04:28 15/04/2009

Cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh, Phố Wall trượt dốc

Duy Cường

Ngày 14/4, chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trước tin xấu từ doanh số bán lẻ và Goldman Sachs

Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh hôm thứ Ba sau khi doanh số bán lẻ trong tháng 3 sụt giảm và những lo ngại của giới đầu tư xung quanh việc chào bán cổ phiếu ra công chúng của Goldman Sachs - Ảnh: Reuters.
Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh hôm thứ Ba sau khi doanh số bán lẻ trong tháng 3 sụt giảm và những lo ngại của giới đầu tư xung quanh việc chào bán cổ phiếu ra công chúng của Goldman Sachs - Ảnh: Reuters.
Ngày 14/4, chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trước tin xấu từ doanh số bán lẻ và Goldman Sachs.

Hôm thứ Ba, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán lẻ trong tháng 3/2009 ở nước này đã giảm 1,1% sau khi tăng 0,3% trong tháng 2/2009. Nguyên nhân khiến doanh số bán lẻ giảm là do sức mua đối với các mặt hàng như ôtô và hàng điện tử đi xuống.

Trong tháng 3, doanh số bán ôtô và linh kiện ôtô giảm 0,9% sau khi giảm 1% trong tháng 2/2009; doanh số bán xăng giảm 1,6% sau khi tăng 3,1% trong tháng 2; doanh số bán hàng điện tử sụt giảm 5,9% sau khi tăng 3,1% trong tháng trước đó.

Cùng ngày, Bộ Lao động cho biết, chỉ số giá bán của nhà sản xuất (PPI) ở nước này trong tháng 3/2009 đã giảm 1,2%. Như vậy, PPI cơ bản – không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - đã không thay đổi trong tháng 3.

Cũng trong ngày 14/4, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - ông Ben Bernanke đã cho biết, các số liệu về thị trường địa ốc, chi tiêu dùng đã cho thấy: “sự suy giảm nhanh của nền kinh tế đang dần lắng dịu hơn”.

Tuy nhiêu, ngay sau khi ông Ben Bernanke cho biết nền kinh tế Mỹ đang dần ổn định trở lại thì Bộ Thương mại công bố mức sụt giảm của doanh số bán lẻ trong tháng 3/2009. Do đó, thị trường chứng khoán đã không thể phản ứng tích cực với nhận định của Chủ tịch FED.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, tờ Financial Times vừa loan tin Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đang xem xét xem liệu Bank of America có vi phạm Luật Chứng khoán Mỹ hay không khi ngân hàng này thất bại trong việc vạch trần kết hoạch chia 3,62 tỷ USD thưởng của cổ đông Merrill Lynch trước khi họ thông qua việc sáp nhập với Bank of America.

Bà Mary Schapiro - Chủ tịch SEC, đã viết một lá thư tới Chủ tịch Quốc hội nêu rõ rằng, nhà chức trách đang cẩn trọng xem xét trường hợp của Bank of America và chưa bày tỏ quan điểm cho đến khi kế hoạch thưởng đó được làm sáng tỏ.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trước nhiều tin xấu

Ngày 14/4, tập đoàn chuyên sản xuất hàng chăm sóc sức khỏe - Johnson & Johnson cho biết, doanh thu trong quý 1/2009 của hãng đã giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước, xuống 15 tỷ USD; lợi nhuận ròng đạt 3,51 tỷ USD, tương đương 1,26 USD/cổ phiếu – cao hơn 4 cent/cổ phiếu so với dự báo của giới phân tích và bằng với lợi nhuận của cùng kỳ năm trước.

Johnson & Johnson đã đưa ra dự báo, lợi nhuận năm 2009 của hãng sẽ đạt từ 4,45-4,55 USD/cổ phiếu.

Liên quan đến Goldman Sachs, sau khi công bố kết quả kinh doanh vượt dự báo của giới phân tích, nhiều người đã tin rằng cổ phiếu Goldman Sachs sẽ tăng điểm mạnh trong phiên này.

Tuy nhiên, thực tế đã ngược lại khi ngân hàng này công bố chào bán 40,65 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá 123 USD/cổ phiếu - thấp hơn giá đóng cửa ngày 13/4 – để thu về 5 tỷ USD nhằm có thêm tiền trả lại khoản vay trong “Chương trình giải trừ các tài sản xấu – TARP” của Chính phủ Mỹ.

Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh hôm thứ Ba sau khi doanh số bán lẻ trong tháng 3 sụt giảm và những lo ngại của giới đầu tư xung quanh việc chào bán cổ phiếu ra công chúng của Goldman Sachs.

