07:30 27/04/2018

Cổ đông lớn bắc nhịp cầu kết nối

Hoàng Nam

Trong hành trình thực hiện chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, SCIC đã và đang thúc đẩy sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong danh mục của mình

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC.

Ngay sau lễ ký kết Biên bản hợp tác chiến lược giữa hai doanh nghiệp lớn và tiêu biểu là Vinamilk và Dược Hậu Giang, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, về những nỗ lực kết nối này.

Nhiều năm nay, Vinamilk và Dược Hậu Giang đã có nhiều hợp tác nhưng cho đến bây giời, nhờ sự kết nối của SCIC - với vai trò cổ đông lớn, sự hợp tác này đã được thúc đẩy thành hợp tác chiến lược. Trong bối cảnh mà sự hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam còn khá lỏng lẻo, SCIC lại thành công trong vai  trò kết nối này. Ông có thể chia sẻ bí quyết làm thế nào để có thể kết nối được hai doanh nghiệp dẫn đầu ngành như vậy?

Thực ra, SCIC đã có ý tưởng kết nối các doanh nghiệp trong thuộc danh mục của mình từ rất lâu và cũng muốn các doanh nghiệp thuộc danh mục SCIC có sự hợp tác và kết nối, nhằm phát huy các thế mạnh của nhau để cùng phát triển. 

Chẳng hạn, cách đây 3, 4 năm, chúng tôi đã thực hiện kết nối trong cộng đồng các doanh nghiệp ngành dược thuộc danh mục của SCIC, các doanh nghiệp thuộc ngành nghề kết cấu xây dựng hạ tầng, các doanh nghiệp bất động sản. 

Chúng tôi đã triển khai và khởi động nhiều năm qua các kết nối này. Sự kiện ký kết đối tác chiến lược giữa Vinamilk và Dược Hậu Giang ngày hôm nay là một thành quả đầu tiên giữa các doanh nghiệp theo định hướng mà chúng tôi đặt ra. 

Buổi lễ ký kết là để công bố với mọi người biết có sự kết nối đó và thực tế sự hợp tác cũng đã diễn ra trong nhiều năm.

Và ngay trong kỳ đại hội cổ đông nhiệm kỳ 2018 này, Hội đồng quản trị của Dược Hậu Giang sẽ tiếp nhận một thành viên hội đồng quản trị mới đến từ Vinamilk và bản thân cán bộ SCIC vừa là thành viên hội đồng quản trị của Dược Hậu Giang vừa là thành viên hội đồng của Vinamilk. 

Điều đó đã cho thấy những bước chuẩn bị rất kỹ càng để triển khai sự hợp tác chiến lược theo từng lộ trình cụ thể và sự kết nối chặt chẽ này chắc chắn sẽ mang lại kết quả. 

Nhưng đó là những bước đi trong tương lai còn hiện tại thì hai bên vẫn đang cùng nhau nghiên cứu phát triển sản phẩm cùng nhau thực hiện các chiến dịch chiến lược marketing phân phối. Cả hai bên ban điều hành sẽ nghiên cứu và thực hiện cụ thể theo lộ trình đặt ra.

Thực tế, trên thế giới không thiếu những tập đoàn lớn mà vừa sản xuất các sản phẩm thực phẩm và dược phẩm. Hơn nữa, hai doanh nghiệp này đều cùng có một mong muốn là tạo ra các sản phẩm dinh dưỡng, có tác dụng tốt cho sức khỏe.

Nếu Vinamilk hay Dược Hậu Giang đi một mình có thể cũng sẽ tới đích, nhưng nếu Vinamilk kết hợp với Dược Hậu Giang sẽ đi nhanh và hiệu quả hơn. 

 Sự kết hợp này sẽ tạo ra các sản phẩm và thị trường Việt Nam đang cần và khi các doanh nghiệp có quy mô và là thương hiệu lớn như thế này cùng hợp tác với nhau chắc chắn sẽ đưa ra được các sẩn phẩm tối ưu phục vụ thị trường trong nước và quốc tế. 

Tôi tin là Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp và các nhà sản xuất đủ sức để sản xuất ra các sản phẩm như là thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

Xin ông cho biết quan điểm về quản trị vốn tại các doanh nghiệp mà SCIC đang thực hiện, đặc biệt là tại các doanh nghiệp lớn và sản xuất nhiều  sản phẩm mang tính thị trường?

Chúng tôi xác định tính hiệu quả là quan trọng nhất, theo đúng các chức năng mà Chính phủ quy định, đúng như tên gọi: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. 

Vì thế, chúng tôi luôn phải nghiên cứu và tìm ra các giải pháp làm sao để không những bảo toàn đồng vốn nhà nước mà còn phải phát triển đồng vốn đó một cách hiệu quả nhất. 

Theo kinh nghiệm mà chúng tôi đã thực hiện trong hơn 10 năm qua, đó là phải kết hợp chặt chẽ với những doanh nghiệp mà chúng tôi có vốn ở đó, giúp doanh nghiệp phát huy được các thế mạnh của nhau và tạo ra được các giá trị gia tăng. Và một khi doanh nghiệp tốt lên, thì đương nhiên các cổ đông, trong đó có SCIC, sẽ được lợi.

Mục tiêu tối thượng là bảo toàn và phát huy hiệu quả đồng vốn, nên tôi nghĩ việc quản trị vốn phải tuân thủ theo các nguyên tắc của thị trường và đi theo thị trường. 

Việc thực hiện các kết nối này là rất bình thường và tôi hy vọng trong thời gian tới chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hơn nữa sự kết nối này.

Thách thức nhất mà các ông có thể gặp phải khi thực hiện các kết nối này?

Kế hoạch mà chúng tôi đang làm cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, nhất là trong bối cảnh mà lộ trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đang được chính phủ quyết tâm đẩy mạnh và bản thân SCIC cũng đang trong giai đoạn tái cơ cấu tổ chức. Trong lộ trình đó, tại nhiều doanh nghiệp, SCIC  không được nắm vốn mà phải thực hiện thoái vốn theo lộ trình mà chính phủ quyết.

Chỉ có một điều có thể khẳng định là ngày nào còn là cổ đông thì ngày đó chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để kết nối, giúp doanh nghiệp phát triển hiệu quả.