”, CEO Richard Fuld của Lehman Brothers từng tuyên bố với thái độ giận dữ.

Vài “nạn nhân”

Đó là hồi tháng 4, khi Fuld lên án các nhà đầu cơ giá xuống - một trong những đối tượng bị “phỉ báng” nhiều nhất ở Phố Wall - về tội tung tin đồn thất thiệt đối với Lehman Brothers. Các nhà đầu tư này đánh cược rằng cổ phiếu của Lehman sẽ mất giá nặng và đồn đại việc Lehman Brothers kiểu gì rồi cũng sẽ phá sản.

Lẽ ra, vị CEO này tuần trước đã phải nổi giận thêm lần nữa. Khi đó, cổ phiếu của Lehman đã mất giá 11% chỉ trong vòng có 3 giờ đồng hồ không vì một lý do cụ thể nào cả.

Ngày 30/6, cổ phiếu của Lehman mở cửa ở mức 22,25 USD/cổ phiếu, sau đó tăng giá. Nhưng đột nhiên đến 1h30 chiều, giá cổ phiếu này đột ngột đảo chiều và sụt giảm mạnh. Đến lúc đóng cửa, giá cổ phiếu Lehman chỉ còn có 19,81 USD/cổ phiếu, mức thấp nhất từ năm 2000.

Lần này, tin đồn không phải là việc Lehman sắp sửa phá sản mà sắp bị bán lại cho ngân hàng Barclays của Anh, cũng gần giống như Bear Stearns bị bán lại cho JPMorgan Chase hồi tháng 3.

Như thường lệ, tin đồn này là không chính xác, nhưng lại đưa ra một cái giá có vẻ chính xác: Lehman sẽ bị bán lại với giá 15 USD/cổ phiếu. Do đó, thị trường đã bàn tán xôn xao suốt buổi chiều về mức giá “take under” - cách nói của Wall Street dành cho một công ty khi công ty đó phải “bán mình” với mức giá thấp hơn giá trị thị trường.

Nhân viên của Lehman hoảng hốt, gọi điện cho bạn bè bên ngoài văn phòng để xem việc gì đang xảy ra. Một người làm việc cho Lehman cho biết: “Thậm chí cả mẹ vợ tôi cũng gọi cho tôi”.

Những tin đồn kiểu này đã góp phần khiến cổ phiếu của Lehman đã mất giá khoảng 70% trong năm nay.

Vào giữa tháng 6, Merrill Lynch cũng suýt nữa đã trở thành nạn nhân của tin đồn. Giá cổ phiếu của Merrill Lynch đã mất giá 3,6% khi có tin đồn rằng ngân hàng này có thể sẽ công bố những khoản thâm hụt khổng lồ trước khi thông báo kết quả kinh doanh. Dĩ nhiên, tin đồn đó cũng là sai.

Các phương tiện tung tin đồn

Dĩ nhiên, tin đồn từ lâu đã được coi là một loại “cổ phiếu” được “giao dịch” ở Phố Wall. Hàng tỉ USD mỗi ngày được đặt cượt vào những “con số đồn thồi” và những câu chuyện nghe được trong giờ ăn trưa. Ở Phố Wall, thông tin là thứ quý giá nhất. Tuy nhiên, chỉ có một số thông tin là hợp pháp, còn một số khác thì không.

Trong sự tuyệt vọng của một thị trường “con gấu” (bear market), và sự phát triển của công nghệ cho phép các tay mua bán chứng khoán liên lạc với nhau mà không hề bị ghe lại, nghệ thuật tung tin đồn ngày càng trở nên có sức mạnh.

Với điện thoại di động trong tay, các tay mua bán này vẫn thường bỏ qua các đường dây có hệ thống ghi âm điện thoại của công ty và phớt lờ những quy định lẽ ra họ phải tuân thủ để trao đổi thông tin với bạn bè ở các công ty khác. Một trong những phương tiện thường dùng là bằng tin nhắn văn bản.

Tin nhắn nhanh (IM) cũng đã trở thành một phương tiện giao tiếp phổ biến khác. Những tin nhắn kiểu này cũng không được lưu trữ lại. Dĩ nhiên còn có email - một phương tiện được “ưa thích” để truyền bá tin đồn. Không chỉ có người bạn thân thiết là điện thoại, các nhà đầu tư còn có hệ thống mạng của hãng tin tài chính Bloomberg (Bloomberg terminal).

Dĩ nhiên, những tin đồn nguy hiểm nhất là những tin đồn không đúng sự thật, đặc biệt là những tin đồn khiến giá cổ phiếu đi xuống. Đó cũng là lý do tại sao mà các nhà đầu cơ giá xuống là những người tìm kiếm lợi nhuận “vô lương tâm”. Một thành viên của Lehman nói: “Tin đồn bao giờ cũng có tốc độ phủ sóng nhanh hơn sự thật. Tất cả những gì mà chúng tôi có thể làm chỉ là phủ nhận và phủ nhận những thông tin đó”.

Các nhà đầu tư, hoặc ít nhất là luật sư của họ, dường như ngày càng lo ngại về chuyện tin đồn. Trong vòng 2 tháng trở lại đây, nhiều công ty luật đã gửi thư tới các ngân hàng và các quỹ phòng hộ, khẳng định việc tung tin đồn thất thiệt để khuyến khích người khác giao dịch cổ phiếu của một công ty tạo thành tội thao túng thị trường.

Theo Chủ tịch JPMorgan James Dimon, việc tung tin đồn là không thể chấp nhận được. “Tôi cho là nếu ai đó tung tin đồn hoặc loan tin đồn có chủ ý, họ sẽ phải ra tòa. Việc làm này còn tồi tệ hơn cả giao dịch nội bộ vì đó là hành vi phá hủy giá trị và cuộc sống của người khác”, ông nói.

Thậm chí cả Chủ tịch Christopher Cox của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ dường như cũng phải thừa nhận vấn đề này, mặc dù ông chưa làm gì nhiều để giải quyết. Sau khi Bear Stearns bị bán lại cho JPMorgan, ông có nói: “Những tin đồn về vấn đề thanh khoản mà Bear Stearns không thể giải quyết là kết quả của sự thiếu niềm tin, chứ không phải chuyện thiếu vốn”.

Niềm tin là điều sống còn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, nhưng điều này đặc biệt quan trọng đối với các công ty tài chính. Xét cho cùng, Bear Stearns đã bị mất thanh khoản vì thị trường không còn niềm tin vào ngân hàng này nữa. Về phần mình, cũng chính vì quản lý yếu kém mà Bear Stearns không thể tự giải quyết vấn đề này.

Một người phát ngôn của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ cho biết, ủy ban này đang theo dõi sát các tin đồn có mục tiêu lũng đoạn thị trường và đã thành lập một bộ phận để chịu trách nhiệm về vấn đền này. Để chứng minh là ủy ban này đang làm việc nghiêm túc, người phát ngôn này đã nhắc tới đơn kiện một giám đốc quỹ đầu tư hồi tháng 4 do ông này tung tin đồn về việc công ty Alliance Data Systems sắp bị thôn tính.

(Theo IHT)