Cổ phiếu dầu khí, bán lẻ tăng mạnh, ngân hàng... mất hút
Thị trường giao dịch bình tĩnh trở lại trong phiên sáng nay với nhiều nhóm cổ phiếu quay đầu tăng trở lại. Nhóm ngành bán lẻ, dầu khí đang nâng đỡ chỉ số, trong khi nóng nhất vẫn là các mã đầu cơ nhỏ...
Thị trường giao dịch bình tĩnh trở lại trong phiên sáng nay với nhiều nhóm cổ phiếu quay đầu tăng trở lại. Nhóm ngành bán lẻ, dầu khí đang nâng đỡ chỉ số, trong khi nóng nhất vẫn là các mã đầu cơ nhỏ.
VNM và MSN là hai trụ nổi bật của VN-Index. Đặc biệt VNM bất ngờ trỗi dậy sau thời gian dài gây chán nản cho nhà đầu tư. Sáng nay VNM dẫn đầu thị trường về thanh khoản và giá tăng mạnh nhất trong số trụ.
VNM khớp gần 7,5 triệu cổ với giá trị 679 tỷ đồng, giá tăng 2,82%. Giá quay lại đỉnh cao 5 tháng nhưng thực sự VNM vẫn chỉ đang dao động đi ngang sau quá trình điều chỉnh kéo dài. So với đỉnh đầu năm 2021, VNM vẫn còn đang thấp hơn 19,2%. Sáng nay VNM đỡ cho VN-Index khoảng 1,4 điểm.
MSN tăng 2,86% cũng là mã rất mạnh nhưng cổ phiếu này là đang trong xu hướng đi lên rõ ràng hơn nhiều so với VNM. MSN đang ở sát đỉnh cao từ đầu năm 2021 và cũng là đỉnh cao lịch sử. Duy có điều thanh khoản của mã này khá thấp, mới đạt 67,4 tỷ đồng. MSN cũng kéo VN-Index hơn 1,3 điểm.
Mặc dù VN30-Index chốt phiên sáng tăng 0,1% với 14 mã tăng/16 mã giảm nhưng tổng thể diễn biến giá của rổ này vẫn kém. Mức tăng rõ ràng chỉ xuất hiện ở số ít cổ phiếu. Ngoài VNM, MSN, có thể kể thêm BVH tăng 4,31%, GAS tăng 1,02%, KDH tăng 1,8%, MWG tăng 1,62%, PLX tăng 1,01%, PNJ tăng 2,11%, POW tăng 1,29%.
Nhóm tăng giá thiên về các mã sản xuất, bán lẻ, trong khi các cổ phiếu ngân hàng tài chính lại rất đuối. VCB tăng 0,41%, BID tăng 0,25%, EIB tăng 0,2%, MSB tăng 0,52%, ABB tăng 0,95% là các mã ngân hàng niêm yết duy nhất tăng. Cổ phiếu ngân hàng đa số giảm, nhưng mức giảm cũng không nhiều. VIB, OCB, VBB, SGB là các mã duy nhất mất trên 1%. Vì vậy tuy sáng nay cổ phiếu ngân hàng không tham gia hỗ trợ thị trường nhưng nếu nhóm này có đà phục hồi mạnh hơn ở phiên chiều, đà tăng ở các chỉ số sẽ nổi bật.
Cổ phiếu dầu khí hôm nay cũng có mức tăng giá khá đồng đều. Ngoài GAS, PLX trong rổ VN30, còn có PVD tăng 1,61%, PVC tăng 7,34%, PVB tăng 5,37%, OIL tăng 5,22%, BSR tăng 3,33%, PCG tăng 9,52%.
VN-Index kết phiên sáng tăng 0,34% với 237 mã tăng/158 mã giảm, độ rộng hoàn toàn nhờ cậy vào các cổ phiếu nhỏ. VNSmallcap-Index tăng 1,29% với 112 mã tăng/55 mã giảm, trong đó 27 mã kịch trần. Số tăng hết biên độ bao gồm nhiều nhóm ngành khác nhau. Thực ra hoạt động đầu cơ thì tùy vào cổ phiếu cụ thể hơn là nhóm ngành. “Họ” cổ phiếu FLC cũng gia nhập vào nhóm kịch trần với ROS, HAI, FLC, AMD, ART, KLF... Thanh khoản của rổ smallcap cũng khá tốt với 2.321,5 tỷ đồng, chiếm tới 22,3% tổng giá trị khớp sàn HoSE.
Đây là tỷ trọng rất cao vì sáng nay thanh khoản đột ngột tụt giảm chóng mặt trên cả hai sàn. HoSE khớp 10,421,1 tỷ đồng, giảm tới 29% so với sáng hôm qua. Đặc biệt rổ VN30 khớp 3.731 tỷ đồng, giảm tới 35%. Rổ Midcap khớp 3.524,5 tỷ đồng, chiếm khoảng 33,8% sàn. Như vậy tỷ trọng của VN30 rất lép vế so với hai rổ cổ phiếu còn lại.
Trong Top 10 thanh khoản thị trường sáng nay chỉ có 5 mã thuộc VN30, còn lại là FLC, VND, HSG, VCI, SCR. Cổ phiếu ngân hàng thanh khoản giảm nghiêm trọng: VPB thanh khoản tốt nhất cũng chỉ 159 tỷ đồng, đứng chót Top 10. Cổ phiếu ngân hàng thanh khoản cao nhất kế tiếp là MBB, chưa tới 132 tỷ đồng, đứng thứ 20 thị trường. Các mã siêu thanh khoản một thời như CTG, TCB, MBB cũng giao dịch nhỏ.
Thanh khoản sụt giảm mạnh trong bối cảnh thị trường cân bằng hơn sau cú sốc hôm qua thể hiện tâm lý bình tĩnh trở lại. Nhà đầu tư không còn bán tháo nữa, nhưng cũng chưa sẵn sàng mua vào. Giá cổ phiếu có thể tăng lại do cung cầu thay đổi tại một thời điểm nhưng cũng không có gì đảm bảo tâm lý sẽ không lại thay đổi. Ngay cả những blue-chips quan trọng nhất cũng không thu hút được dòng tiền thì thị trường vẫn chưa ổn định thực sự.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng nhẹ 208 tỷ đồng trên HoSE và gần 29 tỷ đồng trên HNX. VPH bị xả nhiều nhất với 43 tỷ ròng. NKG, HSG, VIC, CTG, BVH là các mã bị bán ròng quanh 20 tỷ. Phía mua có HDG, VCI, VHM là tốt nhất, cũng chỉ quanh 20 tỷ đồng.