Cơ hội để làm báo một cách tử tế
Báo chí đang sống trong một thời kỳ đầy màu sắc để chúng ta làm báo một cách tử tế
Trong thời buổi hỗn loạn về mặt thông tin của tin giả thì độc giả đang có xu hướng tìm đến những tờ báo uy tín để đọc những thông tin chính xác, có ích cho cuộc sống. Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, đây chính là cơ hội cho báo chí. Báo chí đang sống trong một thời kỳ đầy màu sắc để chúng ta làm báo một cách tử tế, để chứng minh báo chí là cần thiết cho cuộc sống, và để báo chí đến với độc giả.
Những xu hướng mới
Thưa ông, một số tòa soạn báo trên thế giới đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất báo chí. Vậy theo ông, AI đang thay đổi cách thức làm báo và tác động tới báo chí như thế nào?
Báo chí đang trải qua sự thay đổi rất mạnh mẽ. Trong suốt hàng trăm năm kể từ khi báo chí ra đời, mặc dù phương thức hoạt động có sự thay đổi nhất định nhưng cách thức tác nghiệp tương đối ổn định.
Tuy nhiên, trong mấy năm qua, các tòa soạn đã có sự thay đổi rất rõ nét. Khi hành vi độc giả thay đổi thì cách thức đưa tin của báo chí cũng phải thay đổi theo. Sự xuất hiện của công nghệ truyền thông mới đã thay đổi cách tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên cũng như những người quản lý tòa soạn. Các nghiên cứu gần đây nhấn mạnh, AI và dữ liệu sẽ làm cho các cơ quan báo chí thay đổi phương thức hoạt động.
Máy móc giờ đây có thể giúp các tòa soạn phát hiện thông tin nóng, phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ để tìm ra vấn đề mà có thể con người không nhìn thấy. AI cũng đã giúp tự động viết tin bài, tạo ra người dẫn chương trình ảo...
Bên cạnh đó, công nghệ blockchain cũng đang cho thấy những tiềm năng và hiệu quả nhất định, giúp phát hiện tin giả hoặc giải quyết vấn đề thanh toán các khoản nhỏ khi mua tin (micropayment).
Những minh chứng này cho thấy, vai trò của công nghệ đang ngày càng tăng, làm thay đổi cách thức hoạt động của các tòa soạn.
Sự xuất hiện của công nghệ, tự động hóa hay "nhà báo robot" tham gia vào làm báo sẽ mang lại cơ hội, thách thức gì cho các cơ quan báo chí cũng như người làm báo?
Cơ hội đầu tiên mà "nhà báo robot" mang lại là chúng ta có thể đưa được nhiều thông tin hơn. Có nhiều thông tin hiện nay, như kết quả các trận đấu thể thao, thông tin tài chính-chứng khoán, hoạt động của các doanh nghiệp... thì robot đã làm tương đối tốt và đã được một số hãng tin triển khai, ví dụ như AP của Mỹ hoặc Yonhap của Hàn Quốc...
Với số lượng nhân sự hạn hẹp, mỗi tòa soạn chỉ có thể đưa được lượng nhất định nhưng nếu máy tham gia đưa tin thì số lượng nội dung có thể tăng lên rất nhiều. Ví dụ như hãng tin AP khi dùng robot thì thông tin về doanh nghiệp đã tăng gấp 10 lần. Với các thông tin thể thao, nếu con người viết một tin về kết quả thi đấu sẽ mất ít nhất vài chục phút nhưng máy móc chỉ xử lý trong vài phút, thậm chí vài giây. Hay những người dẫn chương trình bằng AI , chỉ cần nạp nội dung là có thể tự động dẫn các chương trình vào buổi đêm.
Đây chính là những lợi ích lớn nhất mà AI mang lại cho báo chí. Những công việc nhỏ mang tính lặp đi lặp lại thì máy móc đang làm tốt hơn con người rất nhiều. Vậy nên mới có câu nói rằng "Nếu máy làm tốt công việc gì thì hãy để cho nó đảm trách".