Bất chấp nhận định nền kinh tế Mỹ đã có những dấu hiệu phục hồi của Tổng thống Obama, thị trường chứng khoán vẫn trong đà giảm điểm. Bởi thực tế đã được chỉ rõ, doanh số bán lẻ giảm mạnh cho thấy mức chi tiêu dùng của người dân - vốn chiếm 2/3 GDP của Mỹ - sụt giảm và qua đó sẽ tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Thị trường mở cửa ngày giao dịch thấp hơn gần 1% so với phiên trước đó. Các chỉ số duy trì đà giảm điểm thêm gần 20 phút rồi bắt đầu đi lên và đến gần 11 giờ (giờ địa phương), cả ba chỉ số chỉ giảm khoảng 0,3%.

Tuy nhiên, sau khi thông tin doanh số bán lẻ giảm 1,1% trong tháng 3 được công bố, cả ba chỉ số chứng khoán bắt đầu xu hướng lao dốc. Cổ phiếu Bank of America lúc đầu còn tăng mạnh, nhưng sau đó đã “ngã nhào”; cổ phiếu khối ngân hàng như Well Fargo, JPMorgan Chase, Goldman Sachs... liên tục trong xu hướng giảm điểm.

Áp lực giảm điểm còn xuất hiện ở những cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường như cổ phiếu của General Electric, Alcoa, American Express...

Điều này khiến chỉ số Dow Jones giảm gần 2%, trong khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq mất hơn 2% vào lúc 13 giờ chiều, và sau đó thị trường duy trì xu thế giảm điểm đến hết ngày giao dịch.

Đối với các cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones, cổ phiếu Citigroup, General Motors, Johnson & Johnson và Intel duy trì được đà tăng điểm cho đến hết ngày giao dịch, còn 26/30 cổ phiếu khác liên tục trong sắc đỏ trên bảng giao dịch.

Chỉ số S&P Bán lẻ đã giảm 2,5%, trong đó cổ phiếu Wal-Mart mất gần 1%, cổ phiếu Macy's trượt 7,3%, cổ phiếu Procter & Gamble hạ 1,6%...

Các cổ phiếu khối tài chính – ngân hàng cũng có phiên giảm điểm mạnh, chỉ số S&P Tài chính giảm 7,7%, chỉ số KBW Ngân hàng mất 8,1%. Trong đó, cổ phiếu Goldman Sachs hạ 11,6%, cổ phiếu JPMorgan trượt 9%, cổ phiếu Bank of America xuống 8,4%, cổ phiếu Wells Fargo hạ 7,2%...
Cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh, Phố Wall trượt dốc - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 14/4 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 14/4: chỉ số Dow Jones giảm 137,63 điểm, tương đương -1,71%, chốt ở mức 7.920,18.

Chỉ số Nasdaq phiên này mất 27,59 điểm, tương đương -1,67%, chốt ở mức 1.653,31.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 hạ 17,23 điểm, tương đương -2,01%, đóng cửa ở mức 841,5.

* Sau khi thị trường đóng cửa ngày giao dịch, Tập đoàn Intel đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2009 với doanh thu đạt 7,1 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 647 triệu USD, tương đương 11 cent/cổ phiếu – giảm mạnh so với mức lợi nhuận 1,44 tỷ USD (25 cent/cổ phiếu) của quý 1/2008.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

Thứ Tư: Công bố số liệu CPI tháng 3;sản lượng công nghiệp; công bố kết quả kinh doanh của Abbott Labs.

Thứ Năm: Công bố số liệu về số nhà mới khởi công; số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; công bố kết quả kinh doanh của JPMorgan, Harley-Davidson, Nokia, Southwest Air và Google.

Thứ Sáu: Công bố kết quả thăm dò về lòng tin người tiêu dùng; Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Bernanke có bài phát biểu quan trọng; kết quả kinh doanh của Citigroup, GE.

Chứng khoán châu Âu tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp

Hôm thứ Ba, chứng khoán châu Âu đã tiếp tục tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp nhờ sức tăng của cổ phiếu khối ngân hàng và khai mỏ.

Kết quả kinh doanh khả quan của Goldman Sachs đã thúc đẩy cổ phiếu khối ngân hàng châu Âu tăng điểm, trong đó, cổ phiếu UBS tăng 15,4%, cổ phiếu Barclays tiến thêm 10,1%,...

Nhờ giá nhiều kim loại tăng mạnh nên đã thúc đẩy cổ phiếu khối khai mỏ lên điểm, trong đó cổ phiếu Anglo American, Antofagasta, BHP Billiton, Eurasian Natural Resources, Rio Tinto và Xstrata tăng từ 3,4-7,2%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 5,28 điểm, tương đương 0,13%, chốt ở mức 3.988,99. Khối lượng giao dịch đạt 2,69 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức lên 1,47%, khối lượng giao dịch đạt 31,9 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 0,88%, khối lượng giao dịch đạt 207 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Sức tăng yếu dần

Ngày 14/4, chứng khoán khu vực đã tăng điểm phiên thứ tư nhờ đà lên điểm của nhiều cổ phiếu ngân hàng và khai mỏ.

