Cổ phiếu dầu khí thăng hoa, ngân hàng “rũ cánh”
Các yếu tố hội tụ ủng hộ cổ phiếu dầu khí trong phiên giao dịch đầu tuần giúp nhóm này tăng giá bùng nổ. Tuy vậy ảnh hưởng tăng giá vẫn rất hạn chế, do nhóm ngân hàng sụt giảm quá mạnh...
Các yếu tố hội tụ ủng hộ cổ phiếu dầu khí trong phiên giao dịch đầu tuần giúp nhóm này tăng giá bùng nổ. Tuy vậy ảnh hưởng tăng giá vẫn rất hạn chế, do nhóm ngân hàng sụt giảm quá mạnh.
Với độ rộng “thảm hại” 317 mã giảm/119 mã tăng, trong đó 82 mã giảm trên 2%, 85 mã giảm trên 1%, rất khó để danh mục của nhà đầu tư có lợi nhuận trong sáng nay.
Tuy nhiên, điểm sáng nằm ở nhóm cổ phiếu dầu khí. Trong khi VN-Index sut giảm 0,84% tương đương 12,54 điểm, tất cả các chỉ số nhóm ngành trên HoSE đều “đỏ lòe”, riêng nhóm VNEnergy tăng bùng nổ 2,87%. Tất cả 10 mã trong nhóm này, với nòng cốt là các mã dầu khí đều tăng khỏe.
GAS và PLX là hai mã kéo VN-Index tốt nhất phiên sáng. GAS tăng 4,05% lên mức cao nhất 57 phiên. PLX tăng 3,03% quay trở lại sát đỉnh tháng 11 năm ngoái cũng là tương đương đỉnh cao nhất trong hơn 3 năm trở lại đây.
Yếu tố vốn hóa khiến GAS và PLX lọt vào nhóm dẫn dắt, nhưng thực tế các mã dầu khí nhỏ hơn còn tăng nóng. POS, PCG, PSH tăng kịch trần, PVO tăng 6,19%, PVS tăng 4,14%, ASP tăng 6,7%, CNG tăng 7%, PGC tăng 4,1%...
Rổ VN30 chốt phiên sáng chỉ có 6 mã tăng/23 mã giảm và chỉ số đại diện giảm 1,18%. Điều này cho thấy các blue-chips là kém. Ngoài GAS, PLX, chỉ có thêm SAB tăng 2,19%, VJC tăng 1,13%, MSN tăng 0,93% và VIC tăng 0,37%.
VIC tạo chút ít bất ngờ trong phiên hôm nay khi đầu phiên bị “dúi” xuống 80.700 đồng, giảm 1,22% nữa rồi được kéo vọt lên 84.000 đồng, tăng 2,82% chỉ trong khoảng 15 phút đầu tiên của đợt khớp lệnh liên tục. Tuy vậy diễn biến này không mang tính đại diện, vì sau đó cung cầu dồi dào hơn đã đẩy VIC tụt giá đáng kể. Chốt phiên sáng VIC chỉ còn tăng 0,37% so với tham chiếu, khối ngoại xả nhẹ 848.700 đơn vị, chiếm 28% thanh khoản. Điểm tích cực ở VIC là giá đã trụ được ở vùng xanh, tuy cộng điểm không đáng kể, nhưng cũng không tạo thêm gánh nặng cho chỉ số, đặc biệt khi quá nhiều blue-chips lớn khác giảm mạnh.
Dẫn đầu nhóm giảm sáng nay là các cổ phiếu ngân hàng. Trên cả 3 sàn, duy nhất PGB, EIB, VAB và KLB là còn xanh, số khác giảm. Trong số các blue-chips ngân hàng sàn HoSE, tới 7 mã giảm trên 2%: HDB giảm 4,17%, BID giảm 3,34%, CTG giảm 2,45%, TCB giảm 2,42%, SHB giảm 2,33%, VCB giảm 2,33% STB giảm 2,27%. Không có gì bất ngờ, chỉ số VNFINLEAD đang giảm tới 1,96% so với tham chiếu.
Trong 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất, có tới 7 mã là cổ phiếu ngân hàng. Chỉ riêng 4 mã là VCB, BID, TCB và CTG đã khiến chỉ số này mất khoảng 6,5 điểm.
Với độ rộng quá hẹp, hầu hết các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng giảm. TTB, HAG, TTE đang giảm sàn. Tuy nhiên cũng có VIP, VHC, CCI, TDG tăng trần cùng với các mã dầu khí. 77 cổ phiếu trên HoSE đang tăng trên 1% cho thấy việc lựa chọn mã không hề dễ dàng.
Thanh khoản tăng 24% về giá trị khớp lệnh trên 2 sàn niêm yết có yếu tố tăng bán đáng kể ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Top 5 giá trị giao dịch thị trường thì trừ HPG, còn lại toàn ngân hàng là MBB, TCB, VPB, MBB. Nhóm ngân hàng trong VN30 chiếm tới 54% giá trị rổ này, còn toàn sàn HoSE chiếm 29% sàn. So với cùng thời điểm phiên sáng cuối tuần trước, cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 tăng giao dịch gần 42% và tất cả các mã ngân hàng trên HoSE tăng giao dịch 26%. Khoảng một phần ba giá trị giao dịch tuyệt đối tăng thêm ở sàn này sáng nay đến từ các mã ngân hàng.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giảm bán VIC đã giúp vị thế cân bằng hơn. Mức bán ròng trên HoSE khoảng -68,8 tỷ đồng. Bán lớn nhất là HPG -109,4 tỷ, HDB -76,1 tỷ, VIC -36,8 tỷ, VHM -24,6 tỷ. Phía mua ròng có GAS +42,6 tỷ, MSB +40,2 tỷ, VND +34,6 tỷ. Nhóm STB, GMD, SSI, TPB cũng được mua ròng trên 20 tỷ đồng.