"Cõng" lượng xe vượt năng lực thiết kế, nhiều cầu trên Quốc lộ 5 vẫn chờ vốn nâng cấp
Nhiều cầu vượt trên Quốc lộ 5 thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên bị lấn chiếm nghiêm trọng và vượt quá năng lực thiết kế do sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp, khu dân cư dọc hai bên tuyến. Tuy nhiên, do cần bố trí nguồn kinh phí lớn lên tới 50 tỷ đồng/cầu nên vẫn chưa thể cân đối nguồn lực...
Bộ Giao thông vận tải nhận được Văn bản số 160/ĐĐBQH-VP ngày 27/10/2022 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đề nghị Bộ quan tâm, bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp các cầu vượt trên Quốc lộ 5 thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên.
NHIỀU CẦU BỊ LẤN CHIẾM, QUÁ TẢI
Bộ Giao thông vận tải cho hay tuyến Quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Hưng Yên có 7 cầu vượt được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu lưu thông, đi lại của người dân trong các khu dân cư, công nghiệp, cơ quan hai bên Quốc lộ 5…
Theo đó, có 1 cầu dành cho người đi bộ, 3 cầu dành cho xe máy và người đi bộ, 3 cầu dành cho ôtô dưới 3,5 tấn, xe máy và người đi bộ. Trong đó, 3 cầu được xây dựng năm 2000; 1 cầu xây dựng năm 2004 và 2 cầu xây dựng năm 2014.
Trong quá trình quản lý, khai thác và bảo trì Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ theo quy định; vệ sinh sạch sẽ mặt cầu, khe co dãn, sơn lan can cầu, sơn bê tông thành cầu, lau và sơn hệ thống biển báo...
"Việc quản lý, bảo vệ hành lang cầu vượt được thực hiện thường xuyên, tuy nhiên, do các cầu này đều nằm ở các khu đông dân cư nên việc lấn chiếm gầm cầu, hành lang đường đầu cầu để kinh doanh vật liệu xây dựng, bán hàng rất nghiêm trọng", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ thực tế.
Chính vì vậy, đơn vị quản lý đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương để giải tỏa vi phạm hành lang cầu nhưng hiệu quả thấp. Việc lấn chiếm vẫn tái diễn, đặc biệt là cầu vượt tại Km16+970 và cầu vượt tại Km28+753.
Cũng theo báo cáo của cơ quan, đơn vị quản lý và khai thác, bảo trì trên tuyến Quốc lộ 5, hiện nay, các cầu vượt Quốc lộ 5 đoạn qua tỉnh Hưng Yên đang khai thác ổn định và phát huy hiệu quả đầu tư, thuận lợi cho việc kết nối việc đi lại của nhân dân.
Tuy nhiên, "do sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp, khu dân cư dọc hai bên tuyến Quốc lộ 5 nên lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên cầu đã vượt quá năng lực thiết kế", Bộ Giao thông vận tải nhận định.
Đồng thời, việc chính quyền địa phương không bố trí quỹ đất xây dựng đường gom nên khi nhu cầu của người và phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, một số cầu vượt trên tuyến đã không đáp ứng được nhu cầu kết nối giao thông…
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải cho rằng: "Nhu cầu cải tạo, nâng cấp các cầu vượt, bổ sung hệ thống đường gom để kết nối đồng bộ cầu vượt và các nút giao trên tuyến Quốc lộ 5 theo phương án đề xuất của cử tri tỉnh Hưng Yên là cần thiết trong giai đoạn khai thác tiếp theo".
KINH PHÍ NÂNG CẤP LỚN, KHÓ CÂN ĐỐI NGUỒN LỰC
Đối với đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp các cầu vượt dân sinh trên Quốc lộ 5 của cử tri tỉnh Hưng Yên, Bộ Giao thông vận tải cho biết trong các giai đoạn trước đây, cầu vượt dân sinh trên Quốc lộ 5 nói chung và 7 cầu vượt qua địa phận tỉnh Hưng Yên nói riêng được đầu tư, xây dựng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội các địa phương dọc hai bên tuyến.
Theo phương án đề xuất, việc cải tạo nâng cấp các cầu vượt qua Quốc lộ 5 cần nguồn kinh phí lớn, theo dự kiến của VIDIFI là khoảng 50 tỷ đồng/1 cầu, công việc giải phóng mặt bằng phức tạp...
"Trong khi đó, doanh thu từ nguồn thu phí trên Quốc lộ 5 chưa đảm bảo mức thu, đồng thời phương án tài chính của dự án BOT không có nội dung về cải tạo nâng cấp các cầu vượt qua Quốc lộ 5", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
"Trong điều kiện tình hình tài chính của VIDIFI còn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được ngân sách Trung ương bố trí cho Bộ Giao thông vận tải đã được cân đối, bố trí cho các dự án theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không còn nguồn vốn để bố trí cho các việc đầu tư cải tạo, nâng cấp các cầu vượt dân sinh trên Quốc lộ 5", Bộ Giao thông vận tải chia sẻ khó khăn.
Với những khó khăn như trên, để có thể triển khai được nhu cầu nâng cấp, cải tạo, kết nối các cầu vượt trên Quốc lộ 5 đoạn qua tỉnh Hưng Yên, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên có ý kiến với UBND tỉnh Hưng Yên nghiên cứu phương án nhận điều chuyển các cầu vượt dân sinh này thành tài sản của địa phương.
Từ đó, thực hiện công tác đầu tư, quản lý, sử dụng, bảo trì bằng nguồn ngân sách địa phương.
Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết sẽ chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện trong quá trình bảo trì.