14:28 04/01/2022

Cổ phiếu xây dựng "bốc đầu" với gói đầu tư công gần 114.000 tỷ đồng

Kiều Linh

Dù quy mô gói hỗ trợ Chính Phủ chính thức trình Quốc hội không bằng với con số mà nhóm các chuyên gia đề xuất trước đó khoảng 445.000 tỷ đồng song thị trường phản ứng tích cực, cổ phiếu nhóm xây dựng hạ tầng đồng loạt bứt phá...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2022, tâm lý thị trường rất tích cực, VN-Index vượt đỉnh 1.500 điểm.

Nhóm cổ phiếu đầu tư công, xây dựng hạ tầng trăm hoa đua nở nhờ thông tin Chính phủ chính thức trình Quốc hội gói hồi phục kinh tế 350.000 tỷ đồng. Dù quy mô gói này không bằng so với gói mà trước đó nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các chuyên gia đề xuất khoảng 445.000 tỷ đồng tương đương với 5,48% GDP song riêng khoản chi cho đầu tư công gần 114.000 tỷ đồng, chiếm 32,5% gói hỗ trợ đã thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư với những doanh nghiệp ngành xây dựng, xây lắp, hạ tầng nhờ "cỗ máy tăng trưởng đầu tư công" này.

CỔ PHIẾU XÂY DỰNG ĐỒNG LOẠT BỨT PHÁ

Cụ thể, phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu HBC và FCN đồng loạt kịch trần. HBC thị giá đang ở vùng 32.350 đồng/cổ phiếu, tăng gần 7% so với phiên liền kề trước đó và tăng gấp 2 lần trong vòng 2 tháng qua. FCN cũng tăng gần 7 điểm, neo ở mức 29.400 điểm, và tăng 2 lần so với thời điểm cuối tháng 10. Hàng loạt cổ phiếu đầu tư xây dựng khác cũng bật tăng mạnh như CII táng 6%; CTD tăng 2,28%; VCG tăng 3,29%; VCG tăng 3%...

Như vậy, thị trường phản ứng tích cực với thông tin rò rỉ từ cuối tuần qua về gói kích thích kinh tế Chính phủ chính thức trình Quốc hội. Tại kỳ họp bất thường của Quốc hội diễn ra sáng nay (4/1), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Tờ trình của Chính phủ, chương trình gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023. Trong đó, chi cho phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển khoảng 113.850 tỷ đồng. 

Cổ phiếu xây dựng "bốc đầu" với gói đầu tư công gần 114.000 tỷ đồng  - Ảnh 1

Giải pháp chi tiết hơn nhằm thúc đẩy đầu tư xây dựng phát triển như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông là 103.164 tỷ đồng; Cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và đầu tư hạ tầng chuyển đổi số là 5.686 tỷ đồng; Hạ tầng phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai là 5.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, gói hỗ trợ tài khoá còn gồm đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm là 3.150 tỷ đồng. Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, viện và bệnh viện cấp trung ương là 14.000 tỷ đồng.

Tại cuộc họp bất thường, Chính phủ cũng trình Quốc hội xem xét cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình, cụ thể: Về danh mục các dự án đầu tư công, giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, quyết định điều chỉnh chủ trương theo thẩm quyền. Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi phân bổ và giao kế hoạch theo quy định của Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô lớn trong phạm vi Chương trình, cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp; khai thác mỏ khoáng sản để thực hiện dự án.

Đồng thời, phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho UBND một số địa phương thực hiện các đoạn tuyến/dự án đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn. 

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm các đoạn tuyến/dự án còn lại và tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước đoạn tuyến/dự án và phần vốn giao cho địa phương, nếu không sẽ tạo áp lực rất lớn cho Bộ Giao thông vận tải trong tổ chức thực hiện Chương trình. 

