18:59 25/10/2021

Thách thức tăng trưởng kinh tế là rất lớn

Chu Khôi

Việt Nam không thể tiếp tục sử dụng các biện pháp chống dịch cực đoan được nữa. Triển vọng tăng trưởng kinh tế phụ thuộc lớn vào chiến lược ứng xử với đại dịch. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ an sinh xã hội và thúc đẩy đầu tư công cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phục hồi trong thời gian tới...

Dự báo tăng trưởng GDP của VEPR
Dự báo tăng trưởng GDP của VEPR

Đó là khẳng định của PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tại buổi tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 3/2021 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức mới đây.

Khái quát về tình hình kinh tế quý 3/2021, PGS.TS Phạm Thế Anh đưa ra những con số khá “ảm đạm”. Cụ thể, GDP quý 3 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực dịch vụ giảm 9,28%, công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng nhẹ 1,04%. Tăng trưởng của ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt 38,56%, cao nhất trong các ngành.

Các ngành còn lại đều tăng trưởng ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, trong đó dịch vụ ăn uống là ngành suy giảm mạnh nhất, giảm 54,8%; doanh thu và dịch vụ tiêu dùng giảm 28,3%. Trong quý 3, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 36,9 nghìn doanh nghiệp, giảm hơn 50,1% so với cùng năm trước.

Nợ xấu của Tổng các Ngân hàng đang niêm yết
Nợ xấu của Tổng các Ngân hàng đang niêm yết

Đề cập triển vọng kinh tế quý 4/2021, PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định, kinh tế suy giảm nghiêm trọng trong quý 3 kèm theo các hậu quả kinh tế xã hội nặng nề sẽ phải mất nhiều thời gian sau mới khắc phục được. Việc chuyển đơn hàng của một số doanh nghiệp FDI, sự rời bỏ thành phố của người lao động có thể trở thành vấn đề lâu dài nếu Việt Nam không có những thay đổi phù hợp.

 
Về hoạt động thương mại, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng tới 18,8% nhưng riêng quý 3 chỉ là 5,2%; kim ngạch nhập khẩu 9 tháng tăng 30,5%, riêng quý 3 là 22,6%. Sau 9 tháng, cán cân thương mại thâm hụt khoảng 2,55 tỷ USD (cùng kỳ năm trước thặng dư 16,66 tỷ USD).

Trong khi đó, sự gia tăng mạnh của giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics và phòng chống bệnh dịch, không sớm thì muộn, sẽ được chuyển vào giá tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự đứt gãy trong lưu thông hàng hóa, nông dân được mùa nhưng không tiêu thụ được sản phẩm khiến họ phải thu hẹp sản xuất. Đây là nguyên nhân có thể đẩy giá thực phẩm tăng cao vào dịp cuối năm.

Từ đó, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng thách thức tăng trưởng trong năm 2021 là rất lớn. Vì vậy, VEPR đưa ra hai kịch bản dự báo kinh tế 2021.

Trong kịch bản xấu, tức là bệnh dịch có nguy cơ tái bùng phát ở Việt Nam, khiến tình trạng “đóng – mở” lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca nhiễm bệnh, các đơn hàng tiếp tục rời khỏi Việt Nam do không đảm bảo được tiến độ sản xuất, tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra do người lao động còn bất an. Ở kịch bản này, tăng trưởng GDP cả năm sẽ chỉ 1,0-1,5%.

Với kịch bản tốt: cả nước thống nhất được các biện pháp thích ứng với bệnh dịch và vẫn đảm bảo sản xuất và lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy, các hoạt động sản xuất và tiêu dùng được hồi phục tuy chậm nhưng chắc chắn. Dự báo cho kịch bản này là, tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,0-2,5%.

 

#TCần có gói hỗ trợ đủ lớn để kích thích nền kinh tế 

TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia Kinh tế cao cấp
TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia Kinh tế cao cấp

"Để kinh tế quý 4 và năm 2022 phục hồi nhanh, cần có gói hỗ trợ đủ lớn và kích thích nền kinh tế. Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng gói cứu trợ lên mức 8-10% GDP. Rút kinh nghiệm các gói cứu trợ trước do có quá nhiều thủ tục giấy tờ, nên không kịp giải ngân cho các doanh nghiệp. Vì vậy, cứu trợ doanh nghiệp thời gian tới cần phải thông thoáng tối đa về mặt thủ tục, đồng thời phải nhằm vào các doanh nghiệp có khả năng hồi phục để mà hỗ trợ, tránh hỗ trợ những doanh nghiệp không còn khả năng gượng dậy và chắc chắn phá sản.

Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi sang kinh tế số, với việc kiện toàn Chính phủ điện tử để trợ giúp cho các doanh nghiệp, từ đó sẽ tạo sự liên kết tốt hơn cho chuỗi giá trị. Khi số hóa mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp đối tác mua hàng của nước ngoài".

 

 

Kiến nghị 10 giải pháp

PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

Tôi kiến nghị Chính phủ thực hiện ngay 10 giải pháp.

Thứ nhất, ngay lúc này, Chính phủ cà các tỉnh, thành phía Nam phải sớm cho hàng hóa được lưu thông tự do, tạo tiền đề cho phục hồi kinh tế. Trong đó, chú trọng vào ba làn sóng sắp tới: mua sắm cuối năm và Tết; các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh nên có nhu cầu mua sắm nguyên vật liệu, trang hoàng cửa hàng, xây dựng các công trình đang dở dang; học sinh sinh viên đi học trở lại kéo theo nhu cầu tiêu dùng rất lớn.

Thứ hai, các địa phương cần thực hành quyết liệt các nội dung Nghị quyết 128 của Chính phủ, không được đưa ra những quy định riêng gây cản trở hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, các địa phương nên mạnh dạn giao cho doanh nghiệp quyền tự chủ trong phục hồi sản xuất, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh.

Thứ tư, vai trò của các gói hỗ trợ kinh tế.

Thứ năm, các chính sách và giải pháp giữ chân các nhà đầu tư FDI.

Thứ sáu, cho phép các loại hình kinh doanh dịch vụ chưa cần thiết, như quán bia rượu, karaoke… từng bước hoạt động có điều kiện. 

Thứ bảy, xem xét cho học sinh, sinh viên đi học lại sớm.

Thứ tám, phải tiếp tục bao phủ vaccine, tiêm vaccine cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Thứ chín, tập trung ưu tiên các giải pháp bảo đảm các yếu tố đầu vào cho sản xuất như nhiên, nguyên liệu, kiềm chế rủi ro liên quan đến lạm phát và chi phí đẩy.

Thứ mười, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo hệ sinh thái tươi mới cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

 

 

Nợ xấu vẫn đáng lo ngại

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Nhìn lại kinh tế quý 3 tuy diễn biến rất xấu, nhưng cũng có những mặt tích cực. Trước hết, xuất khẩu vẫn tăng trưởng, nhờ các thị trường đối tác chính của chúng ta là Mỹ EU, Nhật Bản, Trung Quốc… đều phục hồi tương đối tốt. Nông nghiệp vẫn tăng trưởng.

Trong bối cảnh nền kinh tế rất xấu, nhưng đồng tiền Việt Nam tăng giá, cho thấy dù nhập siêu, nhưng ngoại tệ FDI và kiều hối về Việt Nam vẫn ổn. Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hợp lý chính sách điều hành tiền tệ.

 Lãi suất liên ngân hàng ghi nhận giảm mạnh trong quý 3/2021, phản ánh trạng thái thanh khoản duy trì dồi dào. Tín dụng 9 tháng tăng trưởng 7,42% -  đây là con số tương đối tích cực. Trong khi đó, thu ngân sách vẫn ổn, vẫn tăng.

Vấn đề đáng lo ngại là, tuy nợ xấu ngân hàng có độ trễ, nhưng đã bắt đầu tăng lên: nợ xấu cơ bản dự tính đến cuối năm 2021 khoảng 2,3%, nợ xấu gộp trong năm 2022 dự báo trên 7%. Tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán đang được kiểm soát chặt, nhưng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ bị ảnh hưởng mạnh bởi Covid mới là rủi ro chính gây ra nợ xấu. Ngoài sức ép lạm phát do chi phí đẩy, rủi ro bong bóng giá tài sản là một rào cản khác cho sự mở rộng tiền tệ trong thời gian tới.