12:09 14/06/2021

Cổ phiếu chứng khoán bùng nổ, ngân hàng... mất hút

Kim Phong

Thêm những khuyến nghị tích cực với nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhất là thời điểm hệ thống giao dịch mới của HoSE sắp vận hành. Tiềm năng bùng nổ thanh khoản trên thị trường đã hút nhà đầu tư đổ tiền vào nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán...

Diễn biến chỉ số VN-Index sáng nay.
Diễn biến chỉ số VN-Index sáng nay.

Thêm những khuyến nghị tích cực với nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhất là thời điểm hệ thống giao dịch mới của HoSE sắp vận hành. Tiềm năng bùng nổ thanh khoản trên thị trường đã hút nhà đầu tư đổ tiền vào nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán.

Điều đáng tiếc là các cổ phiếu chứng khoán không có vai trò lớn trong việc nâng đỡ chỉ số VN-Index. Tuy nhiên giao dịch sôi động ở nhóm này cho thấy dòng tiền vẫn đang hối hả tìm kiếm lợi nhuận.

Không phải tất cả các cổ phiếu chứng khoán đều tăng mạnh sáng nay. Hiện tượng phân hóa khá rõ khi vẫn có cả chục mã chứng khoán nhỏ giảm giá hoặc không tăng được. Dù vậy nhà đầu tư hướng sự chú ý đến các công ty lớn và nhóm này tăng giá tốt nhất.

SSI có phiên tăng mạnh thứ hai liên tục khi sáng nay lên tiếp 4,79% nữa. Cuối tuần trước cổ phiếu này đã tăng 6,6%. Phiên tăng sáng nay chính thức đưa SSI vượt đỉnh lịch sử lần nữa. Cổ phiếu này cũng có phiên hiếm hoi lọt top 3 thanh khoản thị trường với trên 11,5 triệu đơn vị khớp lệnh, trị giá 589,9 tỷ đồng. SSI chỉ thua VPB và HPG, còn lại vượt xa các mã ngân hàng khác.

HCM cũng tăng 5,96% nhưng chỉ là quay lại chạm đỉnh cao tuần trước. VCI tăng 5,88%, cùng tìm đỉnh lịch sử mới với SSI. VND tăng 9,05%, cũng có phiên chính thức vượt đỉnh lịch sử. MBS tăng 6,43%, SHS tăng 4,69% cũng tương tự HCM, vẫn chỉ nỗ lực kiểm định lại đỉnh cao lịch sử cũ.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán nhỏ hơn cơ bản là tăng tích cực: AGR tăng 5,66%, APG tăng 3,76%, APS tăng 4,38%, BSI tăng 4,41%, BVS tăng 3,55%, CTS tăng 3,72%, FTS tăng 5,64%. Các mã còn lại hoặc tăng quá nhẹ, hoặc giảm.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng không đồng đều trong sáng nay.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng không đồng đều trong sáng nay.

Trong khi các cổ phiếu chứng khoán tăng tưng bừng, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại tỏ ra yếu ớt khi dòng tiền đổ vào sụt giảm thê thảm. VPB là cổ phiếu thanh khoản lớn nhất nhóm với hơn 21,9 triệu cổ trị giá 1.549 tỷ đồng, nhưng lại có dấu ấn xả rõ rệt. Giá VPB đang giảm 1,81%.

Nhóm ngân hàng blue-chips cũng hầu như không tăng hoặc giảm: VCB giảm 0,19%, ACB giảm 0,72%, SHB giảm 1,68%, TCB tăng 0,57%, BID tăng 0,11%, CTG tăng 0,57%, MBB, HDB, TPB tham chiếu. Nhóm ngân hàng nhỏ có VIB, LPB, KLB sụt giảm. Duy nhất 2 mã ngân hàng tăng trên 1% là BAB tăng 2,59% và STB tăng 1,31%.

Dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng suy yếu rất nhanh. Ngoài VPB, nhóm thanh khoản nhất là STB, MBB, TCB cũng chỉ khớp loanh quanh 500 tỷ đồng. CTG, LPB... thậm chí còn thanh khoản kém nhiều mã khác. Chưa hẳn là dòng tiền đã rời bỏ nhóm cổ phiếu này, nhưng việc thanh khoản sụt giảm đáng kể sau các tuần bùng nổ cho thấy đang có sự cân nhắc giao dịch rõ ràng.

Trong khi các trụ ngân hàng quá tệ, may mắn là những cổ phiếu vốn hóa lớn khác vẫn nâng đỡ tốt cho chỉ số. VHM tăng 3,11%, VIC tăng 1,1%, GAS tăng 3,22%, HPG tăng 1,51% là 4 cổ phiếu có ảnh hưởng nhất, cộng cho VN-Index gần 7 điểm trong tổng mức tăng 11,89 điểm sáng nay.

Sự luân phiên tăng giá của các cổ phiếu ảnh hưởng lớn, cộng với nhiều địa chỉ hứa hẹn lợi nhuận đã giữ cho thị trường sôi động. Độ rộng sàn HoSE rất tốt với 222 mã tăng/152 mã giảm. VN30-Index tăng 0,68% cũng có 22 mã tăng/3 mã giảm. Midcap tăng 1,37% với 47 mã tăng/17 mã giảm. Smallcap tăng 0,77% với 80 mã tăng/54 mã giảm.

Thanh khoản ở nhóm ngân hàng sáng nay sụt giảm nhưng được bù đắp lại bằng nhiều cổ phiếu khác. Tiêu biểu là SSI, PDR, VHM, HCM, PLX. Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng nhẹ 7%, đạt 13.886 tỷ đồng. VN30 khớp tăng gần 6%, đạt 8.017 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng rất lớn chứng chỉ quỹ FUEVFVND tới gần 216 tỷ đồng, khiến vị thế mua ròng chỉ có hơn 98 tỷ đồng tại sàn HoSE. Bù lại khối này mua ròng khá tốt cổ phiếu. APH, PLX, VNM, SSI, PDR, HPG, HSG, VCI, KDH, DXG được mua ròng trên 20 tỷ đồng. Phía bán có MBB, KDC, CTG là đáng kể.