Cổ phần hóa gắn với lên sàn... vẫn đi lùi
Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhưng không chịu lên niêm yết/đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán
Hội nghị tập huấn về niêm yết/đăng ký giao dịch của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa diễn ra sáng ngày 9/10 do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cục Tài chính doanh nghiệp tổ chức tại Hà Nội đã nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp.
Cập nhật tình hình niêm yết, đăng ký giao dịch của doanh nghiệp cổ phần hóa, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết: tính đến tháng 9/2019, có 755 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch/niêm yết, trong đó 601 doanh nghiệp trong danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hóa đã công bố cách đây 2 năm (tháng 8/2017) và 154 doanh nghiệp bổ sung mới.
2 năm mới gần 20% doanh nghiệp lên sàn
Mặc dù công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đóng góp nguồn hàng quan trọng cho sự phát triển của thị trường vốn, tuy nhiên vẫn còn đáng lo là nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhưng không chịu lên niêm yết/đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.
Việc doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng không lên sàn làm việc kiểm soát doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp không được thúc đẩy. Đây là thể nói là nhược điểm, cũng như là nguyên nhân của nhiều doanh nghiệp đổ vỡ sau cổ phần hóa.
Do vậy, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cũng hy vọng rằng, sau hội nghị này, doanh nghiệp sẽ chủ động đẩy nhanh quá trình đưa cổ phiếu lên sàn sau khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Cơ quan quản lý luôn mong muốn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để đồng hành và cũng tháo gỡ vướng mắc khó khăn, nhằm thực hiện đúng quy định pháp luật.
"Chúng tôi cũng không muốn các doanh nghiệp bị nêu tên và bị xử phạt. Vì khi các doanh nghiệp bị phạt thì cả cơ quan ban hành chính sách cũng không vui, vì như thế phần nào cho thấy cơ chế chính sách chưa đi vào cuộc sống", ông Tiến bày tỏ quan điểm.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, cổ phần hóa gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao được quản trị, tăng cường tính minh bạch và giúp thị trường lành mạnh hơn.
Việc doanh nghiệp cổ phần hóa lên sàn không chỉ giúp doanh nghiệp làm đúng theo quy định của Chính phủ, mà còn tăng uy tín, minh bạch, hình ảnh và tạo tính thanh khoản cho các cổ đông đang nắm giữ cổ phần.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch đang được đánh giá là "đi thụt lùi". Sau hơn 2 năm công bố danh sách các doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn, thì chỉ có 146 doanh nghiệp lên sàn, tức là chỉ có 19,54% công ty tuân thủ quy định và tỏ ra "ngại" trước án phạt hành chính của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Vẫn còn 601 doanh nghiệp thuộc danh sách từ tháng 8/2017 vẫn chưa chịu đưa cổ phiếu lên sàn.
Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) Lê Công Điền cho biết, việc doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán sẽ mang lại nhiều lợi ích như: dễ dàng huy động vốn; nâng cao hình ảnh doanh nghiệp trong công chúng; tạo tính thanh khoán cho chứng khoán...
Bên cạnh đó, các quy định pháp lý và thủ tục liên quan đã được đơn giản hóa rất nhiều, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa thành công có thể sớm niêm yết/đăng ký giao dịch. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thành công vẫn chưa chịu lên sàn chứng khoán.
Lý do chậm lên sàn thì có muôn vàn lý do, cả chủ quan lẫn khách quan. Tại hội nghị, nhiều câu hỏi liên quan tới các vướng mắc trực tiếp của doanh nghiệp khiến cho việc lên sàn bị trì hoãn cũng đã được đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Tài chính doanh nghiệp, các Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam trả lời trực tiếp và cụ thể.
Cần một giải pháp mạnh hơn
Để khắc phục thực trạng đó, tại hội nghị, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chia sẻ về một số giải pháp sẽ được cơ quan nhà nước triển khai trong thời gian tới.
Ngoài giải pháp truyền thống như: tiếp tục phổ biến, đôn đốc, nhắc nhở; tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật cho các công ty đại chúng thực hiện nghĩa vụ niêm yết/đăng ký giao dịch của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, cơ quan làm chính sách đang nghĩ đến giải pháp mạnh.
Đó không chỉ là công khai danh sách công ty đại chúng tiền thân là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chưa thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch trên website của Bộ Tài chính, mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để các cổ đông của doanh nghiệp biết và yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, Cục Tài chính doanh nghiệp và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu phần vốn góp tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chỉ đạo người đại diện phần vốn đôn đốc các doanh nghiệp này thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán theo quy định.
Mặt khác, các cơ quan quản lý sẽ phối hợp kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp, qua đó nắm thêm tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch; nguyên nhân chậm trễ và đề nghị doanh nghiệp có biện pháp xử lý vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan về phía doanh nghiệp để sớm đưa cổ phiếu vào giao dịch.
Cũng theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, song hành với các biện pháp trên, cơ quan nhà nước sẽ tiến hành xử phạt theo quy định; đồng thời sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, phê bình, xem xét kỷ luật đối với người đại diện phần vốn nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp nếu cố tình không chấp hành, trì hoãn kéo dài việc đưa các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa niêm yết/đăng ký giao dịch.
"Sau hội nghị hôm nay chúng tôi hy vọng 755 doanh nghiêp sau cổ phần hóa đến nay chưa lên sàn có trách nhiệm của cơ quan ban hành và tổ chức thực thi chính sách. Vì thế hội nghị hôm nay chúng tôi thể hiện đồng hành với doanh nghiệp bằng việc muốn lắng nghe ý kiến các vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải trong chấp hành quy định về đưa cổ phiếu lên sàn. Trên cơ sở đó chúng tôi sẽ tập hợp các vướng mắc, khó khăn, để xử lý", Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết.
Ông Nguyễn Như Quỳnh, Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết: những năm qua, HNX đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp từ khâu cổ phần hóa, thoái vốn đến đưa cổ phiếu vào đăng ký giao dịch và niêm yết tại HNX.
Riêng trong năm 2017, HNX đã cho nâng cấp hệ thống đấu giá và tiếp tục nâng cấp hệ thống này trong năm 2018.
Trong tháng 9 vừa qua, HNX cũng tiến hành sửa đổi Quy chế tổ chức và quản lý thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết (Quy chế UPCoM), trong đó mở rộng đối tượng điều chỉnh "doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định pháp luật về cổ phần hóa" thay vì "doanh nghiệp cổ phần hóa dưới hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng" như trước đây.
Quy chế sửa đổi cũng chỉnh sửa về trình tự thủ tục hồ sơ đăng ký giao dịch theo hướng rút ngắn thời gian, thay đổi cách tính giá tham chiếu của ngày giao dịch đầu tiên theo giá đấu thành công bình quân...