13:17 09/12/2022

Công nghệ và thiết kế tạo động lực phục hồi, tăng trưởng trong kỷ nguyên mới

Hồng Vinh

Đổi mới sáng tạo, gắn liền với tư duy thiết kế, ứng dụng công nghệ mới là động lực thúc đẩy quá trình kinh tế xã hội diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ và hiệu quả hơn…

Các diễn giả tại thảo luận chủ đề “Metaverse - Thành phố của ngày mai (City of Tomorrow)” ở điểm Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh sáng 9/12.
Các diễn giả tại thảo luận chủ đề “Metaverse - Thành phố của ngày mai (City of Tomorrow)” ở điểm Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh sáng 9/12.

Sáng 9/12, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức Hội thảo khoa học Resilience by Technology and Design (“Công nghệ và thiết kế - Động lực phục hồi và tăng trưởng trong kỷ nguyên mới”). Đây là hội thảo quốc tế, nằm trong chuỗi chương trình Ready for Next 2022 do UEH tổ chức từ ngày 4-11/12/2022. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến và tại UEH.

ĐỘNG LỰC MỚI THÚC ĐẨY KINH TẾ PHÁT TRIỂN

Năm 2022 đã diễn ra quá trình thích ứng và phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu sau một thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Vì vậy, “resilience” một từ khóa được thảo luận rất sôi nổi trong giới học giả và các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước.

Ngoài ra, việc tăng cường khả năng phục hồi cho các doanh nghiệp bằng giải pháp khoa học, công nghệ và thiết kế cũng là một trong những chủ “nóng” hiện nay đang thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học, học giả và giới doanh nhân Việt Nam, cũng như thế giới.

 

“Đây cũng là dịp để lan tỏa tri thức, truyền cảm hứng sáng tạo, đồng thời chuyển giao những nghiên cứu, công cụ, giải pháp về công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tăng cường sự linh hoạt, khả năng thích ứng, hướng đến một cuộc sống thông minh và một cộng đồng bền vững trong bối cảnh của một thế giới nhiều biến động.”

GS.TS. Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh.

Tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh (UEH), Chủ tịch danh dự Hội thảo Khoa học Quốc tế “Resilience by Technology and Design” cho biết: Với quyết tâm của đội ngũ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, hội đồng khoa học, Hội thảo Resilience by Technology and Design năm 2022 sẽ không chỉ mang tính học thuật, theo chuẩn mực quốc tế mà còn mong muốn thấy được những giải pháp, ứng dụng công nghệ gắn liền với thực tiễn, hướng đến các giải pháp căn cơ, bền vững để giải quyết các vấn đề phát triển của nước ta, tạo những động cơ tăng trưởng mới.

“Đây cũng là dịp để lan tỏa tri thức, truyền cảm hứng sáng tạo, đồng thời chuyển giao những nghiên cứu, công cụ, giải pháp về công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tăng cường sự linh hoạt, khả năng thích ứng, hướng đến một cuộc sống thông minh và một cộng đồng bền vững trong bối cảnh của một thế giới nhiều biến động”, GS.TS. Nguyễn Đông Phong cho biết thêm.

Tại Hội thảo, các diễn giả cho rằng, hiệu ứng tự nhiên, vốn có của các hoạt động kinh tế xã hội sau một thời gian bị dồn nén thì sự bùng nổ và hồi phục nhanh chóng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng được đặt ra là làm thế nào tìm kiếm những giải pháp thích ứng mang tính bền vững để trở thành động lực phục hồi và tăng trưởng trong hiện tại và tương lai.

Phần lớn các quan điểm được thảo luận gần đây đều cho rằng đổi mới sáng tạo, gắn liền với tư duy thiết kế, ứng dụng các công nghệ mới chính là động lực thúc đẩy các quá trình kinh tế xã hội diễn ra một cách nhanh chóng, mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Và đó cũng chính là động lực mới để thúc đẩy các nền kinh tế phát triển trong kỷ nguyên 4.0.

METAVERSE - THÀNH PHỐ CỦA NGÀY MAI

Trong khuôn khổ Hội thảo Resilience by Technology and Design, thảo luận chủ đề “Metaverse - Thành phố của ngày mai (City of Tomorrow)” đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả, sinh viên nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp.

Theo diễn giả Hoseon Chae (Seoul, Hàn Quốc), trong những năm trở lại đây, nhiều người xem Metaverse là tương lai của mạng Internet, một số khác thì coi Metaverse chỉ là một hình thức khác của trò chơi điện tử. Thế nhưng, bất chấp các tranh luận đang diễn ra, thành phố Seoul của Hàn Quốc đã công bố kế hoạch phát triển phiên bản Metaverse của riêng mình, biến Seoul thành đại đô thị đầu tiên tiến vào lĩnh vực Metaverse.

 

“Đến năm 2026, thủ đô Hàn Quốc đặt mục tiêu xây dựng hoàn thiện môi trường Metaverse cho tất các các dịch vụ công, bao gồm cả các dịch vụ về kinh tế, giáo dục, văn hóa và du lịch. Phiên bản thử nghiệm đã được tung ra cho tất cả người dân vào cuối năm 2022.”

Diễn giả Hoseon Chae. 

“Đến năm 2026, thủ đô Hàn Quốc đặt mục tiêu xây dựng hoàn thiện môi trường Metaverse cho tất các các dịch vụ công, bao gồm cả các dịch vụ về kinh tế, giáo dục, văn hóa và du lịch. Phiên bản thử nghiệm đã được tung ra cho tất cả người dân vào cuối năm 2022”, Hoseon Chae chia sẻ.

Ngoài ra, chủ đề “Smart Living” nhằm lan tỏa tri thức và đề xuất những giải pháp về công nghệ và thiết kế để tăng cường sự linh hoạt, khả năng thích ứng, hướng đến một cuộc sống thông minh trong bối cảnh của một thế giới nhiều biến động. Đó sẽ là động lực tăng trưởng và phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam cũng như các nước trong kỷ nguyên mới.

Bên cạnh đó, “Smart Living” còn nhận được sự quan tâm sâu sắc từ đông đảo các nhà nghiên cứu, học giả, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước bởi chủ đề không chỉ mang giá trị khoa học mà còn mang tính thực tiễn và ứng dụng cao. Chẳng hạn như: Thiết kế khả năng phục hồi trong kiến trúc và đô thị thông minh; Công nghệ phục hồi; Thiết kế và công nghệ hướng đến sự đồng nhất; Đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự chuyển dịch sang các cộng đồng có khả năng phục hồi… Hội đồng Khoa học của Hội thảo Resilience by Technology and Design 2022 có sự tham gia của hơn 30 thành viên là các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Thái Lan, Ý và Pháp.