12:00 02/08/2023

Thanh khoản giảm mạnh, cổ phiếu ngân hàng kéo VN-Index xanh

Kim Phong

Sau phiên xả đột biến thanh khoản hôm qua, thị trường không có thêm các tín hiệu hoảng loạn mới. Tuy nhiên lực cầu quá yếu đã không thể giúp thị trường phục hồi rõ rệt, đặc biệt là nhóm blue-chips thiếu đi cổ phiếu dẫn dắt đủ mạnh. Tổng thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE sáng nay giảm 26% so với sáng hôm qua và hai trụ “gây bão” là VIC và VHM điều chỉnh giảm...

Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường sáng nay chủ yếu là tăng giá.
Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường sáng nay chủ yếu là tăng giá.

Sau phiên xả đột biến thanh khoản hôm qua, thị trường không có thêm các tín hiệu hoảng loạn mới. Tuy nhiên lực cầu quá yếu đã không thể giúp thị trường phục hồi rõ rệt, đặc biệt là nhóm blue-chips thiếu đi cổ phiếu dẫn dắt đủ mạnh. Tổng thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE sáng nay giảm 26% so với sáng hôm qua và hai trụ “gây bão” là VIC và VHM điều chỉnh giảm.

Kéo điểm mạnh nhất sáng nay là nhóm ngân hàng, dẫn đầu là BID tăng 2,28%, CTG tăng 1,97% và EIB tăng 3,26%. Ngoài ra có thể kể tới VCB, LPB, ACB, VPB, VIB đều nằm trong Top 10 mã tạo điểm nhiều nhất cho VN-Index. Như vậy nhóm ngân hàng chiếm 8/10 vị trí, còn lại là NVL tăng 2,53% và MWG tăng 0,58%.

Dù vậy nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung cũng không hẳn là mạnh, chỉ nổi hơn các nhóm khác về vốn hóa. 14/27 cổ phiếu nhóm này tăng giá sáng nay với 7 mã tăng trên 1%. Dẫn đầu là các mã ít quan trọng như SGB tăng 7,74%, KLB tăng 4,86%. Thậm chí SHB, VCB, VPB, ACB còn tăng chưa tới 0,5%.

Do tác động của nhóm ngân hàng hạn chế, nên VN30-Index chốt phiên sáng vẫn giảm 0,13%, dù VN-Index đã hồi tăng 0,04% trong vài giao dịch cuối cùng. Độ rộng của rổ VN30 kém với 10 mã tăng/15 mã giảm, đặc biệt là thanh khoản giảm tới 35% so với sáng hôm qua, chỉ đạt gần 3.159 tỷ đồng.

Các cổ phiếu kéo mạnh thị trường chung cũng như chỉ số hai ngày trước đều quay đầu: VIC giảm 0,85%, VHM giảm 0,48%, MSN giảm 1,85%. Dù vậy phần còn lại của rổ blue-chips giảm khá nhẹ và có mức độ phục hồi nhất định. VN30-Index chạm đáy lúc 9h30 giảm 0,45%. Dù vậy thanh khoản giảm là một tín hiệu cho thấy áp lực bán cũng đã nhẹ đi đáng kể. Giờ là lúc chờ xem lực mua có tăng lên hay không.

Tổng thể thị trường sáng nay cũng không quá xấu, dù kết phiên sáng độ rộng chỉ là 156 mã tăng/268 mã giảm. Tại đáy của VN-Index lúc 9h30, độ rộng chỉ có 75 mã tăng/270 mã giảm, nghĩa là giá cổ phiếu đã hồi dần lên theo thời gian. Trong bối cảnh thanh khoản giảm, độ hồi này thể hiện áp lực bán không còn nhiều.

Đương nhiên sau một phiên giao dịch đột biến hơn 1,2 tỷ cổ phiếu trên sàn HoSE, một khối lượng khổng lồ được giải phóng tất yếu khiến nhu cầu bán suy yếu. Thị trường có điều kiện để cân bằng cung cầu hơn cho đến khi có áp lực bán nối tiếp, hoặc bên mua sẽ đổ tiền vào tạo sức cầu mới.

VN-Index đã hồi lại qua tham chiếu.
VN-Index đã hồi lại qua tham chiếu.

Chốt phiên sáng nay mặt bằng giá cổ phiếu không quá kém: 65/156 mã đang tăng có biên độ tăng trên 1%. Phía giảm có 48/268 mã giảm trên 1%. Như vậy đại đa số cổ phiếu dao động hẹp, vì vậy thanh khoản giảm có nét tích cực hơn là tiêu cực. Vấn đề còn lại là lực mua cũng không đủ khỏe. Nếu khối lượng bán giảm đi, cơ hội tăng giá phụ thuộc vào khả năng mua đẩy giá lên. Chừng nào nhà đầu tư vẫn mua rất thận trọng thì cơ hội tăng giá vẫn chưa tới, hoặc chỉ có khả năng giữ giá cân bằng.

Tuy nhiên trong nhóm thanh khoản cao nhất thị trường sáng nay, giá cơ bản vẫn tốt. HoSE ghi nhận 22 cổ phiếu khớp lệnh từ 100 tỷ đồng trở lên, thì chỉ có 3 mã giảm là VIC, VCG và SSI. 16 mã khác vẫn tăng giá, trong đó 10 mã tăng từ 1% trở lên. NVL tăng 2,53%, VND tăng 1%, DXG tăng 1,94%, CTG tăng 1,97%, DIG tăng 1,2%, CII tăng 2,17%, EIB tăng 3,26%, HAG tăng 2,25%, HSG tăng 1,34% và BCG tăng 3,85% là các cổ phiếu nổi bật về thanh khoản.

Khối ngoại sáng nay mua ròng 157,8 tỷ đồng trên HoSE sáng nay nhưng chủ yếu là thỏa thuận MSB với 268,7 tỷ đồng, trong khi mức mua ròng tổng thể ở mã này là 245,3 tỷ, tức là vẫn bán ròng nhẹ qua khớp lệnh. Nếu trừ giao dịch thỏa thuận của MSB thì thực chất khối ngoại đang bán ròng ở số còn lại. SSI, HPG, VNM bị bán ròng nhiều nhất hơn 20 tỷ đồng. Phía mua có NVL, VIC là hơn 20 tỷ ròng.