12:08 30/03/2022

Cổ phiếu đầu cơ “rụng” hàng loạt, ngân hàng đang giữ nhịp

Kim Phong

Ảnh hưởng từ sự kiện bắt ông Trịnh Văn Quyết không chỉ khiến nhóm cổ phiếu FLC bị bán tháo mất thanh khoản, mà hàng loạt cổ phiếu đầu cơ cũng “rụng” theo. Điều này không bất ngờ vì hành động mạnh tay trừ bỏ hoạt động thổi giá cổ phiếu đang được tiến hành, và nhóm đầu cơ thường bị làm giá nhiều nhất...

Nhóm ngân hàng tăng nổi bật trong rổ blue-chips vốn hóa lớn nhất của VN-Index.
Nhóm ngân hàng tăng nổi bật trong rổ blue-chips vốn hóa lớn nhất của VN-Index.
Ảnh hưởng từ sự kiện bắt ông Trịnh Văn Quyết không chỉ khiến nhóm cổ phiếu FLC bị bán tháo mất thanh khoản, mà hàng loạt cổ phiếu đầu cơ cũng “rụng” theo. Điều này không bất ngờ vì hành động mạnh tay trừ bỏ hoạt động thổi giá cổ phiếu đang được tiến hành, và nhóm đầu cơ thường bị làm giá nhiều nhất.

Nhóm cổ phiếu FLC dĩ nhiên bị ảnh hưởng nặng nhất: FLC, ROS, AMD, ART, HAI, KLF... đều giảm hết biên độ và mất thanh khoản. Ảnh hưởng rất rộng lan sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Midcap lao dốc 0,96%, Smallcap bốc hơi 1,45%. Riêng VN30-Index vẫn đang cầm cự, tăng 0,42%.

Hàng trăm triệu cổ phiếu đang cố gắng tháo chạy khỏi nhóm cổ phiếu FLC và không thành công. FLC dư bán sàn 103,13 triệu cổ ở giá 11.800 đồng, tức là hơn 1.217 tỷ đồng bị mắc kẹt. ROS dư bán sàn 94,24 triệu cổ, AMD dư sàn gần 11,33 triệu cổ, ART dư sàn 5,32 triệu cổ, HAI dư sàn 6,72 triệu, KLF ế sàn 8,97 triệu...

Rổ Smallcap hiện chỉ có 40 mã tăng/169 mã giảm. Toàn sàn HoSE có 11 mã sàn thì rổ này góp 7 mã. Mặc dù chưa đến mức bán tháo toàn diện mất thanh khoản, nhưng rất nhiều cổ phiếu đầu cơ nhỏ giảm rất sâu như SJF, MCG cũng sàn, TGG, LDG, HAR, DLG giảm trên 5%. QBS, HQC, NBB, APH, DAG, TTB, CII... giảm trên 4%...

Việc các đội lái “chùn tay” là điều đương nhiên, vì hoạt động làm giá dù sử dụng nhiều tài khoản đến đâu thì cũng sẽ tới lúc bị bóc trần. Các chiêu bài mượn tài khoản luôn để lại những mắt xích yếu và không bao giờ có sự trung thành tuyệt đối.

Nhóm cổ phiếu blue-chips VN30 cũng không quá mạnh, nhưng ít nhất đang giữ được vai trò giữ nhịp. Rổ này có 15 mã tăng/13 mã giảm và chỉ số tăng 0,42%. 9 cổ phiếu trong rổ này đang giảm trên 1% cũng có một số ảnh hưởng khá nhiều tới các chỉ số như VJC giảm 2,24%, GAS giảm 1,97%, VHM giảm 1,57%, NVL giảm 1,58%, MSN giảm 1,04%.

VN30-Index vẫn đang được neo tốt.
VN30-Index vẫn đang được neo tốt.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch tốt nhất ở các blue-chips và đang là trụ cột nâng đỡ chỉ số. BID tăng 3,77%, MBB tăng 3,28%, VPB tăng 2,2%, TCB tăng 1,12%, CTG tăng 1,09%. Cả nhóm ngân hàng trên các sàn có 7/27 mã giảm giá thì duy nhất ABB và KLB rớt trên 1% và cũng không có ảnh hưởng gì rõ nét. SHB, EIB, OCB là các mã khác giảm khá nhưng cũng ít tác động.

Ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu FLC cũng không gây hại quá nhiều cho nhóm bất động sản. Tuy phần lớn giảm giá mạnh, cổ bất động sản vẫn duy trì phân hóa dựa trên dòng tiền. SJS, NVT đang kịch trần, CIG, HAG, QCG, HDC vẫn tăng trên 1%. VIC, VRE cũng nằm trong số tăng giá nhẹ.

Thị trường sáng nay thực ra khá mạnh nếu nhìn từ góc độ thông tin ảnh hưởng. Nguyên nhân là do nhóm cổ phiếu FLC không có vai trò lớn trên thị trường. Mặt khác cơ cấu cổ phiếu không chỉ có nhóm bất động sản, các mã đầu cơ phần lớn là vốn hóa quá nhỏ. VN-Index có thời điểm vẫn tăng 0,41% và khoảng 30 phút cuối phiên lao dốc giảm 0,19% chủ yếu do sự sụt giảm nhanh của NVL, MSN, VHM.

VN30 cũng chịu tác động từ diễn biến sụt giá này nhưng hạn chế được vốn hóa đã giúp điểm mất đi không nhiều. Chỉ số từ mức đỉnh tăng 0,89% co lại còn tăng 0,42% và độ rộng vẫn được duy trì.

Dòng tiền vào rổ VN30 cũng tăng gần 49% trong sáng nay so với sáng hôm qua. Cổ phiếu ngân hàng hút tiền tốt, chiếm 48,4% giá trị rổ, một tỷ trọng cao đột biến. MBB, VPB, STB là những cổ phiếu giao dịch lớn nhất. Thanh khoản chung hai sàn niêm yết sáng nay cũng tăng 25%, đạt 18.906 tỷ đồng, trong đó HoSE tăng 31,3%, đạt hơn 16.773 tỷ đồng.

Khối ngoại hiện đang mua ròng 113,8 tỷ đồng tại HoSE, bán ròng gần 17 tỷ tại HNX và mua ròng 25,7 tỷ tại UpCOM. DGC được mua ròng lớn nhất với 138 tỷ đồng, DXG với 45,7 tỷ, HDB với 37,9 tỷ, STB với 32,7 tỷ và chứng chỉ quỹ FUEVFVND với 58,9 tỷ đồng. Phía bán ròng có VIC, MSN, VHM, HPG trên 20 tỷ ròng.