Cơ hội nào cho cổ phiếu chứng khoán khi thanh khoản bùng nổ?
Trong khoảng thời gian lãi suất thay đổi, dư nợ cho vay ký quỹ có sự thay đổi đáng kể tương ứng sau một hoặc hai quý. Với việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2023, lãi suất cho vay ký quỹ sẽ giảm trong các quý tới và do đó sẽ thúc đẩy nhu cầu vay ký quỹ...
Chứng khoán Vietcap vừa có báo cáo triển vọng cổ phiếu ngành chứng khoán với điểm nhấn giá trị giao dịch trung bình hàng ngày được cải thiện trong quý 2/2023.
Vietcap kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong suốt các quý còn lại của năm 2023 sau khi các chính sách và việc cắt giảm lãi suất gần đây của Chính phủ đã cho thấy cam kết hỗ trợ trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, hệ thống ngân hàng và mục tiêu của Chính phủ đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% cho năm 2023, từ đó thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư.
Trên cơ sở đó, dự báo thanh khoản hàng ngày năm 2023 là 630 triệu USD, giảm so với con số của năm 2022 nhưng cao hơn so với con số tính từ đầu năm là 586 triệu USD.
Công ty chứng khoán này cũng kỳ vọng định giá thị trường hấp dẫn hiện tại (chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức thấp hơn một độ lệch chuẩn so với P/E trượt trung bình 8 năm) cũng như câu chuyện tăng trưởng dài hạn hấp dẫn của Việt Nam với dân số trẻ của đất nước sẽ giúp thu hút nhiều dòng vốn nước ngoài hơn trong suốt thời gian còn lại của năm.
Theo quan sát của Vietcap, trong khoảng thời gian lãi suất thay đổi, dư nợ cho vay ký quỹ có sự thay đổi đáng kể tương ứng sau một hoặc hai quý. Với việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2023, lãi suất cho vay ký quỹ sẽ giảm trong các quý tới và do đó sẽ thúc đẩy nhu cầu vay ký quỹ. Việc gia tăng cho vay ký quỹ có thể tác động tích cực đến thanh khoản và từ đó hỗ trợ chỉ số VN-Index.
Đối với SSI, dự báo dư nợ cho vay ký quỹ sẽ tăng 23,3% lên 13,6 nghìn tỷ đồng vào năm 2023.
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trong 5 tháng đầu năm 2023 thấp nhất so với cùng kỳ trong 3 năm qua. Một phần tác động tiêu cực của diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào năm 2022 có thể đã ảnh hưởng đến tâm lý đối với thị trường này và niềm tin của nhà đầu tư cá nhân.
Những khó khăn ngắn hạn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến nghiệp vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Tính đến năm 2022, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp/GDP ở Việt Nam là 14,8%, thấp so với khu vực.
Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến tháng 11/2022, có 81 công ty chứng khoán có giấy phép hoạt động môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam có tính tập trung và cạnh tranh cao, trong đó top 10 công ty chứng khoán lớn nhất nắm giữ 60 % tổng thị phần trong quý 1/2023.
Đã có sự quan tâm nhiều hơn từ các ngân hàng đối với lĩnh vực chứng khoán trong những năm gần đây. VPB đã mua lại một công ty chứng khoán và đổi tên thành VPBankS vào năm 2022. Sau đó, ngân hàng này đã cấp gần 15 nghìn tỷ đồng vốn mới vào công ty con này vào năm 2022.
Ngoài ra, TCB đã hoàn thành việc bổ sung thêm 10,2 nghìn tỷ đồng vốn cho công ty con TCBS vào tháng 6/2023. HDB thông báo ý định mua một công ty chứng khoán trong năm 2023. Công ty CP Chứng khoán HDB (HDBS) có thể là mục tiêu tiềm năng cho thương vụ M&A này do HDBS đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được HDB mua lại và là bên liên quan của tập đoàn Sovico.
Động thái trên của các ngân hàng đã thể hiện quan điểm của các ngân hàng về tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn. Điều này cũng cho thấy sự cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán sẽ gay gắt còn trong thời gian tới.
Do đó, Vietcap cho rằng các công ty chứng khoán sở hữu lợi thế cạnh tranh riêng, dư địa vốn mạnh và khả năng tiếp cận các nguồn vốn chi phí thấp sẽ là những công ty được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của lĩnh vực này.