Tuy nhiên, theo tính toán trong 20-30 năm tới, máy móc vẫn chỉ dừng ở việc xử lý những nội dung mang tính lặp đi lặp lại, nhỏ lẻ chứ chưa thể làm được những việc phức tạp như con người. Đặc biệt với đặc thù báo chí đòi hỏi tính sáng tạo cao nên máy móc chưa thể thực hiện được các bài phóng sự điều tra, viết những bài bình luận. Đặc biệt là máy móc không thể thay nhà báo đi phỏng vấn đối tượng, bởi không ai muốn trả lời trước một cái máy cả. Vì vậy, theo tôi, mối lo ngại về mất cơ hội việc làm còn rất lâu mới xảy ra trong lĩnh vực báo chí.
Chân kiềng của báo chí
Theo ông, các cơ quan báo chí nên làm gì trước xu hướng công nghệ tất yếu này?
Việc nghiên cứu AI đòi hỏi kinh phí đầu tư rất lớn trong khi nhiều cơ quan báo chí không có nguồn lực tài chính và chưa ý thức được việc cần phải áp dụng. Với các công nghệ phức tạp như làm báo bằng robot, dẫn chương trình bằng máy... thì càng tốn kém hơn. Các cơ quan báo chí Việt Nam chưa có sự đầu tư tương lai, bài bản theo kịp với xu thế toàn cầu về công nghệ truyền thông hiện đại mặc dù bề ngoài có vẻ chuyển đổi số rất mạnh, tờ nào cũng có báo điện tử, có phiên bản mobile.
Theo tôi, không có một giải pháp công nghệ nào phù hợp với tất cả các tòa soạn. Cách thức làm của báo chí thế giới là hãy thử nghiệm liên tục và chấp nhận sai lầm. Nhiều lần lao vào thách thức và rút kinh nghiệm thì có thể sẽ tìm ra xu hướng phù hợp. Nếu chúng ta ngồi chờ thì cơ hội sẽ không đến và không chấp nhận rủi ro thì sẽ luôn là người đi sau.
Xét cho cùng, báo chí hiện nay ngoài vấn đề nội dung và công nghệ là hai chân kiềng rất quan trọng thì chân kiềng thứ 3 là sự sáng tạo đột phá. Nếu không có sự sáng tạo độc đáo thì sẽ không thu hút sự quan tâm của độc giả. Các tờ báo phải trả lời được câu hỏi: độc giả đến với mình vì lý do gì?
Vậy với báo giấy, làm thế nào để có thể ứng dụng các yếu tố này để thu hút độc giả?
Với báo giấy, nhất là báo hàng ngày sẽ vô cùng khó khăn vì độc giả sẽ tìm kiếm thông tin thời sự ở các nền tảng cung cấp nhanh hơn, như website, mobile hay mạng xã hội. Hơn nữa, nguồn thu quảng cáo cho báo in, nhất là báo ngày, đang giảm mạnh nên nhiều báo khó trụ vững trong cuộc cạnh tranh thông tin.
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu thì những tờ tạp chí định kỳ lại đang có nhiều cơ hội để thay đổi về về hình thức và tạo sự tương tác, gắn bó chặt chẽ với độc giả. Nhiều tạp chí in trên thế giới đã thành công và có phương thức đa dạng hóa nguồn thu, không chỉ từ bán báo hay quảng cáo. Thậm chí có những trang điện tử như Politico còn sản xuất cả báo in và cũng đạt kết quả khả quan.
Cơ hội để báo chí đến với độc giả
Chính phủ vừa phê duyệt "Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025". Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành kế hoạch "Triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch...". Vậy ông nghĩ gì về thực hiện chủ trương này?
