CNBC: “Châu Âu muốn điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc nhưng lo bị trả đũa”
Châu Âu đang vạch ra một hướng đi mới cho mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng giới chức của khu vực lo ngại về khả năng bị trả đũa nếu toan tính sai lầm...
Theo hãng tin CNBC, ý tưởng về giảm bớt rủi ro trong mối quan hệ với Trung Quốc đang được đẩy mạnh ở châu Âu. Tại một cuộc họp của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) vào cuối tháng 5, cả Mỹ và châu Âu cùng nhất trí giảm bớt sự phụ thuộc vào Bắc Kinh thay vì cắt đứt các kết nối.
Những năm gần đây, Mỹ ngày càng quyết liệt hơn trong việc coi Trung Quốc là một mối đe doạ an ninh quốc gia. Về phần mình, các nhà hoạch định chính sách châu Âu có một phương pháp tiếp cận thận trọng hơn, bởi họ nhận thức được tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với doanh nghiệp châu Âu.
Trao đổi với hãng tin CNBC, một nhà ngoại giao cấp cao của Liên minh châu ÂU (EU) đề nghị không công khai danh tính nói rằng “chắc chắn” có một nhận thức trong EU về việc Trung Quốc có thể trả đũa. “Đó chính là lý do vì sao chúng tôi cần phải thảo luận về vấn đề này”, nhà ngoại giao phát biểu.
Một quan chức EU giấu tên khác nói: “Lúc nào cũng có những quốc gia sợ điều này điều kia. Nhưng việc đó không có nghĩa là chúng tôi không nên làm”.
Châu Âu hiện đang cân nhắc xem giảm rủi ro trong mối quan hệ Trung Quốc là làm như thế nào. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen miêu tả việc giảm rủi ro trong quan hệ với Trung Quốc là nêu rõ những mối quan ngại cụ thể của EU với Bắc Kinh, bao gồm vấn đề nhân quyền, cạnh tranh bình đẳng và quyền tiếp cận thị trường.
Hôm thứ Ba tuần này, EC đề xuất EU cần rà soát lại chính sách sàng lọc đầu tư nước ngoài, cũng như thắt chặt các quy định về kiểm soát xuất khẩu. Cơ quan này không nói trực tiếp rằng những ý tưởng này liên quan đến Trung Quốc, nhưng nói rằng EU cần giảm thiểu rủi ro “trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và sự dịch chuyển công nghệ được đẩy nhanh”. Theo dự kiến, hội nghị thượng đỉnh của 27 nhà lãnh đạo EU vào cuối tháng 6 sẽ tiếp tục thảo luận về nội dung này.
Lithuania, một quốc gia vùng Baltic, là ví dụ điển hình và một nước châu Âu lo ngại khả năng Trung Quốc trả đũa. Năm 2021, nước này trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực có văn phòng đại diện của Đài Loan mang tên Đài Loan. Hầu hết các nước trong khu vực đều sử dụng tên gọi Đài Bắc cho văn phòng đại diện của Đài Loan.
Trung Quốc lên án động thái này vì Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, không có quyền tiến hành quan hệ ngoại giao một cách độc lập và do đó không cần đại diện riêng ở Lithuania. Trung Quốc đã rút đại sứ của mình khỏi Lithuania và áp lệnh cấm hải quan đối với hàng nhập khẩu của nước này vào Trung Quốc.
Đầu tháng này, EC kêu gọi thêm nhiều quốc gia EU cấm các tập đoàn viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE. Đến nay, đã có 10 nước châu Âu áp lệnh cấm hoặc hạn chế hai tập đoàn này khỏi mạng 5G của họ vì lý do an ninh của khối.
Trung Quốc đã chỉ trích lập trường của châu Âu và nói thêm rằng ủy ban không có cơ sở pháp lý để cấm các “gã khổng lồ” viễn thông nói trên - theo Reuters đưa tin.
Một quan chức EU không muốn tiết lộ danh tính do tính chất nhạy cảm của vấn đề cho biết: “Chúng tôi chưa thấy mức độ trả đũa tương tự” sau thông báo đó nếu so sánh với từng quốc gia cụ thể. Nhưng cũng chính quan chức này nói: “Nếu chúng ta hành động theo một khuôn khổ chung, chúng ta sẽ ở vị thế mạnh hơn nhiều trong trường hợp có sự trả đũa”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn đang xác định xem cần định hình lại mối quan hệ với Trung Quốc như thế nào trong bối cảnh họ cho là Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn. Tuy nhiên, cấp dưới của họ thừa hiểu rằng việc vừa giảm quan hệ với Trung Quốc mà không làm mếch lòng Bắc Kinh sẽ là một sự cân bằng đầy khó khăn.