08:05 24/06/2021

Cổ phiếu Tesla đưa Nasdaq lên đỉnh cao lịch sử mới, S&P 500 giảm nhẹ

Bình Minh

Cả ba chỉ số đều đang ở vùng kỷ lục, nên giờ là lúc giới đầu tư tìm kiếm các dấu hiệu về đường đi của nền kinh tế cũng như các dự định của Fed.

Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Chỉ số Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (23/6), nhờ cổ phiếu Tesla tăng hơn 5%. Trong khi đó, hai chỉ số Dow Jones và Nasdaq cùng chốt phiên với mức giảm nhẹ.

Đây là phiên lập kỷ lục thứ hai liên tiếp của Nasdaq, dù thị trường có một phiên giao dịch trầm lắng sau những phiên “sóng gió” gần đây do sự thay đổi lập trường chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Cả ba chỉ số đều đang ở vùng kỷ lục, nên giờ là lúc giới đầu tư tìm kiếm các dấu hiệu về đường đi của nền kinh tế cũng như các dự định của Fed. Đó sẽ là cơ sở để nhà đầu tư xác định thị trường còn dư địa tăng bao nhiêu.

Lúc đóng cửa, S&P 500 giảm 0,1%, còn 4.241,84 điểm, thấp hơn 0,3% so với mức chốt phiên cao kỷ lục thiết lập vào tuần trước. Dow Jones giảm 0,2% còn 33.874,24 điểm. Nasdaq tăng 0,1%, đạt 14.271,73 điểm.

Đây là lần lập kỷ lục khi đóng cửa lần thứ 16 của Nasdaq trong năm 2021, tờ Wall Street Journal cho hay.

MỐI BĂN KHOĂN VỀ FED

Tăng là xu hướng chính của chứng khoán Mỹ trong năm nay, khi các chỉ số đồng loạt vượt xa khỏi mức đáy ghi nhận trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành ở nước này. Thị trường được nâng đỡ bởi tốc độ phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Fed, và những gói kích cầu khổng lồ từ Washington. SO với mức đáy ghi nhận vào tháng 3/2020, S&P 500 hiện đã tăng 90%.

 

“Tôi cho rằng thị trường vẫn đang vật lộn với những ý nghĩ về Fed. Thị trường mỗi ngày đều đón nhận các dữ liệu kinh tế, và cố gắng dựa vào những dữ liệu đó để đoán ý định của Fed”.

Giám đốc đầu tư Cliff Corso của Advisors Asset Management

Sau một đợt tăng kéo dài của thị trường, giới đầu tư bắt đầu tranh cãi về hướng đi của giá cổ phiếu trong thời gian tới. Tâm điểm chú ý của họ hiện nay là vấn đề lạm phát. Nếu lạm phát tăng nóng kéo dài, Fed có thể sẽ phải nâng lãi suất từ 0-0,25%, mức thấp kỷ lục được áp dụng như một biện pháp vực dậy nền kinh tế từ cú sốc mà Covid gây ra.

Tuần trước, cổ phiếu bị bán tháo ở Phố Wall sau khi Fed phát tín hiệu có thể nâng lãi suất trở lại trong năm 2023, thay vì từ năm 2024 như dự kiến trước đó, do kinh tế phục hồi mạnh và lạm phát tăng vọt.

Sau đó, chỉ số đã hồi lại trong tuần này, khi nhiều nhà đầu tư tin rằng kinh tế tăng trưởng mạnh sẽ nâng đỡ thị trường chứng khoán cho dù lãi suất có tăng đi chăng nữa. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm thứ Ba, Chủ tịch Fed Jerome Powell một lần nữa nhấn mạnh rằng lạm phát tăng mạnh gần đây có thể chỉ là vấn đề tạm thời.

“Tôi cho rằng thị trường vẫn đang vật lộn với những ý nghĩ về Fed”, Giám đốc đầu tư Cliff Corso của Advisors Asset Management phát biểu. “Thị trường mỗi ngày đều đón nhận các dữ liệu kinh tế, và cố gắng dựa vào những dữ liệu đó để đoán ý định của Fed”.

Cổ phiếu năng lượng tăng mạnh phiên này nhờ giá dầu thô lập đỉnh mới, sau khi dữ liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này trong tuần trước giảm 7,6 triệu thùng, mức giảm mạnh hơn dự báo, còn 459,1 triệu thùng.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,38 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, đạt 75,19 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu Brent kể từ tháng 10/2018.

Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 0,23 USD/thùng, tương đương tăng 0,3%, chốt ở 73,08 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI đạt 74,25 USD/thùng, cao nhất từ tháng 10/2018.

CỔ PHIẾU TĂNG TRƯỞNG HAY CỔ PHIẾU GIÁ TRỊ?

Nhà đầu tư hiện cũng đang loay hoay giữa việc mua cổ phiếu tăng trưởng hay cổ phiếu giá trị. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu giá trị - những cổ phiếu thường có mức giá thấp hơn so với giá trị thực – đã tăng giá nhiều hơn cổ phiếu tăng trưởng. Việc nền kinh tế mở cửa trở lại được cho là sẽ làm lợi nhiều hơn cho cổ phiếu giá trị.

Tuy nhiên, trong quý 2, cổ phiếu tăng trưởng lại đang lấy lại ưu thế đã có từ năm 2020. Chỉ số cổ phiếu tăng trưởng Russell 1000 Growth Index đã tăng 9,9% trong quý này, so với mức tăng chỉ 3,8% của chỉ số cổ phiếu giá trị Russell 1000 Value Index.

“Nhà đầu tư có thể đang trở nên thận trọng hơn với cổ phiếu tăng trưởng vì không còn nhiều dư địa cho những giao dịch dựa trên sự mở cửa trở lại”, nhà phân tích Anu Gaggar thuộc Commonwealth Financial Network nhận định.

Cũng theo bà Gaggar, một thông điệp khác đến từ sự dịch chuyển từ cổ phiếu giá trị sang cổ phiếu tăng trưởng là mối lo của thị trường rằng Fed có thể “quá tay” trong việc tăng lãi suất và theo đó gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế, đặt cổ phiếu giá trị vào thế rủi ro.

Cổ phiếu Tesla chốt phiên với mức tăng 5,3% sau khi có tên hãng khai trương ở Trung Quốc một trạm xạc xe điện sử dụng năng lượng mặt trời, có bộ trữ điện tại chỗ. Ngoài ra, tiền ảo Bitcoin hồi giá về ngưỡng hơn 33.000 USD, sau khi giảm dưới 30.000 USD, cũng hỗ trợ cho giá cổ phiếu Tesla, vì công ty này có đầu tư Bitcoin.

Trong số những cổ phiếu giảm giá mạnh phiên này, phải kể tới cổ phiếu Fannie Mae và Freddie Mac, hai công ty cho vay thế chấp nhà liên bang Mỹ. Mỗi cổ phiếu giảm hơn 30% sau khi Toà án Tối cao Mỹ bác yêu cầu của nhà đầu tư đòi đảo ngược quyết định của Chính phủ về chuyển lợi nhuận của hai công ty này vào Bộ Tài chính.

Thị trường chứng khoán châu Âu và Nhật Bản không có nhiều biến động trong phiên ngày thứ Tư. Chỉ số Stoxx Europ 600 của châu Âu giảm 0,7%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,1% và Hang Seng của Hồng Kông tăng 1,8%.