20:01 06/02/2023

Cơ sở bán lẻ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng bắt buộc xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền

Trâm Anh

Nhằm quản chặt doanh thu trong nhiều lĩnh vực bán lẻ, trong giai đoạn 1, Bộ Tài chính đề nghị Hà Nội, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đạt 100% hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền gửi thẳng đến hệ thống cơ quan thuế trong các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, siêu thị, kinh doanh vàng bạc...

4.000 cơ sở kinh doanh triển khai giai đoạn 1 xuất trên 85 triệu hóa đơn điện tử.
4.000 cơ sở kinh doanh triển khai giai đoạn 1 xuất trên 85 triệu hóa đơn điện tử.

Thông tin tại cuộc họp giữa Bộ Tài chính và Bộ Công an triển khai giải pháp hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với một số hoạt động kinh doanh cung cấp hàng hoá, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết thực hiện chiến lược phát triển ngành thuế, trong những năm qua, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã triển khai thực hiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý thuế.

TỶ LỆ HOÁ ĐƠN ĐIỆN TỬ KHỞI TẠO TỪ MÁY TÍNH TIỀN THẤP

Theo đó, trong những năm qua, cơ quan thuế đổi mới hoàn toàn về thu thuế thương mại điện tử thông qua một loạt các chuỗi giải pháp đột phá đã được thực hiện từ hoá đơn điện tử đến sàn thương mại điện tử và hiện đang xây dựng cổng thông tin điện tử về thu thuế bất động sản.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc họp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc họp.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết trước mắt sẽ lựa chọn 3 đơn vị, gồm Hà Nội, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh phấn đấu 100% hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với một số hoạt động kinh doanh dịch vụ cung cấp hàng hoá, dịch vụ, trọng tâm là nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cửa hàng kinh doanh vàng bạc...

Thông tin chi tiết về lộ trình triển khai hoá đơn điện tử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, cho biết triển khai Luật Quản lý thuế 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC, từ ngày 1/7/2022 hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Theo đó, 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người tiêu dùng như trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ hàng tiêu dùng, ăn uống, nhà hàng khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác đều đã sử dụng hoá đơn điện tử.

 

Tính đến cuối tháng 1/2023, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là 2,8 tỷ hóa đơn điện tử, trong đó, 753,46 triệu hóa đơn điện tử có mã và gần 2,1 tỷ hóa đơn điện tử không mã.

Tuy nhiên, các hình thức hoá đơn điện tử thông thường như hoá đơn có mã, hoá đơn không mã triển khai trong thời gian qua chưa đáp ứng tốt một số hoạt động đặc thù, có thời gian hoạt động thường xuyên, liên tục, giá trị từng hoá đơn không nhiều nhưng số lượng hoá đơn rất lớn như hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí, siêu thị, ngành vàng...

Vì vậy, một cột mốc đáng chú ý là từ ngày 15/12/2022, để đáp ứng tốt hơn việc sử dụng hoá đơn điện tử của những ngành nghề đặc thù này, ngành thuế xây dựng giải pháp và chính thức vận hành hệ thống hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Kết quả sau hơn 1 tháng triển khai, đã có 62/63 cục thuế báo cáo kế hoạch triển khai giai đoạn 1 (đến hết tháng 3/2023), với tổng số người nộp thuế sẽ triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 3.943 cơ sở kinh doanh. Cùng với đó, 25/62 cục thuế đăng ký triển khai giai đoạn 1 chính thức phát sinh tiếp nhận đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử từ máy tính tiền.

Cũng theo Tổng cục Thuế, trong số 3.943 cơ sở kinh doanh đã đưa vào kế hoạch triển khai giai đoạn 1, có 805 cơ sở kinh doanh chính thức đăng ký và được chấp nhận đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử từ máy tính tiền trên hệ thống của cơ quan thuế, chiếm tỷ lệ 20%.

Tổng số hoá đơn điện tử đang sử dụng của 3.943 cơ sở kinh doanh là hơn 85 triệu hóa đơn điện tử, trong đó, chỉ có 544 hoá đơn điện tử là từ máy tính tiền đã được gửi đến hệ thống của cơ quan thuế.

 

"Tuy nhiên, 805 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử từ máy tính tiền nhưng vẫn đồng thời sử dụng các hình thức hóa đơn điện tử khác nên việc xuất hoá đơn điện tử từ máy tính tiền còn chưa nhiều", lãnh đạo Tổng cục Thuế thông tin.

Như vậy, "số liệu này là quá thấp so với yêu cầu cần phải chuyển đổi hình thức hoá đơn điện tử thông thường sang hình thức hoá đơn điện tử từ máy tính tiền,” ông Minh đánh giá.

Lý do của việc cơ sở kinh doanh sử dụng toàn bộ hoá đơn điện tử từ máy tính tiền còn thấp được đưa ra là do quy định hiện hành vẫn cho phép một cơ sở kinh doanh đồng thời được sử dụng nhiều hình thức hoá đơn điện tử.

Do các cơ sở kinh doanh cần có thời gian để nâng cấp, chuyển đổi phần mềm ứng dụng của các máy tính tiền tại từng điểm bán hàng để đồng nhất việc xuất hóa đơn từ máy tính tiền trên toàn hệ thống, đặc biệt là mô hình chuỗi, siêu thị.

BẮT BUỘC LẮP MÁY TÍNH TIỀN KẾT NỐI DỮ LIỆU HOÁ ĐƠN ĐIỆN TỬ

Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đồng thời tăng cường các biện pháp để quản lý doanh thu trong lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng, trọng tâm là nhà hàng, khách sạn, siêu thị, kinh doanh vàng bạc, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng cần tạo sự đồng thuận trong việc triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, hình thành thói quen tiêu dùng văn minh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Là một trong những địa phương đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử từ máy tính tiền, ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội, cho biết cục thuế thành phố đang triển khai sơ đồ hóa các hộ kinh doanh trên địa bàn.

"Giai đoạn tới sẽ đưa lên mạng công nghệ thông tin với mục tiêu có thể tra cứu được, từ đó giúp minh bạch trong quản lý thuế và giúp người dân, cơ quan quản lý có thể giám sát được", ông Sơn cho hay.

Phối hợp triển khai các giải pháp hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với một số hoạt động kinh doanh bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng, về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, cho biết Ngân hàng Nhà nước phối hợp tích cực với Bộ Tài chính chỉ đạo, đôn đốc tham gia cung cấp tài khoản của người nộp thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế có tài khoản ngân hàng. 

Chia sẻ với những khó khăn mà Bộ Tài chính, ngành thuế trong công tác quản lý thuế, đặc biệt là quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, cho rằng Bộ Tài chính đã rất nỗ lực, xây dựng Luật Quản lý thuế và các nghị định liên quan. Các giải pháp về hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với một số hoạt động kinh doanh cung cấp hàng hoá, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng là vô cùng gian nan và là xu thế thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam.

 

"Dù Luật Quản lý thuế đã quy định song việc triển khai các giải pháp hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với một số hoạt động kinh doanh hiện nay mới chỉ dừng lại ở động viên, khuyến khích chứ chưa bắt buộc. Do vậy, để triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới, cần đảm bảo tính pháp lý về vấn đề này trong các văn bản", Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định.

Đồng thời, về công cụ cho cơ quan nhà nước thực hiện, cần ban hành tiêu chuẩn lưu hành của các máy tính tiền đảm bảo tính khả thi và bảo mật... Cơ quan thuế cũng cần đảm bảo mỗi người dân có một mã số thuế đúng, kịp thời, quản lý và sẵn sàng kết nối, chia sẻ được.

Trước mắt, phía Bộ Công an đề xuất chia làm 3 nhóm dữ liệu gồm (i) nhóm dữ liệu hàng ngày phát sinh sẽ đưa vào kết nối luôn; (ii) nhóm dữ liệu đã yên tâm, sạch, có thể đưa vào kho dữ liệu chung; (iii) nhóm cần xác minh lại dữ liệu, cần đưa ra lộ trình để xác thực.

“Nếu làm được điều này thì chúng ta sẽ có một kho dữ liệu lớn về thuế, từ đó sẽ xây dựng được các giải pháp quản lý để chống thất thu thuế tối đa. Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xây dựng lộ trình tuyên truyền tập trung và tăng cường đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm trong quản lý thuế trong phạm vi được phân công”, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc ghi nhận và tiếp thu toàn bộ các ý kiến phát biểu của đại diện các đơn vị tại cuộc họp và cho biết ngay sau cuộc họp này, trên cơ sở các ý kiến tham gia, các đơn vị của Bộ Tài chính sẽ có cuộc họp bàn chi tiết về giải pháp thực hiện và tiếp tục lấy ý kiến các đơn vị liên quan.

Đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cho rằng cần nghiên cứu để đảm bảo tính pháp lý trong triển khai các giải pháp hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tiến tới quy định bắt buộc triển khai lắp máy tính tiền kết nối dữ liệu hoá đơn điện tử.

Đồng thời, "đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về Luật Quản lý thuế trong đó có quy định đã bán hàng là phải xuất hóa đơn, đã lắp máy tính tiền là phải kết nối, nếu không sẽ bị xử phạt", lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.