Commonwealth Bank of Australia thôi làm cổ đông lớn của VIB, ước thu 8.000 tỷ
Ngân hàng TMCP Quốc tế (mã VIB-HOSE) thông báo Commonwealth Bank of Australia và Công ty Cổ phần Unicap không còn là cổ đông lớn.
Cụ thể: cổ đông ngoại Commonwealth Bank (CBA) đã bán ra 300 triệu cổ phiếu, qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu từ 440,2 triệu cổ phiếu, chiếm 14,77% xuống 140,2 triệu cổ phiếu, chiếm 4,7% và không còn là cổ đông lớn của VIB.
Giao dịch thực hiện ngày 29/10, ước tính công ty đã thu về khoảng 8.000 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại.
Cũng trong ngày 29/10, bà Tống Ngọc Mỹ Trâm không còn là người liên quan của Unicap, qua đó, tổ chức này và những người liên quan giảm sở hữu từ 222,55 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,47% vốn VIB) xuống 119,77 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,02% vốn VIB).
Trong số này, Unicap nắm giữ 60,22 triệu cổ phiếu, chiếm 2,02%; Bà Nguyễn Thùy Nga, Chủ tịch HĐQT Unicap và người liên quan là ông Trương Hồng Hải nắm giữ tổng số 59,5 triệu cổ phiếu, chiếm 1,99%.
Cùng trong ngày 29/10, Unicap và những người liên quan đã mua vào 85 triệu cổ phiếu VIB để nâng tổng số cổ phiếu nắm giữ lên 204,77 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,87% vốn VIB). Qua đó, nhóm nhà đầu tư này trở lại ghế cổ đông lớn.
Trong đó, Unicap nắm giữ 103,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,46% vốn VIB), bà Nguyễn Thùy Nga và ông Trương Hồng Hải nắm giữ tổng cộng 101,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,4% vốn VIB).
Trước đó, ngày 27/06/2024, VIB nhận được công văn của Ủy ban chứng khoán Nhà nước về việc cơ quan này đã nhận được hồ sơ thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của VIB tại mức 4,99% và tỷ lệ này có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Theo đó, từ ngày 1/7/2024, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài tại VIB vượt tỷ lệ 4,99% vốn điều lệ được tiếp tục duy trì, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài sở hữu số cổ phần vượt tỷ lệ 4,99% vốn điều lệ được tiếp tục duy trì cổ phần và tỷ lệ cổ phần, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép bán ra cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VIB bằng hoặc nhỏ hơn 4,99%, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phần hoặc mua cổ phần trong đợt phát hành thêm cổ đông hiện hữu hoặc VIB mua lại cổ phần theo quy định pháp luật và điều lệ VIB.
Ở chiều ngược lại, ông Hồ Vân Long - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc tài chính VIB vừa đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu VIB từ ngày 7/11 đến ngày 06/12/2024, nhằm mục đích gia tăng đầu tư tài sản giá trị.
Nếu giao dịch thành công, ông Long sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu lên 14,53 triệu cổ phiếu (chưa bao gồm 1,96 triệu cổ phiếu thưởng tỷ lệ 17% và gần 150.000 cổ phiếu thưởng theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty đang chờ về), tương ứng với tỷ lệ sở hữu 0,573% vốn tại VIB.
Tương tự, bà Nguyễn Minh Huệ - Giám đốc Phòng dịch vụ pháp lý về Vận hành và Quản trị doanh nghiệp kiêm Người được ủy quyền công bố thông tin thông báo đăng ký mua 100.000 cp.
Nếu thành công, số lượng cổ phiếu sẽ nắm giữ tăng thêm 131.356 cp - không bao gồm 4.973 cp thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 17% và 11.820 cp thưởng theo chương trình ESOP đang chờ về, chiếm 0,004%. Thời gian mua từ ngày 12/11- 30/11/2024, theo phương pháp thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Mới đây, VIB đã công bố kết quả kinh doanh quý 3 với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.599 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ (2.147 tỷ đồng), lũy kế 9 tháng năm 2024 đạt 5.283 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ (6.660 tỷ đồng).
Theo giải trình từ VIB, nguyên nhân là do thu nhập lãi thuần quý 3/2024 riêng lẻ và hợp nhất giảm 13% so với cùng kỳ; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong quý 3/2024 riêng lẻ và hợp nhất giảm 45% và 42% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, VIB tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nên lợi nhuận trên BCT riêng và hợp nhất giảm 26%.