Khi đi theo kinh tế thị trường, báo chí hoạt động tốt thì tồn tại và ngược lại. Bối cảnh ở Việt Nam thì khác, vì có những tờ báo hưởng ngân sách với nhiệm vụ đặc thù và có rất nhiều tờ báo thuộc các hội nghề nghiệp với tôn chỉ, mục đích riêng. Nhưng sự ra đời của quá nhiều báo điện tử, trang thông tin điện tử nhưng hoạt động vượt tầm kiểm soát do yếu về nghiệp vụ hoặc tệ hại hơn là mang danh báo chí để trục lợi, đã làm xói mòn niềm tin công chúng một cách nghiêm trọng.
Nhiều báo điện tử chạy theo một mô hình chung là chạy theo nội dung gây sốc để tăng lượng truy cập với hy vọng có được doanh thu cao từ quảng cáo. Tệ hại hơn là một số nhà báo kiếm tiền bằng cách thức mà người ta gọi là "đếm tầng", sách nhiễu từ doanh nghiệp cho đến cơ quan chức năng và thậm chí cả người dân...
Tôi cho rằng việc quy hoạch lại để quản lý một cách chặt chẽ hơn, giao nhiệm vụ cho từng cơ quan chủ quản là rất cần thiết và đúng đắn. Hy vọng việc này sẽ giúp báo chí lấy lại niềm tin của bạn đọc bằng cách cung cấp những nội dung chất lượng cao.
Việc tự chủ trong báo đang được triển khai và cũng đặt ra nhiều thách thức cho mỗi tòa soạn. Quan điểm của ông về vấn đề tự chủ và kinh tế báo chí trong quá trình phát triển?
Về lý thuyết, làm báo mà tự chủ về mặt tài chính thì mới đảm bảo tính độc lập tương đối về nội dung, từ đó mới phụng sự được cho độc giả mà không bị chi phối bởi bất kỳ nhóm lợi ích nào. Về thực tế, ngân sách nhà nước có giới hạn và không thể tiếp tục tài trợ mãi. Tự chủ về tài chính cũng giúp cho các cơ quan báo chí không ỷ lại vào "bầu sữa" ngân sách, phải trăn trở để tồn tại và tạo ra các sản phẩm hấp dẫn thu hút người đọc và quảng cáo...
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, hiện nay quảng cáo không phải là nguồn thu chủ yếu của báo chí, nhất là trên nền tảng kỹ thuật số khi đến 60% chi phí quảng cáo rơi vào túi Google và Facebook.
Chính vì vậy, cách thức bền vững nhất với các tờ báo là dựa vào đóng góp của độc giả, dù đây sẽ là con đường rất dài. Để độc giả móc hầu bao thì nội dung của các báo phải đặc biệt, độc quyền. Ngoài ra, báo chí cũng phải đa dạng hóa nguồn thu bằng nhiều hoạt động khác.
Với những tác động của xu hướng công nghệ mới và sự thay đổi này, bức tranh báo chí Việt Nam thời gian tới sẽ thế nào, thưa ông?
Báo chí đang đứng trước rất nhiều thách thức từ mạng xã hội, từ tin giả, từ việc tạo nguồn thu, từ các công nghệ truyền thông mới, từ sự cạnh tranh của các mô hình báo chí mới nổi... Tuy nhiên, trong thời buổi hỗn loạn về mặt thông tin thì độc giả đang có xu hướng tìm đến những tờ báo uy tín để đọc những thông tin chính xác, có ích cho công việc và cuộc sống. Đây chính là cơ hội cho báo chí.
Chưa bao giờ báo chí lại sống trong một thời kỳ đầy màu sắc như hiện nay để chúng ta làm báo một cách tử tế, để chứng minh báo chí là cần thiết cho cuộc sống.
Đây là cơ hội quan trọng chưa từng có để báo chí đến với độc giả, tạo ra những nội dung chất lượng cao, sáng tạo ra những nội dung mới, áp dụng các mô hình, phương thức kinh tế báo chí mới. Bức tranh báo chí đang rất sôi động và nếu nắm bắt được cơ hội, nếu nỗ lực, dám làm thử các mô hình mới và dám chấp nhận sai, chúng ta vẫn có thể khắc phục và chế ngự được các thách thức đang nảy sinh.