08:40 05/09/2007

Cổ phần hóa và nợ “vô chủ”

Minh Đức

Nếu doanh nghiệp trốn thuế trước khi cổ phần hoá, khi phát hiện đã ở mô hình mới thì xử lý như thế nào?

Việc thu hồi nợ sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa có thể gặp khó khăn vì không xác định được đối tượng cụ thể phải chịu trách nhiệm về pháp lý - Ảnh minh họa.
Việc thu hồi nợ sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa có thể gặp khó khăn vì không xác định được đối tượng cụ thể phải chịu trách nhiệm về pháp lý - Ảnh minh họa.
Vô tình, cố ý hoặc do các quy định chưa chặt chẽ, mà những khoản nợ đã trở thành “vô chủ” khi doanh nghiệp cổ phần hoá, gây khó khăn cho cơ quan quản lý, các bên liên quan và cả chính doanh nghiệp đó. 

Nếu doanh nghiệp trốn thuế trước khi cổ phần hoá, khi phát hiện đã ở mô hình mới thì xử lý như thế nào? Đây cũng là câu hỏi được đặt ra đối với một số vấn đề liên quan khi thực hiện cổ phần hoá theo Nghị định 187 và cả khi đã có Nghị định 109 thay thế.

Khó khăn ngay cả khi có hướng dẫn cụ thể

Năm tháng trước đây, ngày 9/4/2007, Cục Thuế tỉnh Hà Tây đã có công văn hỏi về việc truy thu thuế và xử lý hành chính về thuế đối với số thuế phát hiện thêm sau khi doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần.

Cụ thể, ngày 31/3/2006, Công ty Thiết bị chính thức được phép chuyển thành công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp nên gọi mới là Công ty Cổ phần Thiết bị. Tuy nhiên, ngày 2/1/2007, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội có Công văn số 49/PA24 (Đ3) đề nghị truy thu số thuế trốn đối với Công ty Cổ phần Thiết bị do mua, nhận hoá đơn bất hợp pháp. Hành vi trốn thuế xẩy ra và chưa bị phát hiện trước thời điểm cổ phần hoá.

Và nay, khi bị phát hiện, việc xử lý vẫn khó khăn khi đơn vị cơ sở (Cục Thuế Hà Tây) không biết xử phạt và truy thu theo hướng dẫn nào.

Trong công văn trả lời ngày 18/8/2007, Tổng cục Thuế dẫn Khoản 2, Điều 8, Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 18/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần quy định nguyên tắc kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty nhà nước như sau: “Công ty cổ phần được chủ động sử dụng toàn bộ tài sản, tiền vốn đã cổ phần hoá để tổ chức sản xuất, kinh doanh, kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của công ty nhà nước trước khi cổ phần hoá và có các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.

Cục Thuế Hà Tây đã căn cứ theo quy định này, cùng một số hướng dẫn liên quan, để bổ sung cơ sở xác định số thuế truy thu và xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, ngay khi có quy định cụ thể trên, có những trường hợp khác vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện xử lý các khoản nợ liên quan đến việc chuyển giao nghĩa vụ từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần. Mới đây, Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước đã có một bản phân tích khá cụ thể về khó khăn này, liên quan đến hoạt động thu hồi nợ của các ngân hàng thương mại đối với những khoản nợ “vô chủ” khi doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa. Theo Vụ Pháp chế, đây là một bất cập bộc lộ trong quá trình thực hiện Nghị định 187, dù đã được thay thế bằng Nghị định 109 nhưng bất cập này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Cụ thể, trong quá trình cổ phần hoá một số doanh nghiệp nhà nước, là đối tượng đang có các khoản nợ ngân hàng, nhưng vì lý do nào đó, những khoản nợ này không được bàn giao cho công ty cổ phần tại thời điểm cổ phần hoá. Theo đó, khi ngân hàng thực hiện thu hồi nợ lại gặp khó khăn vì không xác định được đối tượng cụ thể phải chịu trách nhiệm về pháp lý.

Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước giải thích rằng, doanh nghiệp nhà nước (đối tượng nợ) đến thời điểm đó không còn tồn tại, còn doanh nghiệp mới thì tránh trách nhiệm vì không được bàn giao, theo quy định là chuyển giao nghĩa vụ từ doanh nghiệp nhà nước trước đó.

Xử lý bằng cách nào?

Theo Khoản 2, Điều 8, Nghị định 187, những khoản nợ “vô chủ” trên nằm trong quy định phải chuyển giao và mang tính kế thừa nghĩa vụ và trách nhiệm. Mặc dù Nghị định 187 được thay thế bởi Nghị định 109, nhưng tại nghị định này (Điều 16) lại chỉ quy định về việc xử lý các khoản nợ đến hạn mà không đề cập đến việc xử lý các khoản nợ phải trả chưa đến hạn của doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá. Điều này có thể dẫn đến sự không thống nhất trong cách thức xử lý các khoản nợ phải trả chưa đến hạn của các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá.

Mặt khác, Nghị định 109 cũng không đưa ra các quy định về trình tự, thủ tục, quy trình trong việc xác định, đối chiếu, bàn giao các khoản nợ từ doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá sang công ty cổ phần, không có các quy định về cơ chế tham gia của các chủ nợ vào quá trình xác định, bàn giao nợ, cũng như trách nhiệm của các bên liên quan để bảo đảm tính chính xác trong việc bàn giao các khoản nợ.

Điều 10, Nghị định 109, có bổ sung thêm quy định các nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp cổ phần hóa được xác định bổ sung sau khi đã quyết toán, bàn giao cho công ty cổ phần không thuộc trách nhiệm của công ty cổ phần, nhưng lại không có bất cứ một quy định nào xác định cơ quan, tổ chức sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản nợ không được bàn giao này.

Quy định trên, theo Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước, có thể giúp các công ty cổ phần tránh được các rắc rối liên quan đến tranh chấp về nghĩa vụ trả nợ các khoản nợ không được bàn giao, nhưng ngân hàng thì sẽ tiếp tục gặp rắc rối vì càng khó xác định ai sẽ phải chịu trách nhiệm trả nợ cho mình.

Trở lại với trường hợp Công ty Cổ phần Thiết bị, việc xác định trách nhiệm đối với khoản nợ thuế, dù có công an vào cuộc, Tổng cục Thuế hướng dẫn cụ thể, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Vụ việc này đã kéo dài kể từ đầu năm nay, có thể được giải quyết dứt điểm nhưng ít nhất sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với hoạt động của công ty cổ phần – doanh nghiệp mới sau cổ phần hóa.

Còn với các khoản nợ “vô chủ” theo phân tích trên của Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước), ngân hàng có thể thu hồi, doanh nghiệp có thể trả nhưng không loại trừ những tranh chấp có thể xẩy ra.

Khi đó, không chỉ khó khăn, mất thời gian đối với các bên liên quan mà hoạt động kinh doanh của chính công ty cổ phần cũng bị ảnh hưởng.