Cổ phiếu ngành nào hấp dẫn nhất?
Kết quả bình chọn từ độc giả VnEconomy là một câu trả lời khá sát với diễn biến trên thực tế thị trường chứng khoán hiện nay
Kết quả bình chọn từ độc giả VnEconomy là một câu trả lời khá sát với diễn biến trên thực tế thị trường chứng khoán hiện nay.
Sau gần hai tuần triển khai, cuộc khảo sát của VnEconomy về triển vọng hấp dẫn đầu tư cổ phiếu các ngành hàng đã thu hút 3.948 bạn đọc tham gia (tính đến 8 giờ sáng ngày 30/1/2007), với kết quả bình chọn tập trung vào 8 nhóm ngành hàng tiêu biểu.
Với 36,5% bạn đọc bình chọn, câu trả lời áp đảo thuộc về nhóm ngành Ngân hàng - Tài chính. Đứng thứ hai là cổ phiếu ngành Dầu khí (12,4%). Thứ ba là ngành Viễn thông (10,7%) và sát ngay sau đó là Bất động sản (10,4%). Thứ năm là Điện lực (10,3%). Nhóm ngành Công nghệ cao đứng thứ sáu (8,5%). Các ngành hàng Thực phẩm - Hàng tiêu dùng, Y tế và cuối cùng các ngành hàng khác lần lượt là 4,5%, 4,4% và 2,3%.
Đây là một kết quả phán ánh khá sát với diễn biến trên thị trường chứng khoán hiện nay và mang tính tham khảo về định hướng đầu tư trong tương lai.
Với vị trí số 1 theo nhận định của bạn đọc VnEconomy, sự hấp dẫn của cổ phiếu nhóm ngành Ngân hàng – Tài chính tiếp tục được khẳng định, đặc biệt là trước bối cảnh hội nhập và cạnh tranh mạnh mẽ trong thời gian tới. Đây cũng là nhóm ngành, đặc biệt là Ngân hàng, có những con số lợi nhuận và tỷ lệ hấp dẫn nhất trên thị trường trong những năm gần đây; là điểm nóng thu hút vốn ngoại hiện nay.
Tuy nhiên, ngay ở vị trí số 1 này, cổ phiếu của nhóm Ngân hàng - Tài chính trên thực tế vẫn còn nhiều mâu thuẫn. Đó là sự hấp dẫn chung từ đặc thù của ngành đang xóa nhòa dần sự hấp dẫn và giá trị giữa các cổ phiếu ngân hàng riêng lẻ; là sự định giá có phần “thiệt thòi” so với cổ phiếu một số ngành hàng có sức hấp dẫn thấp hơn.
Mâu thuẫn trên thể hiện rõ từ đầu năm 2007 đến nay, khi cơn sốt cổ phiếu ngân hàng lên cao độ, chênh lệch cổ phiếu giữa các ngân hàng cũng liên tục được rút ngắn. Đến thời điểm này nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích vẫn chưa giải thích được một cách rốt ráo về sự chênh lệch đầy mâu thuẫn đó.
Thử xem, giá cổ phiếu của các ngân hàng có quy mô, lợi nhuận và triển vọng đứng tốp 3 trong khối ngân hàng cổ phần đã có một sự bứt phá đáng kinh ngạc so với cổ phiếu của nhóm tốp 2. Giá cổ phiếu ABBank, SHB, G-Bank… đã tiến rất gần những ngân hàng thâm niên hơn, quy mô hơn, thương hiệu nổi tiếng hơn, lợi nhuận lớn hơn là VPBank, VIB Bank, Southern Bank, Habubank… Thậm chí những ngày gần đây, giá cổ phiếu của SHB (một ngân hàng nông thôn vừa chuyển đổi) cũng đã phả hơi nóng tới gáy cổ phiếu của những ngân hàng “đàn anh”!
Một mâu thuẫn khác từ vị trí số 1 mà bạn đọc bình chọn là cổ phiếu Ngân hàng - Tài chính hấp dẫn như vậy nhưng hầu hết lại thấp hơn nhiều so với cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp ngành hàng khác.
Trong nhóm ngành này, cao nhất là cổ phiếu ACB cũng chỉ gấp từ 16 - 18 lần mệnh giá, còn lại hầu hết chỉ từ 7 – 8 lần mệnh giá. Trong khi đó, trên thị trường có những cổ phiếu ngành khác được định giá tới 40 – 50, thậm chí có thể gấp 60 lần mệnh giá.
