11:52 03/09/2008

Công nghệ thông tin cho du lịch cần đầu tư tương xứng

Việc ứng dụng công nghệ thông tin ở các khách sạn Việt Nam rất “nghèo” so với thế giới

Khách hàng đang sử dụng dịch vụ Link@Sheraton tại Khách sạn Saigon Sheraton.
Khách hàng đang sử dụng dịch vụ Link@Sheraton tại Khách sạn Saigon Sheraton.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh của các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, cụ thể là khách sạn và lữ hành, đã có sự phát triển đáng kể, đặc biệt từ năm 2007 đến nay.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng sự phát triển này vẫn chưa đúng tầm và đồng bộ...

Từ khách sạn...

Cuối tháng Bảy vừa qua, khách sạn năm sao Saigon Sheraton đã chính thức đưa vào sử dụng dịch vụ tiện ích Link@Sheraton với sự hợp tác của Microsoft. Với hệ thống máy tính được tích hợp công nghệ Microsoft Wi-Fi đa chức năng với thiết bị Ethernet và Webcam, Link@Sheraton cho phép khách hàng truy cập thông tin, tán gẫu (chat) hay làm việc với dải băng thông rộng lên đến 6Mb.

“Chúng tôi mong muốn mang đến cho khách hàng những điều kiện sống và làm việc như chính tại nhà của họ trong suốt thời gian họ lưu trú tại khách sạn,” ông Dietmar Kielnhofer, Tổng quản lý Saigon Sheraton, cho biết.

Trước đó không lâu, Duxton Saigon, một khách sạn cao cấp khác ở Tp.HCM, cũng đã giới thiệu trang blog của mình. Với tên gọi “Trái tim của Sài Gòn”, blog này cung cấp cho khách hàng những thông tin về hoạt động của khách sạn như bán hàng, khuyến mại cùng những thông tin về Tp.HCM.

Sheraton và Duxton chỉ là hai trong nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Tp.HCM cũng như trên cả nước thời gian gần đây đã đầu tư mạnh cho công nghệ thông tin, chủ yếu là những tiện ích Internet trong khách sạn và dịch vụ đặt phòng trực tuyến.

Theo ông Tim Russell, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị của Duxton Saigon, ngoài việc phục vụ khách hàng chu đáo hơn, các tiện ích Internet còn đem lại những lợi ích to lớn cho khách sạn, từ hoạt động tiếp thị cho đến việc xây dựng thương hiệu và giao tiếp với khách hàng.

Ông Stuart Murphy, Giám đốc điều hành các khu nghỉ dưỡng của Life Resort Việt Nam, cũng cho biết sau mỗi lần nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, thành quả mà Life Resort Việt Nam đạt được là giảm thiểu mức thiệt hại do việc hủy phòng mà không báo trước của khách gây ra.

Albert Kaindlbauer, Tổng quản lý của khách sạn Renaissance Riverside, cũng có ý kiến tương tự khi cho biết đã có một sự chuyển biến lớn trong cách đặt phòng ở khách sạn này. “Các cuộc điện thoại hay fax ngày càng ít đi và giao dịch trực tuyến ngày một nhiều hơn,” ông nói.

Với khoản đầu tư 20.000 Đô la Mỹ mỗi năm cho các hoạt động công nghệ thông tin, Victoria Hotels & Resorts, hiện đang quản lý năm khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam và một khách sạn ở Campuchia, cho thấy trong những năm qua, công nghệ thông tin đã góp một phần quan trọng vào sự thành công trong kinh doanh cũng như tiếp thị hình ảnh những nơi này.

“Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thành hệ thống đặt phòng trực tuyến, cho phép khách hàng xác nhận việc đặt phòng trên trang web www.victorihotels.asia,” Alex Hysbergue, Giám đốc công nghệ thông tin của Victoria Hotels & Resorts, cho biết.

... đến lữ hành

Giống như khách sạn, các công ty lữ hành cũng đang cạnh tranh nhau thông qua việc phát triển hệ thống bán tour trực tiếp qua mạng và các dịch vụ tiện ích khác.

Theo thông tin từ Công ty Du lịch Vietravel, trong năm 2007, công ty đã đầu tư khoảng 4 tỷ đồng cho các dự án công nghệ thông tin dài hạn. Một trong số đó là tiếp tục nâng cấp trang web www.travel.com.vn, mạng bán tour trực tuyến, để tạo nên một diện mạo mới: trực quan, năng động và thân thiện hơn.

Tại trang web này du khách có thể tham khảo thông tin về tour, tuyến, chương trình khuyến mại, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa trong và ngoài nước.

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Giám đốc Trung tâm E-tour của Vietravel, cho biết: “Không cần phải đến trụ sở hay chi nhánh công ty, du khách vẫn có thể đặt, mua tour và tham khảo thông tin trực tuyến ngay tại trang web này một cách nhanh chóng”.

Thế nên khi mới hoạt động được 30 ngày, www.travel.com.vn đã thu hút được 10.000 phiếu đặt tour trực tuyến và gần 500 lượt khách đi tour. Và chỉ sau gần sáu tháng, trang web này đã có hơn 400.000 lượt truy cập. Hiện tại, trung bình mỗi ngày www.travel.com.vn có trên dưới 10.000 lượt truy cập.

