05:13 12/07/2010

“Có thể tin VEIL sẽ ở lại Việt Nam lâu hơn”

Minh Đức

Thông tin từ ông Phan Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital, về mối quan ngại trước khả năng thoái vốn của quỹ VEIL

Ông Phan Minh Tuấn trao đổi thông tin tại buổi tọa đàm - Ảnh: Quang Phúc.
Ông Phan Minh Tuấn trao đổi thông tin tại buổi tọa đàm - Ảnh: Quang Phúc.
Ngày 11/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán Việt Nam phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “10 năm đồng hành cùng thị trường chứng khoán Việt Nam”.

Tại buổi tọa đàm trên, ông Phan Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, đã có một số thông tin chia sẻ với báo giới trước thềm cuộc họp quyết định vào chiều 12/7 tại Tp.HCM, về “số phận” của quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), do Dragon Capital quản lý.

“Phải tìm mọi cách giữ lại”

“Chiều mai sẽ có thông tin chính thức. Cho đến hôm nay, trên cơ sở thông tin chúng tôi nhận được và những cái chúng tôi trao đổi với các nhà đầu tư trong hai quỹ (VEIL và VGF), thì tôi có thể tin tưởng chắc chắn rằng các quỹ đó sẽ còn ở lại Việt Nam lâu dài hơn”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng đặt vấn đề là tại sao VR Capital (quỹ đầu cơ của Nga, đầu mối tổ chức cuộc vận động để gây sức ép buộc VEIL thanh lý) lại đưa vấn đề này lên một cách mạnh mẽ như vậy?

Và đại diện trên của Dragon Capital nói rằng: “Chúng tôi không tìm ra được lời giải nào khác, mà chỉ có thể nói có lẽ họ gây scandal để nổi tiếng, đúng hơn là họ nghĩ rằng họ có thể quật đổ được những quỹ đầu tư mà đã có tiềm năng lâu dài và được sự ủng hộ của thị trường”.

“Sự kiện quỹ VEIL” đã thu hút sự chú ý của thị trường trong ba tuần qua. Thời điểm để có thể chính thức tháo gỡ những nghi ngại và chờ đợi kết quả cuối cùng là kết quả cuộc họp đại hội cổ đông thường niên diễn ra ngày 12/7 này tại Tp.HCM.

Qua sự kiện trên, theo ông Tuấn, có thể thấy các quỹ đầu tư nước ngoài hiện nay đóng một vai trò tương đối đáng kể với thị trường Việt Nam. Và việc quỹ này ở lại thị trường hay không sẽ có tầm quan trọng đối với thị trường chung.

“Trên thực tế mà nói, đó là “cơm gạo” của chúng tôi, chúng tôi phải tìm mọi cách để giữ lại. Nhưng chúng tôi lại chỉ có thể tin tưởng một điều rất quan trọng, nếu như chúng tôi làm theo đúng những suy nghĩ, những thông tin thật sự theo đúng cái tâm của mình thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ trở lại Việt Nam một bước như chúng tôi có nói là “cuộc chơi của thị trường chứng khoán Việt Nam - 10 năm mới chỉ bắt đầu”, ông Tuấn chia sẻ.

Chờ “làn sóng thứ 3”

Cùng với thông tin trước thềm cuộc họp quyết định đối với quỹ VEIL, ông Phan Minh Tuấn cũng đưa ra nhận định về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng như định hướng hoạt động của Dragon Capital.

Đại diện quỹ đầu tư này cho biết, qua đợt đi gọi vốn vừa qua tại Nhật, châu Âu và Mỹ, tiếp xúc với giới đầu tư, Dragon Capital có thể khẳng định rằng so sánh kinh tế toàn cầu hiện nay thì Đông Á và Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn.

Ông Tuấn phân tích, trong khi châu Âu nền kinh tế đang lắng dịu trở lại, Mỹ đang cố gắng kết hợp giải quyết vấn đề phát triển kinh tế với vấn đề việc làm của họ, thì Việt Nam có ổn định chính trị, có ổn định kinh tế, có những biện pháp định hướng đưa ra là tương đối chính xác. Sự tăng trưởng đều đặn của Việt Nam vẫn là tiềm năng thực sự. Chính vì vậy, theo ông, các quỹ đầu tư nào tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam thì chắc chắn lợi ích của họ còn tốt, còn phát triển.

“Chúng tôi tin 10 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị thị trường 40% GDP hiện nay theo chúng tôi mới chỉ là khởi đầu. Trong 3 năm tới đây chúng tôi tin là sẽ lên 70% GDP”, ông Tuấn đưa ra dự báo.

Theo đó, lãnh đạo của Dragon Capital nhìn nhận sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam theo 3 giai đoạn; từ năm 2000 - 2007 với sự hình thành và đến sự phấn khích; nối tiếp là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu và suy thoái, khó khăn cho đến nay.

Và giai đoạn sắp tới, được xác định từ năm 2011 về sau là “làn sóng thứ 3”, gắn với những định hướng và điều hành chính sách của Chính phủ Việt Nam; gắn với quá trình tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục tái cơ cấu các doanh nghiệp không hiệu quả. Và kỳ vọng được đặt ra là sự phát triển của nền kinh tế không chính thức, trong đó có thị trường chứng khoán, chiếm đến khoảng chừng 50% của nền kinh tế Việt Nam.

Việc đưa ra những dự báo, nhận định đó được ông Phan Minh Tuấn lý giải cho hoạt động của Dragon Capital tại đây là không chỉ nhìn vào ngắn hạn, mà phân tích và nắm bắt những tiềm năng phát triển dài hạn của thị trường.

“Trên thực tế, chúng tôi vẫn đang cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát triển những công cụ có lợi ích phát triển tốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Ví dụ chúng tôi sẽ làm việc cùng Bộ Tài chính để phát hành trái phiếu lô lớn, hay tìm ra những công cụ mới hỗ trợ thị trường, như quỹ mở, chứng khoán phái sinh…”, ông Tuấn cho biết.

Cụ thể hơn, việc công bố lập quỹ mới cuối tuần qua của Dragon Capital được vị đại diện này nhấn mạnh ở thông điệp: “Dragon Capital, một phần đại diện cho nhà đầu tư nước ngoài, khẳng định là tin tưởng vào sự phát triển của thị trường Việt Nam”.

Ngày 7/7 vừa qua, Dragon Capital đã ra mắt quỹ đầu tư cấp khu vực đầu tiên chuyên về năng lượng tái tạo, sản xuất nước sạch và xử lý chất thải tại Việt Nam với quy mô 45 triệu USD trong đợt huy động vốn đầu tiên.

Về quỹ mới, ông Tuấn nói: “Việc đưa ra quỹ đầu tư mới vừa qua là thông điệp khẳng định, ngoài việc các quỹ đầu tư nước ngoài chỉ chú trọng mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, thì họ cũng phải quan tâm đến nghĩa vụ của họ đối với thị trường, đối với toàn cầu khi hướng những khoản đầu tư đó không những mang lại lợi ích cho họ, mà còn cho lợi ích toàn cầu, năng lượng toàn cầu”.