2022 SẼ LÀ NĂM CỦA CỔ PHIẾU ĐẦU TƯ XÂY DỰNG?

Về cơ bản, thị trường Xây dựng tại Việt Nam được phân loại theo 2 lĩnh vực chính: Dân dụng gồm nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng; Công nghiệp & Hạ tầng: Hạ tầng khu công nghiệp, nhà máy, công trình năng lượng (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng mặt trời, điện gió), công trình hạ tầng giao thông (đường sá, cầu, cống).

Thị trường xây dựng tại Việt Nam đạt giá trị 57,5 tỷ USD trong 2020 và dự kiến đạt 94.9 tỷ USD vào 2026, với tốc độ tăng trưởng bình quân dự kiến 8.7%/năm trong giai đoạn 2021- 2026. Ngành Xây dựng đóng góp tỷ trọng đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam, bình quân 8%/năm trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên ngành Xây dựng chỉ tăng trưởng 6.76% trong 2020, giảm 0,58% trong 9 tháng 2021 do tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Đánh giá về triển vọng cổ phiếu nhóm xây dựng mới đây, Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng nhóm cổ phiếu này có khả năng hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công của Chính phủ, hoặc gián tiếp từ tác động lan tỏa của chính sách này.

Trong năm 2021, kế hoạch vốn đầu tư công được giao của Bộ Giao thông Vận tải là 43.401 tỷ đồng và dự kiến đến hết tháng 01/2022 sẽ giải ngân đạt 96%. Cho năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công của Bộ Giao thông dự kiến là 50.000 tỷ đồng. Theo phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ này sẽ triển khai khởi công mới 67 dự án gồm: 6 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A, 51 dự án nhóm B, C.

Đáng chú ý đối với riêng dự án trọng điểm quốc gia: Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021- 2025, theo Tờ trình 519/TTr-CP ngày 15/11/2021 thì 12 dự án sau được Chính phủ trình Quốc hội đầu tư toàn bộ theo vốn Ngân sách Nhà nước. Chỉ trong thời gian hơn 2 tháng, phương án đầu tư cho 12 dự án này được thay đổi đến 3 lần.

MAS cho rằng việc trình Quốc hội về chuyển phương thức đầu tư của toàn bộ 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 thể hiện Chính phủ đang khẩn trương và quyết liệt sử dụng đầu tư công là một trong những công cụ kích cầu đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa cho nhiều nhóm ngành nghề, qua đó hỗ trợ phục hồi kinh tế. Vì thế những doanh nghiệp Xây dựng, Xây lắp, Hạ tầng đang niêm yết được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trong làn sóng đầu tư công của Chính phủ.

Trao đổi thêm với VnEconomy, ông Lê Quang Minh - Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhấn mạnh, năm 2022 sẽ là năm của nhóm ngành xây dựng. "Dòng tiền của các công ty xây dựng tốt dần lên, thông tin về các gói trúng thầu xuất hiện dày hơn đặc biệt là hạ tầng. Gói kích cầu, phục hồi kinh tế sẽ tập trung chủ yếu vào thúc đẩy cơ sở hạ tầng, do đó nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ được hưởng lợi", ông Minh nhấn mạnh..

Cổ phiếu xây dựng "bốc đầu" với gói đầu tư công gần 114.000 tỷ đồng  - Ảnh 2

Đồng quan điểm, Chứng khoán VnDirect cũng cho rằng, cổ phiếu nhóm xây dựng sẽ được hưởng lợi vào năm 2022. Trong các gói kích thích kinh tế sắp tới, Chính phủ đang có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công vào năm 2022 nhằm bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác. Dự kiến sẽ có 526 nghìn tỷ đồng giành cho giải ngân đầu tư công vào năm 2022 (+10% so với kế hoạch đầu tư công năm 2021). Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 15-25% so với giải ngân thực tế năm 2021.

"Chúng tôi kỳ vọng việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh từ cuối năm 2021 và trong suốt cả năm 2022 sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành xây dựng hạ tầng trong năm 2022", VnDirect nhấn mạnh.