09:23 29/03/2007

Cổ phiếu ACB: Thông tin bất nhất, nhà đầu tư lãnh đủ?

Minh Đức

Nhà đầu tư đã thiệt hại lớn từ sự bất nhất trong những thông báo trả cổ tức bằng cổ phiếu của Ngân hàng Á châu (ACB)?

Giá cổ phiếu ACB (đường màu đỏ) trước và sau khi có thông báo hủy ngày chốt danh sách cổ đông 26/3 - Ảnh chụp màn hình website HASTC.
Giá cổ phiếu ACB (đường màu đỏ) trước và sau khi có thông báo hủy ngày chốt danh sách cổ đông 26/3 - Ảnh chụp màn hình website HASTC.
Nhà đầu tư đã thiệt hại lớn từ sự bất nhất trong những thông báo trả cổ tức bằng cổ phiếu của Ngân hàng Á châu (ACB)?

Một số nhà đầu tư phản ánh với VnEconomy về những bức xúc liên quan đến việc ACB thay đổi ngày cuối cùng đăng ký danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Sự việc tưởng như đơn giản nhưng đã gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Bức xúc này xuất phát từ thông báo ngày 12/3/2007 của ACB về việc sẽ chia cổ tức năm 2006 là 30% bằng cổ phiếu. Cụ thể:

“Theo Nghị quyết của Đại hội đổng cổ đông Ngân hàng Á Châu (ACB) trong phiên họp thường niên ngày 20/01/2006, cổ tức trong năm 2006 trả bằng tiền mặt là 8% và phần còn lại bằng cổ phiếu. Đến nay ACB đã thực hiện xong phần chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông theo danh sách chốt ngày 12/01/2007.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2007 đã quyết định tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2006 là 30%. Báo cáo tài chính của ACB đã được Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) thực hiện xong. Hội đồng quản trị quyết định ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức bằng cổ phiếu là 26/3/2007 và sẽ thực hiện quyền này sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền”.

Thông tin này xuất hiện trên thị trường lập tức tạo tâm lý thuận lợi đối với nhiều nhà đầu tư đang nhắm tới cổ phiếu ACB; những phiên giao dịch sau đó, giá cổ phiếu này trên sàn Hà Nội liên tục tăng mạnh. Nhiều nhà đầu tư muốn nhanh chóng sở hữu cổ phiếu này để nhận quyền hưởng cổ tức trước hạn 26/3 như thông báo.

Trong phản ánh đến VnEconomy, nhà đầu tư nhận định thông báo trên là một dạng thông tin tác động rất lớn tới giá cổ phiếu; và thực tế là ngay sau đó, giá cổ phiếu ACB liên tiếp vọt từ 255.000 đồng/cổ phiếu lên tới trên 290.000 đồng/cổ phiếu, có thời điểm đạt đỉnh 304.000 đồng/cổ phiếu trong ngày 19/3.

Nhưng, kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư mua vào trước đó “đổ bể” khi ngày 21/3, ACB ra thông báo như sau:

“Ngày 09/3/2007, Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng Á Châu (ACB) họp thường niên thông qua việc trả cổ tức năm 2006 bằng cổ phiếu là 30%.

Ngày 12/3/2007, ACB đã lập thủ tục xin phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, theo đúng hướng dẫn của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội nêu tại Công văn số 180/TTGDCK-ĐKGD ngày 27/02/2007 về điều kiện và thủ tục phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng.

Ngày 20/3/2007, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tại Công văn số 228/UBCK-QLPH, viện dẫn Thông tư 18/2007/TT-BTC ngày 13/3/2007 hướng dẫn việc mua, bán lại cổ phiếu và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng, đề nghị ACB nộp bổ sung văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Như vậy, ngày chốt danh sách trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2006, trước đây dự kiến là ngày 26/3/2007, sẽ được Hội đồng Quản trị xác định và thông báo đến cổ đông sau khi có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước”.

“Gáo nước lạnh” này lập tức tác động đến tâm lý nhiều nhà đầu tư đã chấp nhận giá cao để mua vào trước đó khi ngày chốt danh sách cổ đông như thông báo trước là 26/3 đã gần kề. Giá cổ phiếu ACB ngay sau đó giảm mạnh, từ trên 270.000 đồng/cổ phiếu xuống dưới 230.000 đồng/cổ phiếu; nhiều nhà đầu tư thiệt hại lớn khi chậm chân trong bước ngoặt bất ngờ này.

Có hay không thông tin nội gián?

“Chỉ là một nhà đầu tư nhỏ lẻ, mức thiệt hại trên 100 triệu đồng của tôi liên quan đến sự cố này là rất đáng kể. Và có thể là còn nhiều nhà đầu tư khác nữa”, một nhà đầu tư nói với VnEconomy.

Nhưng đó là rủi ro trong đầu tư, là sự điều chỉnh và phản ứng bình thường của thị trường. Vấn đề mà nhiều nhà đầu tư bức xúc trường hợp thông tin bất nhất nói trên thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Và phía sau sự bất nhất này có những dấu hiệu giao dịch đáng ngờ?

Trong phản ánh của mình, nhà đầu tư tên B.T.P đề cập đến khả năng có dấu hiệu thông tin nội gián trong sự cố này. “Tất nhiên, tôi không có chứng cứ, không thể kết luận là có thông tin nội gián; đó là trách nhiệm điều tra và kết luận của Ủy ban Chứng khoán. Nhưng những dấu hiệu đó cần được làm sáng tỏ, tạo sự minh bạch về phía doanh nghiệp và môi trường đầu tư”, ông P. nói.

Ông P. đưa ra những dấu hiệu sau: “Những ai biết trước thông tin ngày 26/3 bị hủy bỏ nhanh chân bán ra cổ phiếu ACB trước đó vào các ngày 19, 20/3 thì sẽ được lợi nhuận cực lớn (giá cổ phiếu ACB lên đỉnh điểm). Không phải vô cớ nghi ngờ giao dịch nội gián ở đây khi khối lượng giao dịch ACB ngày 19, 20/3 đạt mức cao kỷ lục 231.700 cổ phiếu và 119.900 cổ phiếu”.

Và ngay sau đó, ngày 21/3, ACB ra thông báo hủy ngày chốt danh sách cổ đông 26/3 và không xác định thời điểm mới là ngày nào. Nhiều nhà đầu tư biết đến tin này thì đã muộn, mức giá cao đã trôi qua để bắt đầu một đợt sụt giảm mạnh.

Trước những nghi ngờ trên, trong những phản ánh với VnEconomy, nhà đầu tư đặt ra yêu cầu Ủy ban Chứng khoán cần có kiểm tra và kết luận cụ thể; phía ACB cũng nên có giải thích về trách nhiệm của mình đối với nhà đầu tư.