16:44 12/10/2011

Có nên sợ “danh sách đen” chứng khoán?

Khánh Hà

Danh sách chứng khoán không được thực hiện giao dịch ký quỹ được cho là nguyên nhân của hoạt động bán tháo hôm nay

Nhà đầu tư cá nhân tỏ ra thất vọng khi nhiều cổ phiếu thanh khoản cao không được sử dụng để ký quỹ.
Nhà đầu tư cá nhân tỏ ra thất vọng khi nhiều cổ phiếu thanh khoản cao không được sử dụng để ký quỹ.
Danh sách chứng khoán không được thực hiện giao dịch ký quỹ được cho là nguyên nhân của hoạt động bán tháo hôm nay.

“Đen” đến đâu?

Ngay khi danh sách nói trên được công bố, giới đầu tư đã đặt cho nó biệt hiệu là “danh sách đen” như thể một sản phẩm tệ hại đối với thị trường.

Thực ra, nhà đầu tư chỉ thất vọng thái quá trước việc một số cổ phiếu đầu cơ được ưa chuộng như SSI, KLS, BVS, VND, PVA, VCG... nằm trong danh sách này.

Về cơ bản danh sách những cổ phiếu không được phép ký quỹ có tiêu chí rõ ràng và công bố từ lâu. Đã là tiêu chí chung thì không thể có sự phân biệt, bất chấp đó là cổ phiếu nào, được “yêu quý” đến đâu. Theo quy định tại Quy chế Hướng dẫn giao dịch ký quỹ, chứng khoán không được ký quỹ nếu kết quả kinh doanh lỗ căn cứ trên báo cáo tài chính gần nhất đã kiểm toán hoặc có ý kiến soát xét của tổ chức kiểm toán. Những cổ phiếu nói trên đều không thỏa mãn điều kiện này và đương nhiên bị loại.

Một điểm cũng ít được lưu ý là nhóm cổ phiếu chứng khoán như SSI, VND, BVS bị loại vì kết quả kinh doanh 6 tháng âm. Đặc thù của nhóm doanh nghiệp này là nguyên nhân lỗ đến từ hoạt động trích lập dự phòng nhiều. Do đó khả năng lỗ lãi có thể thay đổi theo thời gian. Nếu kết quả kinh doanh năm 2011 tới đây (sau khi được kiểm toán) lại phát sinh dương thì khả năng được đưa ra khỏi “danh sách đen” là lớn.

Các cổ phiếu của doanh nghiệp sản xuất có kết quả kinh doanh lỗ bị đưa vào “danh sách đen” là điều cần ủng hộ. Không chỉ mang ý nghĩa sàng lọc, danh sách này còn là một lời cảnh báo cho những hoạt động đầu tư, đầu cơ mạo hiểm thái quá. Việc đầu cơ những cổ phiếu này mặc nhiên nhà đầu tư phải chịu rủi ro, nhưng nếu cho ký quỹ thì rủi ro còn ảnh hưởng tới cả các công ty chứng khoán và hệ thống nói chung vì đòn bẩy càng nhiều thì rủi ro càng cao.

Ngoài nhóm cổ phiếu chứng khoán gây tranh cãi, và một số cổ phiếu niêm yết chưa đủ 6 tháng, chậm công bố thông tin, đa số cổ phiếu còn lại đều bị cấm cho ký quỹ là hợp lý. Rất nhiều mã có lỗ lũy kế, thậm chí bị cảnh báo trên toàn thị trường. Giá cổ phiếu trên sàn cũng bị thị trường định giá rất thấp và hầu như không được quan tâm nhiều.

Thị trường lo điều gì?

Lo ngại đầu tiên là những mã không được ký quỹ có thể sẽ bị bán tháo để phù hợp với quy định mới.

Điều này không hoàn toàn hợp lý vì hoạt động ký quỹ từ trước khi có quy chế chính thức được thực hiện dưới hình thức hợp tác đầu tư. Các dạng hợp đồng này đã được quy định thời gian thanh lý từ trước và không được gia hạn. Trong thời gian chờ ban hành quy định, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng cấm các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ đòn bẩy.

97 cổ phiếu tại HNX và 56 cổ phiếu tại HSX không được giao dịch ký quỹ không phải là số lượng lớn trong hơn 700 mã chứng khoán đang giao dịch. Đa số cổ phiếu trong danh sách này lại là những mã yếu kém trên phương diện phân tích cơ bản, không thu hút nhiều dòng tiền trên thị trường. Hoạt động bán ra cũng không thể ảnh hưởng đến toàn cục.

Lo ngại có cơ sở hơn là những cổ phiếu có thanh khoản cao bị cấm ký quỹ có thể làm yếu đi dòng vốn đầu cơ trên thị trường.

Thực tế thanh khoản của những mã như SSI, KLS, PVX, PVA, VCG, BVS... luôn chiếm một tỉ trọng rất lớn trong tổng thanh khoản của hai sàn. Điều đó cũng có nghĩa là một phần rất lớn dòng vốn lưu động trên thị trường tập trung vào đây.

Một phần dòng tiền nói trên được nhân thêm sức mạnh bằng hoạt động ký quỹ và quay lại tạo thanh khoản cao hơn nữa. Khi những cổ phiếu này bị cấm giao dịch ký quỹ, không hẳn nhà đầu tư sẽ phải thanh lý ngay vì phải theo thời hạn hợp đồng. Nhà đầu tư chỉ không được bơm thêm tiền từ hoạt động ký quỹ, và do đó cầu với những cổ phiếu này nói riêng và cầu nói chung có thể bị giảm.

Ngay với công ty chứng khoán, ngoài những tiêu chí về tài chính như quy định, một trong những tiêu chí hết sức quan trọng là thanh khoản. Thanh khoản cao đồng nghĩa với khả năng thanh lý danh mục cầm cố thuận lợi. Cháy tài khoản trong tình trạng mất thanh khoản là điều đáng sợ nhất đối với cả công ty lẫn khách hàng. Nhóm cổ phiếu chứng khoán nằm trong danh sách đen và một số mã khác lại có thanh khoản vượt yêu cầu. Loại những mã như vậy, cơ hội lựa chọn còn lại không nhiều.

Việc thị trường bị bán tháo đúng vào thời điểm “danh sách đen” được công bố khiến danh sách này càng trở nên “đen” hơn. Tuy nhiên, áp lực bán này xuất phát từ hiệu ứng của thông tin hay một sự trùng hợp thì cần kiểm chứng. Nếu hoạt động bán thực sự xuất phát từ việc thanh lý danh mục cầm cố thì áp lực sẽ kéo dài hơn việc bán vì sự thất vọng của nhà đầu tư.