Cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục bay cao
Dòng tiền quay trở lại trạng thái yếu ớt, hai sàn khớp lệnh phiên này chỉ loanh quanh 10.000 tỷ đồng. Diễn biến giao dịch không kém, nhưng tiền ít khiến các blue-chips không thể bùng nổ được, dẫn đến đà tăng ở chỉ số bị hạn chế. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hưởng lợi trong tình huống này...
Dòng tiền quay trở lại trạng thái yếu ớt, hai sàn khớp lệnh phiên này chỉ loanh quanh 10.000 tỷ đồng. Diễn biến giao dịch không kém, nhưng tiền ít khiến các blue-chips không thể bùng nổ được, dẫn đến đà tăng ở chỉ số bị hạn chế. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hưởng lợi trong tình huống này.
VN-Index chốt phiên chỉ tăng 5,26 điểm tương đương 0,42% nhưng sàn HoSE có tới cả trăm cổ phiếu tăng trên 1%. Nhóm tăng trên 2% (50 mã) thì chỉ có 5 mã đạt thanh khoản quá 100 tỷ đồng, còn lại đều thấp.
BVH là cổ phiếu duy nhất trong rổ VN30 tăng bùng nổ 3,71%. Mã này cũng chỉ thuộc nhóm vốn hóa nhỏ nhất của rổ. Thậm chí thanh khoản của BVH hôm nay cũng chỉ đạt hơn 37,5 tỷ đồng, tương đương các cổ phiếu penny.
Dù vậy với đa số nhà đầu tư cá nhân, giá cổ phiếu tăng là điều tích cực nhất dù có thể mức phân bổ vốn vào đó không lớn hoặc giá trị tuyệt đối của khoản đầu tư cũng nhỏ. Việc lựa chọn cổ phiếu lúc này mang tính chất quyết định hiệu quả, thậm chí là có khả năng đi ngược dòng với chỉ số.
Cũng có khá nhiều cổ phiếu thu hút dòng tiền ấn tượng và giá tăng rất khỏe. BMP có phiên kịch trần đạt đỉnh cao lịch sử mới ở mức 133.700 đồng. Thanh khoản của cổ phiếu này xét theo khối lượng thì đạt mức cao nhất 20 tháng, nhưng theo giá trị thì là kỷ lục với 125,9 tỷ đồng. BMP cũng giống như FPT, không quan tâm gì đến việc VN-Index điều chỉnh ra sao, gặp khó ở ngưỡng nào vì hoàn toàn diễn biến gần như độc lập.
Một loạt cổ phiếu khác cổ phiếu khác hôm nay vượt xa diễn biến chung như YEG với 91,4 tỷ đồng thanh khoản, CSM với 59,1 tỷ, HTG với 19,3 tỷ, HTN với 13,1 tỷ, giá tất cả đều đóng cửa ở mức trần. Ngoài ra HAG tăng 4,9% khớp 90,1 tỷ; TLG tăng 4,26% với 39,8 tỷ; NVL tăng 3,96% với 78,5 tỷ; HVN tăng 3,92% với 131,2 tỷ, BFC tăng 3,79% với 45,7 tỷ là những mã nổi bật. Nhóm thanh khoản vài trăm triệu tới vài tỷ đồng thậm chí còn tăng giá dữ dội hơn.
Ảnh hưởng của các cổ phiếu tăng giá tốt nhất thị trường hôm nay chỉ có HVN là đáng kể. Mã này vốn hóa đứng thứ 21 trong VN-Index, cũng không lớn nhưng biên độ tăng 3,92% cũng đóng góp hơn 0,6 điểm cho chỉ số. HVN thậm chí vượt qua cả HPG tăng 1,12%. NVL nhỏ xíu là đại diện thứ hai không thuộc rổ blue-chips lọt vào Top 10 kéo điểm hôm nay, nhưng đem lại chưa tới 0,2 điểm.
Trong khi đó các trụ trừ HPG thì không đáng kể. VCB giảm 0,11%, GAS giảm 0,15%, VNM giảm 0,92%, GVR giảm 0,16%. Số tăng thuộc Top 10 vốn hóa là FPT, BID, CTG, TCB, VHM, VIC, VPB đều không đáng kể. VN30-Index kết phiên chỉ tăng 0,4%, kém xa mức tăng 0,72% của VNSmallcap hay mức tăng 0,59% của Midcap.
Nếu nhìn từ góc độ cơ hội tăng trưởng danh mục, VN-Index kết phiên với 263 mã tăng/135 mã giảm và gần 68% thanh khoản sàn HoSE tập trung ở nhóm tăng giá, cho thấy xác suất thành công là cao. Trong 263 mã xanh thậm chí tới 100 mã tăng hơn 1%, tập trung 34,1% thanh khoản sàn. Nói cách khác, dù chỉ số khá èo uột, dòng tiền tổng thể vận động chậm nhưng vẫn có những địa chỉ cụ thể thu hút được chú ý và diễn biến vượt trội.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay tăng mua khá tích cực, giải ngân thêm 774,2 tỷ đồng nữa trên sàn HoSE, tăng 62% so với phiên sáng. Trong khi đó giá trị bán ra chỉ tăng hơn 11%, đạt 804,5 tỷ đồng. Mức ròng tương ứng -30,3 tỷ, giảm rất nhiều so với con số -244,5 tỷ đồng buổi sáng.
Kể từ khi giá USD tăng vọt sau cuộc họp tháng 12 của FED, nhà đầu tư nước ngoài bán ra không có gì đặc biệt. Tuần trước là tuần tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF ngoại, khối này ghi nhận bán ròng tổng trên 3 sàn là 1.329 tỷ đồng. Hai tuần gần đây khối ngoại cũng bán ròng, nhưng mức độ nhỏ hơn nhiều các tuần thời điểm tháng 4-5 và tháng 11 vừa qua.