12:19 31/08/2021

Cổ phiếu nhỏ xuất hiện chốt lời, đà tăng chững lại

Kim Phong

Phiên tăng thứ 3 liên tiếp bắt đầu có nhiều tín hiệu chốt lời ngắn hạn khi vòng bắt đáy đầu tiên có lời. Ngay cả các mã đầu cơ nhỏ cũng chững đà tăng, nhiều cổ phiếu quay đầu giảm...

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn đang tốt hơn mặt bằng chung, dù nhiều mã đã xuất hiện lực bán lớn kiềm chế đà tăng.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn đang tốt hơn mặt bằng chung, dù nhiều mã đã xuất hiện lực bán lớn kiềm chế đà tăng.

Phiên tăng thứ 3 liên tiếp bắt đầu có nhiều tín hiệu chốt lời ngắn hạn khi vòng bắt đáy đầu tiên có lời. Ngay cả các mã đầu cơ nhỏ cũng chững đà tăng, nhiều cổ phiếu quay đầu giảm.

VNSmallcap tiếp tục là chỉ số mạnh nhất sàn HoSE sáng nay, đang tăng 0,94% so với tham chiếu. Tuy nhiên rổ này chỉ còn 7 mã kịch trần thay vì hàng chục mã hôm qua.

Tuy nhiên thanh khoản ở các mã kịch trần đều thấp. Hầu hết cổ phiếu đều có thể thanh khoản, dư mua trần không nhiều. BMC, SAV, HCD, VMD, DBT, AGM, LSS là nhóm đang giữ được giá trần, chủ yếu là đang có dư bán trần. Thanh khoản tốt nhất là LSS với 37,5 tỷ đồng và DBT với 24,7 tỷ đồng.

Với mức tăng còn mạnh ở chỉ số đại diện, số lớn cổ phiếu trong rổ Smallcap cũng vẫn đang trên tham chiếu. Độ rộng của rổ ghi nhận 112 mã tăng/59 mã giảm. Tuy vậy chỉ có 67 cổ phiếu tăng trên 1%. Đối với rổ này mức tăng 1% là thấp. Những cổ phiếu thanh khoản lớn nhất đều đang xuất hiện áp lực lớn. NKG chốt phiên tăng 2,09%, thanh khoản cao nhất rổ với 247,4 tỷ đồng, thậm chí còn lọt top 10 thanh khoản toàn thị trường. Đà tăng giá của NKG đã bị đánh tụt một chút từ đỉnh tăng 2,75% đầu phiên.

Nhóm LCG, HAH, KSB, HDC, TLH, BCG... đều đứng top thanh khoản của rổ smallcap và trải qua rung lắc đáng kể. Giá chốt phiên vẫn tăng, nhưng đều bị ép xuống ở mức độ nhất định. Tổng giá trị khớp của rổ này đến cuối phiên sáng đạt 2.457,3 tỷ đồng, tương đương gần 70% mức giao dịch cả ngày hôm qua. Nhiều cổ phiếu thất bại rất nhanh sau 1-2 phiên tăng nóng như UDC, DAH, BIC...

Nhóm blue-chips gây chú ý với hiện tượng “lật mặt” ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. VCB quay đầu giảm 0,91%, TCB giảm 0,3%, TPB giảm 0,58%, MBB giảm 0,53%, CTG giảm 0,31%, BID giảm 0,89%, HDB giảm 0,75%... ACB và VPB là hai mã duy nhất của nhóm trong rổ VN30 còn tăng nhưng ảnh hưởng rất nhỏ.

VN30-Index may mắn thoát khỏi giảm điểm trong nửa sau phiên sáng nhờ HPG còn tăng tốt 1,44%. Cổ phiếu này góp cho VN30-Index tới xấp xỉ 2 điểm, trong khi chỉ số tăng 1,43 điểm tương đương 0,1%. Dù vậy toàn bộ mức tăng của HPG là diễn ra ngay trong 30 phút đầu tiên của đợt khớp lệnh liên tục, thời gian còn lại là giá cầm cự. Độ rộng của rổ cuối phiên sáng chỉ còn 11 mã tăng/14 mã giảm, dù đầu phiên duy nhất VJC giảm giá, còn lại đều tăng.

VN30-Index lại tỏ ra yếu ớt trở lại khi các mã ngân hàng cũng quay đầu.
VN30-Index lại tỏ ra yếu ớt trở lại khi các mã ngân hàng cũng quay đầu.

Thực tế rổ blue-chips sáng nay cũng không mạnh. VN30-Index tăng cao nhất chỉ trên tham chiếu 0,31%. Rất ít cổ phiếu tăng giá nổi bật thời điểm chỉ số đạt đỉnh, như BVH tăng 4,54%, MSN tăng 2,56%. Mức tụt giảm ở cổ phiếu lớn hơn nhiều so với chỉ số. VN30-Index trong buổi sáng hạ độ cao khoảng 0,34% so với đỉnh đầu phiên, nhưng có 10 mã đã bốc hơi hơn 1%. Nhóm ngân hàng đảo chiều khá mạnh, như VCB tuy giảm 0,91% so với tham chiếu, nhưng tụt giảm so với đỉnh tới 1,5%; TPB tụt khoảng 1,6%, MBB giảm 1,57%, BID giảm 1,26%...

Đặc biệt thanh khoản của rổ VN30 tiếp tục tụt giảm thêm 2% so với sáng hôm qua, chỉ đạt 4.065 tỷ đồng. KBC dẫn đầu thị trường về thanh khoản với 21,4 triệu cổ trị giá 891,3 tỷ đồng. HPG, VHM đều tụt giảm mạnh thanh khoản. Thanh khoản chung của sàn HoSE vẫn ghi nhận tăng 2,2%, đạt 12.309 tỷ đồng. Dòng tiền vẫn đang tập trung vào các cổ phiếu vừa và nhỏ.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng 208,9 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 14 tỷ bên HNX. MSN bị xả ròng lớn nhất với 115 tỷ đồng, hoàn toàn qua giao dịch khớp lệnh. Lực bán của khối ngoại là một trong những sức ép khiến giá MSN từ đỉnh đầu phiên tăng 2,56% tụt lại còn tăng 0,68%. Lượng bán của khối ngoại chiếm gần 61% thanh khoản MSN. VNM, HPG, KBC là các mã khác bị bán ròng trên 30 tỷ đồng. Phía mua có CTG với gần 38 tỷ là đáng kể duy nhất.