Thông tin về kết quả kinh doanh khả quan của Goldman Sachs đã thúc đẩy cổ phiếu khối ngân hàng châu Á tăng điểm. Cổ phiếu của ngân hàng cho vay lớn nhất Australia - Westpac Banking lên 3,4%, cổ phiếu HSBC Holdings tại thị trường Hồng Kông tiến thêm 3,8%.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 0,8% lên 89,14 điểm, đưa chỉ số này tăng 26% so với thời điểm thị trường xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua – được thiết lập vào ngày 9/3/2009.

So với phiên trước đó, sức tăng của phiên này đã yếu hơn, thậm chí thị trường Singapore đã có tên trong danh sách thị trường bị giảm điểm. Điểm sáng trong phiên này là sức bật của thị trường Hồng Kông sau hai ngày nghỉ giao dịch.

Chứng khoán Nhật tiếp tục giảm điểm hôm thứ Ba trước sự giảm điểm của cổ phiếu nhiều hãng sản xuất ôtô, vì lo ngại về triển vọng lợi nhuận không mấy khả quan.

Thông tin về General Motors đang đứng trước khả năng phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản, đã phủ bóng đen lên triển vọng lợi nhuận của các hãng sản xuất ôtô Nhật vì khó khăn chung của thị trường ôtô. Điều này khiến cổ phiếu Toyota mất 3,6%, cổ phiếu Honda trượt 3%, cổ phiếu Nissan hạ 6,1%, cổ phiếu Mazda giảm 8,7%.

Tuy vậy, điểm sáng của thị trường Nhật trong ngày giao dịch đến từ sức tăng điểm ấn tượng của cổ phiếu khối tài chính sau khi Goldman Sachs công bố kết quả kinh doanh khả quan hơn mong đợi.

Cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group tăng 1,1%, cổ phiếu Sumitomo Mitsui Financial Group tiến thêm 0,7%, cổ phiếu Nomura Holdings lên 3,52%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 81,75 điểm, tương đương -0,92%, chốt ở mức 8.842,68. Khối lượng giao dịch đạt 2,7 tỷ cổ phiếu, thị trường có 975 cổ phiếu giảm điểm và có 591 cổ phiếu lên điểm.

Chuyển qua thị trường khác, Bộ Thương mại Singapore vừa cho biết kinh tế của quốc đảo có thể sẽ tăng trưởng âm từ 6-9% trong năm 2009, do sự suy giảm mạnh của hoạt động xuất khẩu và sản xuất công nghiệp.

Ngân hàng Trung ương Singapore cũng cho biết sẽ điều chỉnh (giảm) biên độ dao động giao dịch của đồng Đôla Singapore.

Những thông tin trên đã kéo thị trường chứng khoán Singapore giảm điểm, kết thúc phiên, chỉ số Straits Times giảm 0,27% xuống 1.871,66 điểm.

Đối với thị trường Hồng Kông, sau hai ngày nghỉ lễ, thị trường chứng khoán đã mở cửa trở lại với phiên tăng điểm mạnh trong cả ngày giao dịch, nhờ sức bật của cổ phiếu khối ngân hàng. Kết thúc phiên, chỉ số Hang Seng tăng 4,55%, chốt ở mức 15.580,16.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,06%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tiến thêm 0,33%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 0,54%. Chỉ số ASX của Autralia tiến thêm 2,2%.

* Thị trường Ấn Độ nghỉ giao dịch nhân ngày lễ.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
MỹDow Jones 8.057,817.920,18 Down137,63Down1,71
Nasdaq1.653,311.625,72Down  27,59Down1,67
S&P 500858,73 841,50 Down  17,23Down2,01
AnhFTSE 1003.983,713.988,99Up    5,28Up0,13
ĐứcDAX4.491,124.557,01 Up  65,89Up1,47
PhápCAC 402.974,18 3.000,22Up  26,04Up0,88
Đài LoanTaiwan Weighted5.857,645.892,68Up  35,04Up0,60
NhậtNikkei 2258.924,438.842,68Down  81,75Down0,92
Hồng KôngHang Seng14.901,4115.580,16Up678,75Up4,55
Hàn QuốcKOSPI Composite1.338,261.342,63Up    4,37Up0,33
Singapore Straits Times1.868,741.871,66Down    5,11 Down0,27
Trung Quốc Shanghai Composite2.513,702.527,18Up  13,48Up0,54
Ấn ĐộBSE 3010.967,22N/AN/AN/A
AustraliaASX3.617,503.697,90Up  80,40Up2,22
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg