Giá khí đốt lại tăng mạnh, vì sao châu Âu không lo?
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn gấp rưỡi trong tháng 6 này, sau nhiều tháng giảm liên tiếp. Tuy nhiên, đợt tăng giá khí đốt này có vẻ không khiến châu Âu lo ngại như trước...
Đây là một lời nhắc nhở không mấy dễ chịu về cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến khu vực này khốn đốn trong năm ngoái.
Theo dữ liệu từ công ty Independent Commodity Intelligence Service (ICIS), giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan - giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu - đã tăng 52% lên mức 35 Euro, tương đương 38 USD, mỗi megawatt giờ vào tuần trước.
Trao đổi với hãng tin CNN, các nhà phân tích nói với rằng giá khí đốt ở châu Âu đảo chiều từ giảm sang tăng chủ yếu do sự gián đoạn nguồn cung vì hoạt động bảo trì diễn ra lâu hơn dự kiến tại các nhà máy khí đốt quan trọng ở Na Uy.
Ông Bill Weatherburn, nhà kinh tế hàng hóa tại công ty phân tích Capital Economics, nhận định: “Đợt tăng giá gần đây cho thấy mức độ nhạy cảm của thị trường châu Âu với sự gián đoạn nguồn cung”.
Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức của mùa hè năm ngoái, khoảng thời gian mà lục địa này rơi vào tình trạng bế tắc về năng lượng sau khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine. Xu hướng tăng giá nhanh chóng trên thị trường khí đốt châu Âu trong tháng 6 này cho thấy khu vực vẫn dễ bị tổn thương trước bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào trong bối cảnh nguồn cung cấp khí đốt từ Nga giảm xuống mức tối thiểu.
Nhà điều hành mạng lưới khí đốt của Na Uy, công ty Gassco, cho biết kế hoạch ngừng hoạt động tại một trong số các nhà máy khí đốt của công ty đã được gia hạn đến ngày 15/7. Lúc đầu, nhà máy này dự kiến hoạt động trở lại vào ngày 21/ 6. Hai nhà máy khí đốt khác vẫn trong tình trạng ngưng hoạt động vô thời hạn do "các vấn đề về quy trình."
Năm ngoái, Na Uy đã thay thế Nga trở thành nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU), với thị phần hơn 24%, so với mức 15% của Nga.
Châu Âu có thể sắp mất thêm một nguồn cung cấp khí đốt khác. Giá khí đốt TTF tăng vọt vào hôm thứ Năm tuần trước sau khi có tin rằng Hà Lan có kế hoạch đóng cửa vĩnh viễn mỏ khí đốt Groningen vào tháng 10, thay vì một năm sau đó như một lựa chọn ban đầu.
Trong phiên, giá khí đốt tương lai có lúc đạt mức 50 Euro (55 USD) mỗi megawatt giờ trước khi giảm trở lại. Đó là mức giá cao hơn gấp đôi so với thời điểm đầu tháng.
Từng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính cho châu Âu, Hà Lan đã giảm sản xuất tại mỏ khí đốt trên đất liền của nước này trong thập kỷ qua vì nguy cơ động đất. Mỏ này là một trong những mỏ khí đốt lớn nhất trên thế giới nhưng hiện chỉ chiếm một phần nhỏ trong nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu. Dù vậy, thông tin nói rằng mỏ khí đốt này có thể đóng cửa vào tháng 10 dường như đã khiến các nhà giao dịch lo lắng.
Ông Tom Marzec-Manser, người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt tại ICIS, nói với CNN: “Thị trường khí đốt châu Âu - và rộng hơn là thị trường khí đốt toàn cầu - chắc chắn chưa thoát khỏi rủi ro trong việc cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu”. Vị chuyên gia nói thêm rằng giá khí đốt luôn được kỳ vọng còn tăng, xét tới việc giá khí đốt tự nhiên tương lai cho hai mùa đông tới vẫn còn cao so với mức bình quân lịch sử.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại là 340 Euro (372 USD) mỗi megawatt giờ vào cuối tháng 8 khi các nước châu Âu chạy đua để lấp đầy dự trữ khí đốt trước khi bước vào những tháng mùa đông.
Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, các cơ sở lưu trữ khí đốt của khu vực hiện đã đầy 73% - mức cao hơn nhiều so với mức bình quân 56% của cùng thời điểm trong năm trong 5 năm qua.
Ông Massimo Di Odoardo, nhà nghiên cứu cấp cao về thị trường khí đốt tại công ty tư vấn Wood Mackenzie, nói với CNN: “Giai đoạn hoảng loạn mà chúng ta chứng kiến vào mùa hè năm ngoái rất khó xảy ra lần nữa”.
Mức dự trữ khí đốt kỷ lục ở Nhật Bản và Hàn Quốc, kết hợp với sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nền kinh tế Trung Quốc, cũng làm giảm khả năng châu Âu buộc phải tham gia vào một cuộc tranh giành tốn kém nữa với châu Á để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm nay - ông Di Odoardo nhận định.
Tuy nhiên, niềm tin của các nhà giao dịch rất dễ lung lay.
Ông Henning Gloystein, Giám đốc phụ trách các vấn đề năng lượng, khí hậu và tài nguyên của công ty nghiên cứu Eurasia Group, nói với CNN: “Châu Âu vẫn phải đối mặt với thực tế là chỉ còn rất ít khí đốt của Nga ở châu Âu. Nên bất kỳ sự gián đoạn ngoài kế hoạch nào đều có thể dẫn đến tăng giá đột biến.”
Theo ông Di Odoardo, việc đóng cửa kéo dài các nhà máy khí đốt quan trọng ở Na Uy “có thể dễ dàng cắt đứt nguồn cung [tỷ mét khối] nữa trong vài tháng tới”. “Thực sự là chỉ cần giảm khoảng 5 tỷ mét khối khí đốt là thị trường trở nên thắt chặt hơn rất nhiều”, ông nói.