"Cởi trói" nhiều quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Theo quy định mới, doanh nghiệp sẽ được phép phát hành trái phiếu thành nhiều đợt để huy động vốn, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
Doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu cũng không bắt buộc phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành như quy định trước đây.
Đây là một trong những điểm mới tại Nghị định số 163 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thay thế Nghị định số 90 trước đây, do Chính phủ vừa ban hành vào đầu tháng 12/2018.
Theo đó, Nghị định mới được cho là đã "cởi trói" cho doanh nghiệp bằng việc nới lỏng các điều kiện phát hành trái phiếu.
Cụ thể, Nghị định 90 trước đây đã bắt buộc các doanh nghiệp phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành thì mới được phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên theo quan điểm của nhiều doanh nghiệp, quy định này là rất chặt chẽ, bởi nhiều trường hợp doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu cho mục đích cơ cấu lại các khoản nợ đã không đáp ứng được điều kiện này nên không thể phát hành được trái phiếu để huy động vốn.
Chính vì vậy khi Nghị định 163 ra đời đã bãi bỏ điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành, đồng thời quy định cụ thể về điều kiện để doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu thành nhiều đợt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn làm nhiều đợt, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
Điểm mới thứ hai của Nghị định 163 là đã tách biệt rõ giữa kênh phát hành riêng lẻ và kênh phát hành ra công chúng. Theo đó, Nghị định cũ quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là phát hành trái phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc internet.
Tuy nhiên hầu hết các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp là phát hành theo phương thức riêng lẻ. Các doanh nghiệp không phát hành ra công chúng để huy động vốn. Một số doanh nghiệp thực hiện phát hành riêng lẻ sau đó niêm yết, giao dịch trái phiếu trên sở giao dịch chứng khoán để tránh việc phát hành trái phiếu ra công chúng.
Từ đó, Nghị định mới đã quy định trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư không bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhằm định hướng nhà đầu tư mua trái phiếu là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Cùng với đó, đối với giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, Nghị định mới cũng quy định trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi 100 nhà đầu tư trong vòng một năm kể từ ngày phát hành, sau một năm, trái phiếu được tự do giao dịch không bị hạn chế về số lượng nhà đầu tư.
Để quản lý số lượng nhà đầu tư, Nghị định quy định trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sau khi phát hành phải lưu ký trái phiếu tại tổ chức lưu ký trái phiếu được phép.
Mặc dù nới lỏng một số điều kiện về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, song Nghị định mới cũng có những quy định siết chặt hơn so với trước, đặc biệt là việc công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Cụ thể, Nghị định 163 quy định cụ thể về trách nhiệm và nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành cho nhà đầu tư và sở giao dịch chứng khoán, bao gồm công bố thông tin trước khi phát hành, công bố thông tin về kết quả phát hành, công bố thông tin định kỳ và công bố thông tin bất thường.
Nghị định mới cũng quy định về việc thiết lập chuyên trang thông tin tập trung về trái phiếu doanh nghiệp do sở giao dịch chứng khoán quản lý và vận hành trên cơ sở tận dụng cơ sở hạ tầng đã có sẵn để quản lý tập trung toàn bộ thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Những quy định này nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao tính công khai, minh bạch của việc huy động vốn trái phiếu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào huy động vốn.
Mặt khác, quy định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin một cách công khai cũng sẽ giúp các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý có thể tiếp cận được các thông tin một các toàn diện và đầy đủ nhất.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2017, dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tương đương 6,19% GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 20%-50% GDP của các nước trong khu vực và chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng còn nhỏ so với quy mô của kênh tín dụng ngân hàng (tương đương 130% GDP).
Nguyên nhân theo bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) là do các doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi huy động vốn trái phiếu, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bởi do thói quen và nhận thức của doanh nghiệp, cùng với việc quy trình, thủ tục vay vốn ngân hàng đơn giản hơn, chi phí có thể thấp hơn và đặc biệt là không phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin đối với nhà đầu tư mua trái phiếu.
Ngoài ra còn do cơ sở để nhà đầu tư đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa đa dạng, thiếu vắng các nhà đầu tư dài hạn, các nhà đầu tư có tổ chức, các quỹ đầu tư mục tiêu, quỹ hưu trí nên nhu cầu đầu tư trên thị trường thiếu bền vững...