21:45 17/09/2009

Công trình mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Không thiếu tiền vẫn chậm

Bảo Anh

Hầu hết các dự án, công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đang bị chậm tiến độ trong khi thời điểm đại lễ đang cận kề

Tu bổ, tôn tạo Thành Cổ Loa - một trong những dự án tiêu biểu bị chậm tiến bộ.
Tu bổ, tôn tạo Thành Cổ Loa - một trong những dự án tiêu biểu bị chậm tiến bộ.
Hầu hết các dự án, công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đang bị chậm tiến độ trong khi thời điểm đại lễ đang cận kề.

Đó là đánh giá của UBND cùng đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố về tiến độ xây dựng các công trình, dự án nằm trong chương trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Hầu hết chậm tiến độ

Vào đầu tháng 2/2009, UBND thành phố đã có quyết định số 835/2009 phê duyệt kế hoạch, danh mục và tiến độ triển khai các công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Theo đó, sẽ có tất cả 66 dự án, công trình, trong đó có 63 công trình nằm trên địa bàn thành phố, 3 công trình nằm ở địa phương khác.

Trong 66 công trình trên, có 35 công trình, dự án phải hoàn thành trước đại lễ 1000 năm; 5 công trình khởi công vào dịp kỷ niệm đại lễ, 6 công trình kinh tế khuyến khích hoàn thành trước đại lễ và 20 công trình cần đẩy nhanh tiến độ triển khai so với kế hoạch đến năm 2010.

Đối với nhóm 35 công trình phải hoàn thành trước đại lễ kỷ niệm, ngoại trừ công trình Đền thờ Lý Thái Tổ đã được Chính phủ đưa ra khỏi danh mục các công trình chào mừng kỷ niệm. Còn lại thành phố đã cho khởi công 30 công trình, trong đó có 8 công trình đã cơ bản hoàn thành. Riêng nhóm 5 dự án thuộc diện phải hoàn thành thủ tục khởi công chào mừng đã có 1 dự án đang triển khai, có 3 dự án đã hoàn thành phê duyệt.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đoàn giám sát, hầu hết các dự án, công trình kỷ niệm đại lễ đều chậm tiến độ so với kế hoạch đã được phê duyệt. Cụ thể, tính đến hết tháng 8/2009, mới hoàn thành phê duyệt được 5/10 dự án phải hoàn thành phê duyệt trong 8 tháng đầu năm và 5/11 dự án phải hoàn thành phê duyệt trong năm 2009.

Đáng chú ý, trong số những công trình tiêu biểu cho đại lễ như: Bảo tàng Hà Nội, công viên Hòa Bình, con đường gốm sứ ven Sông Hồng, Trung tâm y tế dự phòng, khu di tích Cổ Loa và  Thành cổ, trường PTTH chuyên Amsterdam…đều nằm trong nhóm bị chậm tiến độ. Thậm chí, theo nhận định của đoàn giám sát, với tiến độ và kết quả triển khai như hiện nay, có ít nhất 7 công trình sẽ không hoàn thành đúng dịp đại lễ.

Báo cáo của đoàn giám sát cũng cho biết, tính đến thời điểm này, thành phố mới chỉ hoàn thành giải phóng mặt bằng được 3/9 công trình phải hoàn thành giải phóng trong 8 tháng đầu năm; 3/11 công trình phải giải phóng mặt bằng trong năm 2009, hoàn thành 9/21 công trình đã được hoàn thành thủ tuc khởi công trong năm 2009; chỉ có 2/10 hạng mục công trình đúng tiến độ phải hoàn thành bàn giao trong 8 tháng đầu năm và 2/16 công trình phải bàn giao trong năm 2009.

Theo Phó chủ tịch Hôi đồng nhân dân thành phố Hà Nội Lê Quang Nhuệ, về cơ bản đến thời điểm này có 2/3 dự án, công trình đã bị chậm tiến độ (dù UBND thành phố đã cho phép điều chỉnh tiến độ từ tháng 2/2009).

Không thiếu tiền… vẫn chậm

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ của các dự án nêu trên, Phó chủ tịch UBND thành phố Phí Thái Bình cho biết, nhìn chung có 5 nguyên nhân, bao gồm: năng lực triển khai của chủ đầu tư, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, do tính đặc thù của một số công trình, chậm báo cáo khó khăn vướng mắc của các bên liên quan và do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trong nước và thế giới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đoàn giám sát, nguyên nhân khiến các công trình chậm tiến độ chủ yếu vẫn là do yếu tố chủ quan, mà cụ thể là năng lực và ý thức trách nhiệm của cán bộ phụ trách lẫn chủ đầu tư.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam (thành viên đoàn giám sát), lãnh đạo thành phố phải kiên quyết chỉ đạo sự vào cuộc của các sở, ban ngành của thành phố. Cần phải xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ nhưng không quan tâm, thực hiện nghiêm túc.

“Ngay đến cả đoàn giám sát về các công trình văn hóa nhưng khi đi xuống cơ sở không có lấy một cán bộ nào của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đi cùng (dù cơ quan này có đến 13 phó giám đốc), hay đoàn giám sát đi kiểm tra tiến độ công viên Hòa Bình cũng không có lấy một cán bộ sở, ngành nào đi cùng”, ông Nam cho biết.

Chính vì vậy, theo ông Nam, tất cả đều không nghi ngờ về tinh thần và ý chí chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. “Vậy tại sao hầu hết các công trình vẫn chậm tiến độ. Rõ ràng phải có nguyên nhân từ năng lực chỉ đạo cùng sự “nể nang” của lãnh đạo thành phố”, ông Nam nói.

Nhận định trên càng được củng cố khi Phó chủ tịch Phí Thái Bình khẳng định, đến thời điểm này dù hầu hết bị chậm tiến độ, song không có một dự án, công trình nào…thiếu vốn (?!). Điều này cũng lý giải vì sao, đến 31/8/2009, thành phố mới chỉ giải ngân được 40% kế hoạch vốn thuộc ngân sách cho các công trình kỷ niệm đại lễ.

Không né tránh trách nhiệm, Phó chủ tịch Phí Thái Bình thừa nhận khuyết điểm vì đã thiếu kiên quyết trong việc chỉ đạo các đợn vị liên quan. Với tư cách là “tổng chỉ huy” các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông Bình hứa sẽ đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Nhuệ, thành phố không thể vì đẩy nhanh tiến độ bằng mọi giá vì ngoài mục đích chào mừng đại lễ, tất cả các công trình trên đều có giá trị lâu dài về kinh tế, xã hội đối với người dân. Do đó, ngoài việc phải tìm cách khắc phục thì thành phố cũng phải có những giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng và tính hiệu quả của mỗi công trình.

"Chúng tôi mong muốn tìm được những người không những có năng lực mà còn phải có tâm huyết với các công trình, phải "sống chết với Hà Nội" để làm sao các dự án hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo nói.