Có nên quy hoạch cả ngàn ha cho du lịch tâm linh hay không?
Việc quy hoạch ngàn ha cho các công trình du lịch tâm linh ở Việt Nam có nên không, trong khi dân thì thiếu đất sản xuất, đất thì hữu hạn
Có nên quy hoạch cả ngàn ha cho du lịch tâm linh hay không? trên thế giới có nước nào làm như Việt Nam hay không?
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đã sử dụng quyền tranh luận để nhấn lại như vậy sau khi đặt câu hỏi và được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời về quy hoạch các khu du lịch tâm linh đến cả ngàn ha.
Chất vấn của đại biểu Hoà là việc đầu tư xây dựng các công trình tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đã và đang hình thành, chiếm cả ngàn hécta đất. Tuy nhiên, vẫn chưa rạch ròi giữa khu đất dành cho tâm linh và đất thương mại dịch vụ, sau này có thể biến tướng do điều chỉnh quy hoạch.
Đại biểu Hoà đề nghị Bộ trưởng cho biết việc quy hoạch ngàn ha cho các công trình như vậy ở Việt Nam có nên không, trong khi dân thì thiếu đất sản xuất, đất thì hữu hạn, các nước khác có như Việt Nam chúng ta không?
Trả lời, Bộ trưởng Hà nói vấn đề đại biểu nêu đã có quy định điều chỉnh bởi Luật Đất đai, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và pháp luật liên quan như Luật Bảo vệ môi trường.
Các dự án kết hợp mục đích tâm linh, tôn giáo, theo Bộ trưởng hiện nay được kiểm soát bằng công cụ chủ yếu là giấy phép xây dựng. Trong giấy phép xây dựng có quy định cụ thể việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước tôn giáo địa phương.
Bộ trưởng cũng nêu lý do do quy định pháp luật chưa cụ thể nên một số địa phương vận dụng không thống nhất, tới đây sẽ có quy định cụ thể hơn về vấn đề này.
Về quy định, quy chuẩn sử dụng đất trong dự án hỗn hợp, Bộ trưởng cho biết sẽ có quy định cụ thể hơn để đảm bảo phân biệt rõ ràng đất dành cho mục đích tâm linh, đất dành cho du lịch và mục tiêu khác để đảm bảo chặt chẽ việc quản lý, sử dụng đất và hiệu quả xử lý vấn đề về tài chính, đất liên quan.
Cùng quan tâm với đại biểu Hoà, cuối phiên chất vấn chiều 4/6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) phản ánh, rất nhiều cử tri quan tâm về tình trạng khu du lịch tâm linh, chùa chiền vài trăm hécta nhưng nhà đầu tư được cấp đến vài nghìn hécta, có những trường hợp được cấp chục nghìn hécta, có sự nhập nhằng giữa công và tư.
Có ý kiến cho rằng nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư nhưng Nhà nước bỏ ra chục ngàn hécta đất đai rừng biển thì thực ra là có sự đầu tư lớn tài sản công ở đây và sau đó thuộc quyền kiểm soát của nhà đầu tư tư nhân.
Đại biểu Nghĩa chất vấn: quy hoạch những khu du lịch tâm linh với diện tích lớn vậy có kiểm soát được không? việc khai thác có công bằng hợp lý không và đúng pháp luật hay không?
Sáng 5/6, trả lời đại biểu Nghĩa, Bộ trưởng Hà nói, Luật Du lịch quy định dự án cần lập quy hoạch sử dụng đất đai tại địa phương. Luật tín ngưỡng tôn giáo quy định việc cải tạo, xây dựng mới cơ sở tôn giáo phải tuân thủ Luật Xây dựng, trong đó với những khu có diện tích 500ha trở lên phải lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, có văn bản chấp thuận về sự cần thiết của công trình và quy mô công trình tôn giáo của cơ quan quản lý địa phương…
Bộ trưởng khẳng định, nếu làm được những việc này thì sẽ đảm bảo được việc kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng những khu du lịch tâm linh như đại biểu đề cập. Tới đây, những quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế, xây dựng công trình cũng sẽ được ban hành để cùng đảm bảo việc kiểm soát việc hình thành những khu du lịch tâm linh lớn.
Chưa hài lòng, cả hai đại biểu Hoà và Nghĩa đều dùng quyền tranh luận.
Đại biểu Nghĩa nhắc lại sự nhập nhằng công tư, dẫn thông tin từ báo chí nói nhà nghèo không đi chùa được vì nhiều dịch vụ phải đóng tiền. Vấn đề thứ hai là quản lý tài nguyên đất đai, Luật Tài sản công quy định rất chặt về sử dụng đất, vậy đầu tư tư nhân được cấp đất đến vài chục ngàn ha có hợp lý không và như thế thì có kiểm soát được không?
Đại biểu Hoà cũng nhắc lại: có nên quy hoạch cả ngàn ha cho du lịch tâm linh không? trên thế giới có nước nào làm thế như Việt Nam hay không?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng trả lời hai vị đại biểu bằng văn bản, dành thời gian cho Phó thủ tướng Trịnh Đinh Dũng phát biểu.