15:11 08/06/2007

Cổ phiếu ngành điện không dễ lãi

Các nhà đầu tư ngắn hạn mua cổ phiếu ngành điện không có cơ hội thu hồi vốn nhanh như mong muốn

Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí.
Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí.
Trong số các doanh nghiệp ngành điện tiến hành đấu giá cổ phần qua thị trường chứng khoán từ đầu năm tới nay, tỷ trọng doanh nghiệp phải tiến hành đấu giá lại chiếm trên 50%, vì bị nhà đầu tư bỏ cọc trên 30% số cổ phần.

Một số doanh nghiệp khi thực hiện đấu giá lần 2 có mức giá bình quân chỉ bằng 50% giá của lần 1.

Một số nhà máy điện được quan tâm trước đây như Thuỷ điện A Lưới, Nậm Chiến… đang trong quá trình xây dựng nhà máy cũng có tình trạng "đóng về giá" khiến các nhà đầu tư ngắn hạn không có cơ hội thu hồi vốn nhanh như mong muốn.

Cổ phiếu ngành điện vốn được các chuyên gia đánh giá là khoản đầu tư an toàn bởi hệ thống điện đang nằm trong tình trạng cung không đáp ứng được cầu, điện làm ra vẫn được mua hết. Tuy nhiên, thực tế việc huy động vốn để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện như một số công ty cổ phần đưa ra thời gian gần đây lại không hoàn toàn "ngon ăn" như quảng bá.

Điện là mặt hàng nhà nước quy định giá và điện làm ra không phải dùng xe ôtô để chở đến nơi tiêu thụ. Theo lộ trình của thị trường điện thì phải tới sau năm 2022, các nhà đầu tư xây dựng nhà máy điện mới có cơ hội bán cho người tiêu dùng trực tiếp.

Về nguyên tắc, bất cứ nhà máy điện dù có quy mô công suất ở mức nào thì trước khi xây dựng đều phải có sự thoả thuận với Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) về việc đấu nối lưới điện và mức giá điện. Hiện mức giá này thường phải dưới 4,5 cents/kWh thì mới có cơ hội được xem xét. Đối với các nhà máy điện quy mô dưới 20 MW trở xuống, các vấn đề đàm phán về đấu nối với lưới điện quốc gia và giá bán không phải quá khó khăn, nhưng các nhà máy này hầu như chỉ là dự án thuỷ điện nhỏ, tận dụng dòng chảy của các con sông nhỏ.

Trên thực tế, tất cả các dòng sông ở Việt Nam đều đã được đưa vào nghiên cứu và quy hoạch xây dựng nhà máy thuỷ điện, bởi bên cạnh mục tiêu phát điện, tìm kiến lợi nhuận thuần tuý, còn vì mục tiêu chống lũ, cứu hạn. Vì thế, các nhà máy thuỷ điện từ 50 MW trở lên nói chung thường có giá thành tốt nhất trong các nguồn điện, không phải ai "xí phần" cũng được chia, nhất là các công ty tư nhân.

Đối với các nhà máy nhiệt điện chạy than mà một số công ty cổ phần đã ra thông tin là đang xin làm, thì đều chưa có dự án nào được Bộ Công nghiệp hay EVN chấp thuận. Nguyên nhân là để nhà máy có tính kinh tế thì phải có quy mô từ 300 MW trở lên. Theo tính toán của ngành điện, cứ 1.000 MW thì cần khoảng 3 triệu tấn than sử dụng mỗi năm.

Như vậy, đi kèm theo nhà máy điện phải là cơ sở hạ tầng để nhập than vào nhà máy như bến cảng, đường sắt; kho bãi chứa than đầu vào, bãi thải xỉ đầu ra, mức độ ô nhiễm môi trường… Đặc biệt, giá thành bán điện cho hệ thống điện quốc gia phải dưới 4,5 cent/kWh và nhà máy đó phải nằm trong quy hoạch phát triển ngành điện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từng thời kỳ (để ngành điện chuẩn bị đầu tư lưới điện).

Như vậy, với những nhà máy nhiệt điện, than "cứ tưởng" là nằm ở nơi đã có lưới điện quốc gia đi qua, nhà đầu tư "chấp nhận" đầu tư cơ sở hạ tầng khá tốn kém và giá bán điện đưa ra chào mời dưới 4,5 cent/kWh cũng không chắc đã được xây dựng. Mục tiêu của hệ thống điện Việt Nam là đáp ứng phụ tải ngay tại chỗ nhằm giảm truyền tải trên hai đường dây 500 kV Bắc - Nam như hiện nay.

Vì thế, nếu ý định đầu tư vào đúng khu vực được dự báo chưa phát triển kinh tế mạnh trong khoảng 5-7 năm nữa, tức là làm ra không để dùng ngay trong khu vực mà buộc phải truyền tải thì đề nghị đầu tư cũng khó lòng được chấp thuận, vì đường truyền tải có giới hạn trong khi không thể xây dựng được nhiều đường 500 kV Bắc - Nam.

Đối với các dự án điện khí, tình trạng cũng không khả quan hơn. Theo tính toán của các chuyên gia khi xây dựng Tổng sơ đồ phát triển điện tới năm 2015, có tính tới năm 2025 thì do nguồn khí dẫn vào bờ không dồi dào, nên chỉ có các nhà máy điện thuộc sở hữu nhà nước hoặc của các nhà đầu tư mỏ khí và đường ống dẫn khí từ ngoài khơi vào bờ mới được ưu tiên xem xét trước.

Chính vì vậy, viễn cảnh "là chủ đầu tư xây dựng nhà máy điện này, nhà máy điện kia" mà các công ty cổ phần đưa ra gần đây nhằm đánh bóng thương hiệu của mình mới chỉ là "bánh vẽ".