Cổ phiếu dầu khí, tài chính duy trì sức mạnh
Thị trường chiều nay vẫn vượt qua được sức ép từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM, SAB, BID... để đẩy VN-Index thoát khỏi những nhịp điều chỉnh ngắn. Cổ phiếu dầu khí và nhiều mã ngân hàng, chứng khoán đảo chiều xanh rực rỡ cuối phiên...
Thị trường chiều nay vẫn vượt qua được sức ép từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM, SAB, BID... để đẩy VN-Index thoát khỏi những nhịp điều chỉnh ngắn. Cổ phiếu dầu khí và nhiều mã ngân hàng, chứng khoán đảo chiều xanh rực rỡ cuối phiên.
Kịch bản giao dịch liên tục lặp lại nhiều phiên gần đây và tất cả đều có mức độ đảo chiều phục hồi khác nhau, ngay cả khi VN-Index chốt ngày vẫn đỏ. Hôm nay dòng tiền bắt đáy tiếp tục nâng đỡ giá thấp và “vực dậy” chỉ số hai lần từ vùng đỏ, để kết phiên tăng nhẹ 4,01 điểm.
VIC là trụ “phá” chỉ số phiên này, khi giảm liên tục từ sáng sang chiều. Giảm 1,22% và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, VIC vẫn chưa cho thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi giá vẫn luẩn quẩn ở vùng đáy từ cuối tháng 3/2020.
Tuy vậy ngoài VIC, cổ phiếu blue-chips duy nhất sụt giảm đáng kể là VJC, mất 1,03%. Đây là hai mã giảm hơn 1% trong rổ VN30, còn lại đều khá nhẹ: VNM giảm 0,55%, VHM giảm 0,49%, BID giảm 0,51%, SAB giảm 0,88%. Cả 6 cổ phiếu này cũng chỉ khiến VN-Index mất khoảng 2 điểm, cho thấy ảnh hưởng là hạn chế.
Phía ngược lại, các cổ phiếu trung bình tăng tốt. Dẫn dắt là bộ ba VPB tăng 2,21%, GAS tăng 1,37%, TCB tăng 2,08%. Nhóm dầu khí và tài chính hôm nay rất khá dù vẫn đang có sự phân hóa. Quan trọng nhất là khả năng đảo chiều và duy trì sức mạnh tăng giá đến khi kết thúc phiên. Nhìn từ góc độ người cầm cổ đang muốn chốt lời, khả năng đảo chiều thành công là một tín hiệu của sức mạnh từ dòng tiền mua.
Chẳng hạn 3 cổ phiếu dẫn dắt nói trên đều không mạnh ngay từ đầu. VPB ngay đầu phiên giảm 0,51% so với tham chiếu nhưng đến chiều lại tăng liên tục và kết phiên trên tham chiếu 2,21%. GAS khoảng 9h30 sáng còn giảm tới 1,37%. Bất chấp cuối ngày, rổ VN30 vẫn còn 13 mã giảm và chỉ 15 mã tăng, chỉ duy nhất VIC, VRE, VHM là không đảo chiều được và đóng cửa ở mức thấp nhất, 27 mã còn lại đều thoát đáy ở mức độ khác nhau. Những cổ phiếu đảo chiều ấn tượng là NVL, giá đóng cửa cao hơn giá thấp nhất phiên tới 4,74%, GAS đảo chiều với biên độ 2,78%, VPB đảo chiều 2,74%, PLX đảo chiều 1,8%, TCB đảo chiều 1,82%...
Nhóm cổ phiếu dầu khí hôm nay hầu hết tăng mạnh. Ngoài GAS là trụ lớn nhất đáng chú ý, PVD còn đóng cửa giá kịch trần. Nhóm PVC, PVS, BSR tăng 3%-4%. Cổ phiếu tài chính có 9 mã ngân hàng tăng hơn 1%, chứng khoán có 20 mã tăng tương tự. Nhóm vật liệu xuất hiện các mã thép tăng tốt: HPG tăng 1,29%, HSG tăng 1,22%, NKG tăng 4,08%, VGS tăng 1,11%...
Độ rộng tổng thể của VN-Index lúc đóng cửa ghi nhận 271 mã tăng/189 mã giảm, trong đó 147 mã tăng trên 1% nhưng chỉ 60 mã giảm trên 1%. Kết hợp với diễn biến của độ rộng trong cả phiên, nhịp điều chỉnh trong phiên ở chỉ số hầu như không ảnh hưởng rõ ràng lên cổ phiếu.
Thanh khoản thị trường buổi chiều tiếp tục thấp hơn phiên sáng khoảng 19%, hai sàn chỉ khớp thành công 7.145 tỷ đồng. Riêng HoSE chiều nay giao dịch giảm 19%, đạt 6.280 tỷ đồng. Thanh khoản thấp nhưng thị trường vẫn đảo chiều thành công tiếp tục là tín hiệu mạnh mẽ về dòng tiền nâng đỡ giá thấp, cũng như áp lực bán hiện tại chủ yếu đến từ các giao dịch chốt lời mang tính thời điểm.
Khối ngoại hôm nay có phiên bán ròng thứ hai liên tục, nhưng quy mô đã nhỏ đi nhiều. Phiên cuối tuần trước mức bán ròng với cổ phiếu trên HoSE khoảng 374,4 tỷ đồng, phiên này tổng mức bán ròng còn hơn 99 tỷ đồng. Riêng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 được mua ròng trở lại 95,2 tỷ đồng. Như vậy mức bán với cổ phiếu cũng khá cao, xấp xỉ 194 tỷ đồng. HPG bị bán ròng nhiều nhất với 80,6 tỷ, VNM -56,7 tỷ, GMD -41,4 tỷ, PHR -32,3 tỷ, MSN -31 tỷ. Phía mua có PVD +31,2 tỷ, NVL +28,4 tỷ, NLG +26,2 tỷ, HDB +24,2 tỷ là đáng kể.