Bộ Giao thông vận tải được giao giải ngân vốn đầu tư công kỷ lục gần 95.000 tỷ đồng năm 2023
Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải được giao 94.161 tỷ đồng vốn đầu tư công, lớn nhất từ trước tới nay, gấp 1,7 lần năm 2022. Tuy nhiên có 3 rủi ro rõ rệt được Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhận diện sẽ cản tiến độ giải ngân...
Ngày 17/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023”.
MŨI GIÁP CÔNG TỪ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Chia sẻ tại hội thảo, các ý kiến đều cho rằng việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công là những vấn đề quan trọng, bởi đây là một kênh có tác động lan tỏa tốt, giúp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong tình hình kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro gia tăng.
Nhìn lại kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang, khẳng định Bộ đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; kiện toàn công tác quản lý đầu tư xây dựng, công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Do đó, “giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ coi là một trong “5 mũi giáp công” để phục hồi kinh tế trong năm nay”, ông Sang nhấn mạnh.
Bật mí số vốn đầu tư công được Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ giải ngân năm 2023, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết Bộ được giao 94.161 tỷ đồng vốn đầu tư công.
“Đây là giá trị vốn được giao lớn nhất của Bộ Giao thông vận tải từ trước tới nay (gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021).
Việc giải ngân hết nguồn vốn được bố trí là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, thách thức đối với Bộ Giao thông vận tải, đặc biệt trong điều kiện tổ chức triển khai các dự án năm 2023 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đánh giá.
Nêu rõ rủi ro với giải ngân năm tới, lãnh đạo Giao thông vận tải nhìn nhận một là, nhu cầu về nguyên vật liệu tăng đột biến có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cấp khi Bộ Giao thông vận tải triển khai đồng loạt nhiều dự án có quy mô lớn tập trung tại một số khu vực.
Hai là, công tác giải phóng mặt bằng mặc dù đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính quan tâm chỉ đạo, các địa phương tích cực thực hiện, tuy nhiên đây vẫn luôn là công việc phức tạp, quá trình thực hiện có thể phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án.
Chẳng hạn, dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 hiện đang chậm tiến độ so với yêu cầu, đặc biệt trên địa tỉnh Phú Yên đến nay vẫn chưa giải ngân được vốn bố trí giải phóng mặt bằng.
Ba là, năng lực thực hiện của các chủ thể tham gia thực hiện dự án như: địa phương, Ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn… khó đáp ứng yêu cầu, khi khối lượng công việc lớn tập trung trong cùng một thời điểm.
TIẾN ĐỘ, CHẤT LƯỢNG DỰ ÁN GIAO THÔNG PHỤ THUỘC 4 YẾU TỐ
Thông tin tại hội nghị về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, cho biết đến nay Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân được khoảng 40.700/55.051 tỷ đồng kế hoạch (đạt khoảng 74%).
Dự kiến cả năm 2022 phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao, tương ứng khoảng 53.000 tỷ đồng, bảo đảm đúng mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định.
Nhờ lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thường xuyên bám sát hiện trường dự án, đốc thúc chủ đầu tư, ban quản lý dự án và phối hợp chặt chẽ với các địa phương mà dự án đi qua, năm 2022, ngành giao thông vận tải đạt được một số kết quả nổi bật.
Cụ thể, một là, Bộ Giao thông vận tải hoàn thành toàn bộ 5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải.
Hai là, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức thực hiện nhiều dự án trọng điểm, cấp bách như: đường cao tốc Bắc - Nam, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột…
Ba là, tập trung chỉ đạo, đôn đốc, giám sát chặt chẽ công tác giải ngân vốn đầu tư công.
"Kết quả Bộ Giao thông vận tải luôn nằm trong số các bộ, ngành đạt tỷ lệ giải ngân cao so với bình quân cả nước" Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Nhờ đó, nhiều công trình giao thông có quy mô lớn, tính chất quan trọng được đầu tư và đưa vào khai thác đã giúp kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng GDP, giảm chi phí, thời gian vận chuyển, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi vốn đầu tư công tăng lên 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm.
Ngoài các lợi ích trực tiếp khi các dự án hạ tầng giao thông được đưa vào vận hành khai thác, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công cho các dự án cũng có vai trò rất lớn trong việc tăng trưởng kinh tế. Thực tế tăng trưởng kinh tế của nước ta trong nhiều năm qua gắn liền với tỷ lệ tăng vốn đầu tư công.
"Thực tiễn cho thấy tiến độ, chất lượng, giá thành và hiệu quả đầu tư các dự án hạ tầng giao thông phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố. Cụ thể, (i) tiến độ giải phóng mặt bằng; (ii) điều kiện cung cấp vật liệu, điều kiện địa chất công trình, điều kiện thời tiết của các vùng miền; (iii) năng lực thực hiện của các chủ thể (chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu); (iv) khả năng cân đối, huy động vốn để thực hiện dự án", Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ.
Trong bối cảnh rủi ro, thách thức còn rất lớn, nhất là việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa của các quốc gia trên thế giới, biến động bất lợi về giá cả xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào..., việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là rất quan trọng, cấp thiết nhằm phục hồi nhanh và phát triển bền vững, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra.
Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Ban Chấp hành trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải ưu tiên thực hiện với trách nhiệm cao nhất.
Kinh nghiệm cho thấy, khi có sự quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp trong cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện thì các dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ, chất lượng, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Trong những năm gần đây tỷ lệ và giá trị giải ngân vốn đầu tư công của cả nước cũng như của Bộ Giao thông vận tải tăng dần qua các năm và đứng top đầu giải ngân cả nước, tuy nhiên đều không đạt 100% kế hoạch đề ra.
Cụ thể, năm 2019, Bộ Giao thông vận tải giải ngân 26.575/30.134 tỷ đồng (88,2%) trong khi cả nước giải ngân 325.111,43 tỷ đồng (76,75%). Năm 2020, Bộ Giao thông vận tải giải ngân 35.209/36.122 tỷ đồng (97,5%), cả nước giải ngân 455.031,1 tỷ đồng (81,59%). Còn năm 2021, Bộ Giao thông vận tải giải ngân 40.300/42.996 tỷ đồng (93,7%), cả nước giải ngân 417.702,1 tỷ đồng (92,34%).