Công nghiệp Hà Tĩnh khó chồng thêm khó
Trong tháng 1/2025, một số ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh này như sản xuất kim loại, sản xuất điện gặp khó khăn, chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước…
![Ảnh minh hoạ](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/14/765.jpg)
Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh, bước sang năm mới 2025, ngành công nghiệp của tỉnh này vẫn còn những khó khăn, thách thức như: Sản phẩm mới pack pin còn phụ thuộc vào thị trường; nhà máy thép Formosa gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu thép ra thị trường trong và ngoài nước. Sản xuất công nghiệp chưa đạt kỳ vọng chủ yếu do sản xuất thép.
Ở chiều ngược lại có nhiều tín hiệu tích cực như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II dự kiến vận hành sản xuất Tổ máy số 1 vào quý III, Tổ máy số 2 vào quý IV; nhà máy lithium dự kiến đi vào sản xuất kinh doanh trong quý I năm 2025.
Ước tính tháng 1/2025, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của Hà Tĩnh giảm 4,74% so với tháng trước và giảm 9,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng ước giảm 30,47% so với tháng trước và tăng 61,28% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước giảm 1,6% so với tháng trước và giảm 10,42% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện dự tính giảm 15,62% so với tháng trước và giảm 12,67% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước và xả lý rác thải dự ước tăng 1.96% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 5,36%.
Một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2025 tăng so với cùng kỳ tác động đến ngành công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh như: Ngành dệt tăng 33,33% và ngành sản xuất trang phục tăng 57,49%, in ấn tăng 64,96%...
Các doanh nghiệp dệt may tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh thị trường nội địa. Tình hình xuất khẩu dệt may khả quan hơn vào các tháng cuối năm. Công ty sợi Nghệ Tĩnh đi vào hoạt động cũng là nguyên nhân dẫn dến chỉ số sản xuất công nghiệp ngành dệt tăng mạnh.
Bên cạnh những ngành công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ thì tháng 1/2025, một số ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất kim loại, sản xuất điện gặp khó khăn, chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I dự kiến ngừng phát điện để xử lý khắc phục sự cố bất thường từ ngày 25/1 đến ngày 3/2/2025 đối với lò số 2 và từ ngày 27/01 đến ngày 05/02/2025 đối với lò số 1.
Sản lượng điện sản xuất nhà máy này dự kiến tháng 01/2025 đạt 481,68 triệu Kwh, giảm 24,2% so với tháng trước và giảm 27,59% so với cùng kỳ. Vì vậy, ước tháng 1/2025, chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện giảm 15,62% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 12,67%.
Dự ước tháng 1/2025, chỉ số sản xuất ngành sản xuất kim loại của tỉnh này giảm 1,83% so tháng trước và giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số sản xuất chung toàn ngành công nghiệp Hà Tĩnh. Nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác lớn của Việt Nam (Mỹ, EU, Trung Quốc) gặp khó khăn từ năm 2024, nhu cầu thép trên thế giới giảm sút, ảnh hưởng đến xuất khẩu thép của Formosa.
Nền kinh tế chậm lại kéo theo sự giảm sút trong nhu cầu về thép cho các ngành công nghiệp và xây dựng. Mặt khác, các nhà sản xuất thép khác, đặc biệt là từ Trung Quốc, duy trì giá thép thấp hơn, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, điều này khiến Formosa Hà Tĩnh khó duy trì thị phần cạnh tranh.
Tháng 1/2025, trong 22 nhóm ngành công nghiệp cấp 2 của tỉnh này có 13 nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số nhóm ngành có mức tăng cao, đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp như: Khai khoáng khác tăng 66,06%; sản xuất trang phục tăng 65,83%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 64,96%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 36,01%; dệt tăng 33,33%...
Một số nhóm ngành của tỉnh Hà Tĩnh giảm làm ảnh hưởng tới tốc độ tăng toàn ngành như sản xuất kim loại giảm 13,5%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 12,67%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 9,74%; sản xuất gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 8,46%...