“Có mươi tổ chức tín dụng yếu kém”
Đây là thông tin lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra cuối chiều 14/2 liên quan đến việc thực hiện phân nhóm chỉ tiêu tín dụng
Cuối chiều 14/2, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo về định hướng triển khai chính sách tín dụng trong năm 2012, dưới sự chủ trì của Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến. Nội dung chính đã được cơ quan này nêu cụ thể trong Chỉ thị số 01 và văn bản gửi các tổ chức tín dụng ngày hôm qua (13/2).
Điểm được quan tâm ở chính sách trên là danh sách cụ thể các tổ chức tín dụng phân loại theo các nhóm, các tiêu chí phân loại cụ thể.
Tuy nhiên, trả lời báo giới tại cuộc họp, Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết Ngân hàng Nhà nước không công bố danh sách này, mà sẽ gửi các chỉ tiêu cụ thể cho các tổ chức tín dụng.
Về các tiêu chí phân nhóm, như thông tin trước đây, Ngân hàng Nhà nước chia ra 4 nhóm để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 theo quy mô vốn, năng lực quản trị điều hành, chất lượng hoạt động, năng lực của người đứng đầu, có vi phạm các quy định trong quá trình hoạt động thời gian qua hay không…
Theo đó, nhóm 1 với chỉ tiêu cao nhất là 17% được hiểu là nhóm có hoạt động nghiêm túc và lành mạnh, có năng lực vốn và quản trị điều hành tốt… Nhóm 2 “thấp hơn một chút” và được áp chỉ tiêu 15%. Tương tự, nhóm 3 khá hạn chế với 8%. Và nhóm 4 sẽ không được tăng trưởng tín dụng trong năm 2012.
Như đề cập ở trên, Ngân hàng Nhà nước không công bố cụ thể danh sách. Song Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cũng tiết lộ lượng thành viên ở nhóm 4 qua cách nói tương đối là khoảng “mươi” tổ chức tín dụng. Nhóm này được xác định là yếu kém, có nguy cơ mất an toàn, có nguy cơ đổ vỡ và cần phải củng cố lại.
Theo đó, trong năm 2012, nhóm 4 sẽ không được tăng trưởng tín dụng, mà phải thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ, thu hồi nợ và làm lành mạnh hoạt động trước khi có thể được xem xét điều chỉnh chỉ tiêu. Ngân hàng Nhà nước vẫn để ngỏ khả năng này, khi sau 6 tháng triển khai, nếu có thành viên trong nhóm 4 thực hiện tốt việc cơ cấu, củng cố được hoạt động ổn định và tốt hơn thì sẽ được xem xét nới chỉ tiêu.
Ông Tiến cũng lưu ý rằng, không được tăng trưởng tín dụng không có nghĩa là không được cho vay. Tuy nhiên, với những trường hợp yếu kém, nếu cho phép tăng trưởng tín dụng thêm nữa thì tình hình sẽ khó khăn và phức tạp hơn.
Một nội dung chính trong chính sách tín dụng năm 2012 là định hướng hoạt động cho vay phi sản xuất. Năm nay, trong các thông tin vừa công bố, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng từ “không khuyến khích” để nói về lĩnh vực này, thay vì “phi sản xuất” dễ gây tranh cãi trong cách hiểu, phân loại…
Và năm 2012, giới hạn tỷ trọng tín dụng không khuyến khích vẫn là 16% tổng dư nợ.
Liên quan đến giới hạn trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối năm 2011, tỷ trọng tín dụng phi sản xuất của hệ thống đã được kiểm soát ở khoảng 11,3%, tuy nhiên có một số tổ chức tín dụng vượt 16% và sẽ có biện pháp xử lý.
Riêng tín dụng bất động sản, thông tin tại cuộc họp trên cho biết, tỷ trọng trên 10% trước đây hiện đã được rút xuống ở khoảng 9%.
Một điểm đáng chú ý là, trong văn bản vừa ban hành có một nhóm được loại trừ khỏi giới hạn: nhóm nhu cầu vay để xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng trong năm 2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản. Đây được xem là một độ mở khá lớn.
Điểm được quan tâm ở chính sách trên là danh sách cụ thể các tổ chức tín dụng phân loại theo các nhóm, các tiêu chí phân loại cụ thể.
Tuy nhiên, trả lời báo giới tại cuộc họp, Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết Ngân hàng Nhà nước không công bố danh sách này, mà sẽ gửi các chỉ tiêu cụ thể cho các tổ chức tín dụng.
Về các tiêu chí phân nhóm, như thông tin trước đây, Ngân hàng Nhà nước chia ra 4 nhóm để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 theo quy mô vốn, năng lực quản trị điều hành, chất lượng hoạt động, năng lực của người đứng đầu, có vi phạm các quy định trong quá trình hoạt động thời gian qua hay không…
Theo đó, nhóm 1 với chỉ tiêu cao nhất là 17% được hiểu là nhóm có hoạt động nghiêm túc và lành mạnh, có năng lực vốn và quản trị điều hành tốt… Nhóm 2 “thấp hơn một chút” và được áp chỉ tiêu 15%. Tương tự, nhóm 3 khá hạn chế với 8%. Và nhóm 4 sẽ không được tăng trưởng tín dụng trong năm 2012.
Như đề cập ở trên, Ngân hàng Nhà nước không công bố cụ thể danh sách. Song Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cũng tiết lộ lượng thành viên ở nhóm 4 qua cách nói tương đối là khoảng “mươi” tổ chức tín dụng. Nhóm này được xác định là yếu kém, có nguy cơ mất an toàn, có nguy cơ đổ vỡ và cần phải củng cố lại.
Theo đó, trong năm 2012, nhóm 4 sẽ không được tăng trưởng tín dụng, mà phải thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ, thu hồi nợ và làm lành mạnh hoạt động trước khi có thể được xem xét điều chỉnh chỉ tiêu. Ngân hàng Nhà nước vẫn để ngỏ khả năng này, khi sau 6 tháng triển khai, nếu có thành viên trong nhóm 4 thực hiện tốt việc cơ cấu, củng cố được hoạt động ổn định và tốt hơn thì sẽ được xem xét nới chỉ tiêu.
Ông Tiến cũng lưu ý rằng, không được tăng trưởng tín dụng không có nghĩa là không được cho vay. Tuy nhiên, với những trường hợp yếu kém, nếu cho phép tăng trưởng tín dụng thêm nữa thì tình hình sẽ khó khăn và phức tạp hơn.
Một nội dung chính trong chính sách tín dụng năm 2012 là định hướng hoạt động cho vay phi sản xuất. Năm nay, trong các thông tin vừa công bố, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng từ “không khuyến khích” để nói về lĩnh vực này, thay vì “phi sản xuất” dễ gây tranh cãi trong cách hiểu, phân loại…
Và năm 2012, giới hạn tỷ trọng tín dụng không khuyến khích vẫn là 16% tổng dư nợ.
Liên quan đến giới hạn trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối năm 2011, tỷ trọng tín dụng phi sản xuất của hệ thống đã được kiểm soát ở khoảng 11,3%, tuy nhiên có một số tổ chức tín dụng vượt 16% và sẽ có biện pháp xử lý.
Riêng tín dụng bất động sản, thông tin tại cuộc họp trên cho biết, tỷ trọng trên 10% trước đây hiện đã được rút xuống ở khoảng 9%.
Một điểm đáng chú ý là, trong văn bản vừa ban hành có một nhóm được loại trừ khỏi giới hạn: nhóm nhu cầu vay để xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng trong năm 2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản. Đây được xem là một độ mở khá lớn.