14:38 05/01/2016

Con ơi, từ từ hãy… lớn!

PV

Con ơi, từ từ hãy… lớn! - Ảnh 1

Đã lớn nhưng… vẫn còn bé Cũng như các bạn cùng trang lứa, tất cả những gì mà cô bé Bống, 9 tuổi muốn làm là chơi trò thiết kế thời trang với các bạn hoặc các trò game trên máy tính. Bây giờ phải học cách dùng băng vệ sinh, phải lo âu về vùng nách khó coi hiển nhiên chẳng có gì là thú vị đối với cô bé. Mẹ của Bống, chị Phạm Mai Anh, kể lại nỗi bàng hoàng của chị 2 tháng trước, khi chỉ qua một đêm, đứa con gái bé bỏng của chị đã thấy dấu hiệu dậy thì. Người điều phối viên bán hàng 39 tuổi này nhất mực yêu cầu không ai được sử dụng tên thật của con mình. Chị nói trước lần đầu tiên đó, chị không hề phát hiện thấy bất cứ dấu hiệu dậy thì nào ở con mình cả. Những tháng sau đó là khoảng thời gian căng thẳng vô cùng đối với chị Phạm Mai Anh khi chị phải nói đi nói lại về những vấn đề vệ sinh cơ bản cho cô con gái “còn non nớt” của mình. “Con bé không chịu thay băng vệ sinh vì các bạn cháu ở trường không ai phải làm như thế. Tôi cứ phải liên tực kiểm tra và nhắc nhở cháu.” Chị Phạm Mai Anh nói con gái lớn của chị, hiện 12 tuổi, cũng lần đầu thấy kinh khi lên 10. Chị cho rằng cả hai con gái của mình còn quá bé để có thể đương đầu với tuổi dậy thì. Nhưng trường hợp của Bống cũng như chị gái em không phải là đặc biệt, trong những năm gần đây, việc trẻ dậy thì sớm đang trở nên phổ biến. Các chuyên gia cho rằng điều này là kết quả của chế độ nuôi dưỡng ngày càng tốt hơn.

Con ơi, từ từ hãy… lớn! - Ảnh 2

Nỗi lo “giới tính” Dù cho các bác sỹ đều khẳng định dậy thì sớm là điều hoàn toàn bình thường nhưng những bậc cha mẹ như chị Phạm Mai Anh vẫn cảm thấy những đứa trẻ mới 9 hay 10 tuổi còn quá non nớt để đối mặt với những thử thách về mặt cảm xúc ở tuổi dậy thì. Chị Trần Ngọc Liên, 40 tuổi, làm quản lý một cửa hàng lưu niệm, có 3 cô con gái và đã từng trải qua cảnh ngộ giống chị Phạm Phương Anh. Hai năm trước khi đứa con gái 9 tuổi của chị Ngọc Liên bắt đầu “nhú ngực”, chị đã thực sự hoảng hốt.
Phó giáo sư Lee Yung Seng (Khoa Đái đường và Nội tiết Nhi –Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore) cho rằng trẻ em ngày càng dậy thì sớm trong thời buổi hiện đại này. Hiện nay, các bé gái sẽ đến tuổi dậy thì trong tầm từ 8 đến 12 tuổi, các bé trai thì từ 9 đến 13 tuổi. Từ năm 2012 trở lại đây, các bệnh viện nhi đã thêm vào đề mục nghiên cứu của họ các triệu chứng của bệnh dậy thì sớm.
Chị Trần Ngọc Liên nói: “Đến tận năm 12 tuổi tôi mới mặc áo lót. Nhưng con gái tôi giờ mới 9 tuổi mà ngực đã nở.” Nhưng điều khiến chị Liên lo lắng hơn chính là việc bé Kem con chị đã thấy rất thích các bạn khác giới. Chị nói: “Cháu nó thậm chí còn chưa đến tuổi vị thành niên mà đã luôn mồm nói về các bạn trai. Tôi đã bảo cháu không được có những suy nghĩ tò mò về quan hệ nam nữ, nhưng thật không dễ để cháu làm theo lời khuyên của tôi. Cháu nó còn bảo tôi quá cổ hủ. Điều này thật sự đáng lo.” Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa từ Công ty Tư vấn tâm lý tình cảm Linh Tâm, cho rằng dậy thì khi còn ít tuổi có thể gây hại đến mặt xã hội và mặt tâm lý của trẻ. Bởi vì  thường thì những đứa trẻ như vậy sẽ bị bạn bè trêu chọc, hay trở nên thiếu tự tin và gặp phải những vấn đề hình ảnh bản thân. Điều này là do trẻ luôn muốn được hòa nhập vào chung một nhóm, nhưng sự thay đổi của cơ thể kèm theo sự dậy thì sớm khiến trẻ trở nên khác biệt so với các bạn. Vào thời điểm này, điều cả chị Mai Anh và chị Ngọc Liên mong muốn là giúp con mình lớn lên bình thường hết sức có thể, mặc dù thật sự họ chẳng biết phải giúp như thế nào. Chị Mai Anh chia sẻ: “Con gái tôi lớn quá nhanh. Nhưng cuối cùng tôi cũng chẳng thể làm gì được ngoài việc cứ để nó diễn ra tự nhiên.” Dậy thì sớm có thể coi là “bệnh” Điều đáng lo ngại đầu tiên với các trẻ dậy thì sớm là vấn đề sức khỏe. Vì các trẻ dậy thì sớm, cơ thể chưa phát triển đầy đủ đã gặp phải kích thích của hormone nội tiết kích thích quá trình tăng trưởng gây một số rối loạn. Trẻ dậy thì sớm thường có cơ thể nhỏ, lùn, có chiều cao thấp hơn tiêu chuẩn do hormone sinh dục kích thích sự phát triển của xương làm các đầu xương đóng sớm khiến trẻ không thể phát triển chiều cao.