Hiện nay, Vietravel cũng đang chuẩn bị hệ thống cơ sở dữ liệu để xây dựng hệ thống E-office – được xem như là một văn phòng trực tuyến, nhân viên chỉ cần đăng nhập và khai thác dữ liệu cần thiết từ bất kỳ nơi nào để phục vụ cho công việc.

Một doanh nghiệp lữ hành khác cũng đang rất thành công với việc kinh doanh thông qua hệ thống mạng trực tuyến là Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist. Công ty đã chính thức đưa vào hoạt động trang web www.dulichkhuyenmai.com từ quý 1 năm ngoái. Trang web này tập hợp những thông tin khuyến mại mới nhất về các tour du lịch trong và ngoài nước, việc thuê xe, việc mua vé máy bay...

Du khách cũng có thể tham khảo các nội dung tư vấn về du lịch hoặc gửi câu hỏi yêu cầu tư vấn trong vòng 24 giờ, cập nhật thông tin, sự kiện du lịch hằng ngày trong mục Đọc báo du lịch...

Saigontourist hiện đang vận  hành bốn trang web du lịch chuyên mục: www.dulichtet.com, www.dulichhe.com, www.dulichkhuyenmai.com, www.dulichthudong.com, thu hút gần hai triệu lượt người truy cập mỗi năm.

Khi blog trở thành cơn sốt, Saigontourist cũng chớp thời cơ tung ra blog du lịch miễn phí www.blogdulich.com. Chưa đầy một tháng sau, cách tiếp thị này đã thu hút gần 200 người đăng ký làm blogger thành viên, với hơn 100 bài viết, thu hút 12.689 lượt truy cập.

Các trang web du lịch sử dụng công nghệ E-tour ngày càng nở rộ, nhiều trang trở nên phổ biến như www.dulichvn.org.vn, www.hanoitourist-travel.com, www.vietnamtourist.com.vn, www.hotels84.com, www.webdulich.com.

Bên cạnh đó, một số khách sạn đã tiếp cận với tiếp thị du lịch trực tuyến qua các cổng thông tin du lịch như www.worldhotel-link.com, www.hotels.com.vn...

Đi tìm giải pháp

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp và quan chức ngành du lịch, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này dù đã được quan tâm và cải thiện một cách đáng kể nhưng vẫn chưa mang tính đồng bộ, mức độ đầu tư chưa tương xứng với quy mô, phần lớn chỉ mới đạt ở mức cơ bản.

Có thể nói rằng, hiện nay ngoài Vietravel và Saigontourist có các trang web bán tour trực tuyến là thực sự có ích, các doanh nghiệp khác dường như vẫn đang loay hoay với bài toán công nghệ và tiền vốn.

Trang web của Fiditour cũng là một trang web có nội dung khá phong phú, nhưng tốc độ truy cập rất chậm, trong khi trang web của Công ty Carnival cập nhật rất nhanh các chương trình tour mới nhưng ngoài hình ảnh, chi tiết chương trình tour, giá cả... trang web này chưa được khai thác hết tiềm năng.

Bên cạnh đó có một vấn đề chung mà tất cả các web này gặp phải, kể cả của Vietravel và Saigontourist, là không có phiên bản tiếng Anh hoặc nếu có thì rất sơ sài nên khó thu hút được du khách nước ngoài.

Các doanh nghiệp và nhà quản lý khách sạn cũng cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng vẫn chưa xứng tầm. Tim Russell cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin ở các khách sạn Việt Nam rất “nghèo” so với thế giới.

“Ở các khách sạn cao cấp trên thế giới, bình quân 30% lượng đặt phòng đến từ mạng trực tuyến; trong khi ở Việt Nam con số này thậm chí chưa đạt 5%,” ông nói.

Theo ông Alex Hysbergue, ở một thị trường như Việt Nam, nơi mà theo “ngôn ngữ công nghệ thông tin” là rất lạc hậu, hầu hết các giải pháp công nghệ đang phổ biến trên thế giới đều không được khai thác hết công năng, thì khả năng hoàn vốn đầu tư là rất thấp; hơn nữa, sự lạc hậu này còn đồng nghĩa với nguy cơ về an ninh mạng.  

Cuối tháng Bảy vừa qua, Công ty Comanche của Thái Lan đã chính thức cung cấp các giải pháp phần mềm quản lý du lịch, khách sạn thông qua nhà phân phối tại Việt Nam là Công ty DOT VN. Các giải pháp phần mềm của Comanche đã được áp dụng ở hơn 400 khách sạn với quy mô từ 50 phòng tới 1.300 phòng ở Singapore, Úc, Hồng Kông, Indonesia, Trung Quốc, Nhật...

Hợp tác với những công ty như Comanche có thể là một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp ngành du lịch Việt Nam cần làm để phát triển việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc kinh doanh của mình.

Với doanh thu hơn 2 tỷ Đô la mỗi năm, trong khi lượng khách nước ngoài đến Việt Nam ngày càng nhiều, du lịch là “miền đất hứa” cho việc ứng dụng công nghệ thông tin. Do vậy, theo các chuyên gia, các khách sạn phải tiếp tục nâng cao công nghệ đặt phòng qua mạng, trong khi các công ty lữ hành phải phát triển hơn nữa hệ thống bán tour trực tuyến.

Một điều mà các doanh nghiệp khách sạn lẫn lữ hành rất mong muốn làm là tìm tiếng nói chung với các cơ quan chức năng liên quan trong việc triển khai các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch.

(Theo TBKTSG)