Tất nhiên ở đây phụ thuộc vào giá trị nội tại của mỗi doanh nghiệp. Ví như FPT, quy mô vốn chỉ bằng khoảng một nửa ACB nhưng lại có lợi nhuận tương đương trong năm 2006 (lợi nhuận sau thuế của FPT chưa kiểm toán là 609 tỷ đồng). Tỷ suất lợi nhuận trên vốn vượt trội hơn là một lý do để giá cổ phiếu FPT vượt trên 50 lần mệnh giá, trong khi ACB chỉ khoảng 16 – 18 lần.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, với bối cảnh đầu tư trên thị trường như hiện nay, có nhiều trường hợp những chỉ số kỹ thuật, phương pháp phân tích trở nên… vô nghĩa.
Trở lại với kết quả khảo sát của VnEconomy, cổ phiếu ngành dầu khí (có thể là cả những doanh nghiệp liên quan hoặc được gắn với hai từ “dầu khí”) đứng thứ hai về hấp dẫn đầu tư. Đây là kết quả phản ánh đúng với tâm lý của nhiều nhà đầu tư trong thời gian qua. Các cuộc đấu giá quá sức tưởng tượng của nhiều người về cổ phần những doanh nghiệp ngành này cuối năm 2006, cũng như mức giá trên thị trường OTC hiện nay, là một dẫn chứng cụ thể nhất.
Về cổ phiếu ngành Viễn thông, giới đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự ra mắt của các mạng di động MobiFone, Vinaphone và cả Viettel trong tương lai. Nhưng nếu nhìn vào những cuộc đua giảm cước hiện nay và triển vọng tiếp tục giảm trong tương lai thì nhiều nhà đầu tư có thể sẽ buộc phải cân nhắc. Tất nhiên, biết đâu các mạng này lại có sự dịch chuyển mạnh về đầu tư tài chính, bất động sản hay những dịch vụ công nghệ mới?
Một điểm đáng chú ý và được khẳng định là thời của cổ phiếu ngành Điện lực đã đến. Nhiều cổ phiếu ngành này đã từng mất một năm để có được một mức gấp 2 – 3 lần mệnh giá. Thời điểm đó, khả năng tăng giá điện còn nhiều tranh cãi, hạn hán phổ biến và một số dự án ngành điện thiếu vốn… khiến nhiều nhà đầu tư “lướt qua” cổ phiếu ngành này. Còn nay và trong tương lai, vị trí mà bạn đọc bình chọn cho thấy đã xấp xỉ Bất động sản và còn triển vọng hơn cả nhóm ngành Công nghệ cao.
Trong bối cảnh hiện nay, Bất động sản vẫn được xem là ngành có khả năng sinh lời cao nhưng rủi ro cũng lắm. Thị trường đã chứng kiến những biến động thất thường của cổ phiếu TDH (Nhà Thủ Đức) hay HBC (Địa ốc Hòa Bình) trong thời gian qua. Nhưng thay vì phân lô, bán nền, găm biệt thự thì nhiều công ty bất động sản đã và đang có sự dịch chuyển sang mảng thị trường khác nóng hơn như văn phòng cho thuê và cả đầu tư tài chính... Đây là sự dịch chuyển cần thiết để nhà đầu tư tin tưởng hơn ở sự bền vững.
Với cổ phiếu ngành Công nghệ cao, hàng thực sự chất lượng trên thị trường hiện nay chưa nhiều. Trong khi đó, hàng tiềm năng chủ yếu tập trung ở những dự án mà các quỹ đầu tư mạo hiểm ngắm đến trong thời gian qua. Ngành này cần nhiều vốn và chất xám, có giá trị sản phẩm cũng như khả năng sinh lời cao. Nhưng chính hàm lượng chất xám lại là hạn chế lớn nhất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong khi tuổi đời công nghệ rất khắc nghiệt, nhất là trước áp lực cạnh tranh hội nhập.
Tiêu điểm chung của thị trường và của ngành Công nghệ cao hiện nay là FPT, nhưng lợi nhuận từ sản phẩm công nghệ cao độc quyền của công ty này trong cơ cấu lợi nhuận chung hiện chưa đáng kể so với kinh doanh phân phối sản phẩm.
Một điểm khá bất ngờ là triển vọng hấp dẫn đầu tư cổ phiếu nhóm ngành Y tế theo đánh giá của bạn đọc lại ở mức khá khiêm tốn. Mới chỉ hơn một năm trước, đây là một trong những điểm thu hút đầu tư nhất trên thị trường (đặc biệt là nhóm dược phẩm).
Tuy nhiên, bên lề cuộc khảo sát này, một số nhận định khác cho rằng vị trí hấp dẫn của cổ phiếu nhóm ngành Y tế, cụ thể là ngành dược phẩm, sẽ nhanh chóng trở lại. Trong đó, điểm nhấn quan trọng có thể là cuộc đấu giá cổ phần Công ty Dược phẩn OPC vào ngày 30/1 này.