Con ơi, từ từ hãy… lớn! - Ảnh 3

Ngoài ra, dậy thì sớm còn khiến ảnh hưởng trầm trọng đến tâm lý, tình cảm của trẻ. Trẻ dậy thì sớm dễ bị khủng hoảng cảm xúc và tâm lý, tâm trạng không ổn định, dễ cáu gắt, thích thể hiện cái tôi. Trẻ dễ bị hoang mang, lo lắng và tự ti về bản thân, nhất là thân hình của mình. Điều đáng lo ngại là các em nhỏ đang độ tuổi khám phá, còn non nớt chưa hiểu biết và dễ bị bạn bè trêu chọc khi tới trường. Việc này gây hậu quả khá nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hiện tại cũng như tâm lý và tính cách sau này của các trẻ. Đó còn chưa kể đến việc các trẻ đang trong độ tuổi học hỏi và khám phá bản thân, dậy thì sớm khiến trẻ hay tò mò, bắt chước chuyện của người lớn. Hiện nay khi mạng xã hội và thông tin tràn lan, dễ tiếp cận, trẻ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những văn hóa phẩm không lành mạnh trong khi chưa biết tự bảo vệ mình, rất dễ gặp nguy hiểm, bị xâm hại hoặc mang thai ngoài ý muốn.

Top 5 nguyên nhân có thể dẫn đến dậy thì sớm

   - Dư thừa các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày.
   - Ăn nhiều đồ ăn nhanh.
   - Sử dụng nhiều thuốc bổ.
   - Tiếp xúc sớm với những sản phẩm và văn hóa không phù hợp với lứa tuổi.
   - Ăn hoa quả trái mùa có chứa chất kích thích tăng trưởng, hoặc chất bảo quản.

Chuyện của mẹ và con gái Làm sao để giúp đứa con 8 tuổi hiểu về sự dậy thì? Có bình thường không khi cháu mới 10 tuổi đã thấy thích các bạn trai rồi? Sau đây là lời khuyên từ Bác sỹ NG SIAU HWEI (Viện UCMI, Singapore) về những gì phụ huynh có thể làm khi con họ lớn lên quá nhanh. Hỏi: Đứa con gái lớp 2 của tôi bắt đầu phát triển ngực. Tôi phải làm gì để chuẩn bị tinh thần cho cháu? Hãy giải thích cho cháu hiểu sự thay đổi về mặt thể chất của cơ thể cháu, dùng những từ ngữ dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi cháu. Hãy khẳng định với cháu rằng những thay đổi của tuổi dậy thì là hoàn toàn bình thường: Những gì mà cháu đang trải qua hiện giờ cũng là những gì mà các bạn cháu sẽ gặp phải không lâu sau nữa. Hãy bảo với con rằng lúc nào bạn cũng sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi và vấn đề của cháu, đồng thời hãy cho cháu cùng đi mua áo lót và băng vệ sinh. Mặc dù không cần cho giáo viên biết về tình hình của cháu nhưng giữ liên lạc thường xuyên với giáo viên cũng rất hữu ích. Họ sẽ là người giúp bạn để ý xem có ai chòng ghẹo cháu, hoặc để ý phát hiện những dấu hiệu cháu xấu hổ hay chán nản. Hỏi: Con gái tôi mới 10 tuổi mà đã tỏ ra rất thích các bạn trai. Tôi nên làm gì bây giờ? Khi dậy thì sớm, ở đứa trẻ sẽ có sự không cân đối giữa phát triển thể chất và trí não. Thường thì chúng vẫn sẽ chú ý đến bản thân mình hơn đến người khác. Ngồi ngẫm nghĩ về những vấn đề trìu tượng, như tình yêu đôi lứa hay khác biệt giới tính, là điều chưa hề có. Là phụ huynh bạn phải nhớ là con mình vẫn chỉ là một đứa trẻ. Hãy cho cháu tham gia những hoạt động xã hội và những trò chơi phù hợp lứa tuổi. Hãy coi những người bạn trai mà cháu đề cập đến chỉ là “bạn học” như bao nhiêu người bạn khác. Đừng để sự nuông chiều chi phối mà cho phép cháu ăn mặc giống người lớn như váy ngắn và áo trễ ngực. Càng không được khuyến khích cháu trang điểm và đánh móng tay. Hỏi: Con gái tôi không chịu dùng băng vệ sinh khi đi học, và mỗi lần tôi bảo cháu thay băng vệ sinh thì cháu đều tỏ ra tức tối. Làm sao bây giờ? Để giúp con hiểu cháu đang phải trải qua chuyện gì, bạn cần phải giải thích cho cháu về hiện tượng kinh nguyệt và tại sao lại cần phải dùng băng vệ sinh. Hãy cùng cháu thảo luận về đề tài này một cách tích cực. Con gái bạn có biểu hiện như thế có thể là vì cháu thấy xấu hổ khi phải dùng đến băng vệ sinh trong khi bạn bè của cháu thì chưa cần. Bạn có thể dắt cháu đi mua sắm và lựa cho cháu một chiếc hộp thật đẹp để cháu cất băng vệ sinh của mình. Thêm nữa, bạn cũng có thể bình thường hóa vấn đề này bằng cách cho con thấy là bản thân bạn cũng mang theo băng vệ sinh trong túi xách. Điều này sẽ làm dịu đi sự xấu hổ của cô bé.

Lưu Hà