15:41 01/07/2024

Công ty của một diễn giả dạy làm giàu nổi tiếng bất ngờ kinh doanh thua lỗ

Tuệ Lâm

Từ khi diễn giả dạy làm giàu Nguyễn Thành Tiến làm chủ tịch Hội đồng quản trị VLA, kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu sa sút, thua lỗ...

Chủ tịch HĐQT VLA, chuyên gia dạy làm giàu Nguyễn Thành Tiến.
Chủ tịch HĐQT VLA, chuyên gia dạy làm giàu Nguyễn Thành Tiến.

Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (mã chứng khoán VLA)- nơi chuyên gia dạy làm giàu Nguyễn Thành Tiến giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với tình hình thua lỗ.

Theo đó, trong quý 1/2024, Văn Lang ghi nhận doanh thu đạt 988 triệu đồng giảm 69% so với quý 1/2023. Trong kỳ, hơn 96% doanh thu đến từ mảng đào tạo với 950 triệu đồng. Khấu trừ chi phí, Văn Lang lỗ sau thuế 1,55 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm tới hết quý 1, doanh nghiệp này lỗ 1,56 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi 97 triệu đồng.

Văn Lang cho biết do sự sụt giảm đáng kể lượng học viên tham gia các khóa học dẫn tới doanh thu giảm mạnh. Trước đó năm 2023, Văn Lang giảm 70% doanh thu, chỉ còn 11,2 tỷ đồng. Trừ đi chi phí, Công ty lãi sau thuế 137 vỏn vẹn triệu đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang được thành lập từ năm 2007 vốn điều lệ gần 40 tỷ đồng ngành nghề kinh doanh chính là trong mảng giáo dục. Giai đoạn 2010 - 2019, Công ty đạt doanh số từ 7 - 13 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận dao động từ 1,1 - 3,2 tỷ đồng.

Sang năm 2020, từ khi chuyên gia dạy làm giàu Nguyễn Thành Tiến làm chủ tịch HĐQT, Văn Lang dần chuyển đổi sang hoạt động đào tạo kỹ năng tư duy, bán hàng, giao tiếp, lãnh đạo, quản lý tài chính, quản lý thời gian; đào tạo kỹ năng nói trước công chúng. Đây cũng là giai đoạn kinh doanh của công ty bắt đầu sa sút, năm 2020 lãi 17 triệu đồng; năm 2023 lãi 132 triệu đồng.

Tính đến cuối 2023, ông Tiến đang sở hữu 9,08% cổ phần Văn Lang. Các khách hàng của VLA như Nhà Xuất bản Giáo dục tại Hà Nội; Công ty CP Sách Alpha; Nhà máy in Bộ Quốc phòng, Công ty CP Phát triển Công nghệ Vsoft; Công nghệ Vtek Việt Nam; Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Sơn La...

Ông Tiến được biết đến là người đứng lớp và sở hữu kênh Youtube với 179 ngàn người theo dõi. Những khoá học đầu tư Văn Lang đã triển khai năm 2023 bao gồm: Chiến lược đầu tư, trí tuệ đầu tư 5.0, bí quyết huy động vốn hiệu quả, trí tuệ doanh nghiệp,... Ông Tiến còn là diễn giả của rất nhiều khóa học dạy chiến lược đầu tư, "tuyệt chiêu" bán hàng và đàm phán trong bất động sản với 1,2 triệu người theo dõi.

Trên trang cá nhân "Nguyễn Thành Tiến", website nguyenthanhtien.net ông Tiến tự giới thiệu là "chuyên gia bất động sản được trả phí cao số 1 Việt Nam".

Khóa học làm giàu của Chủ tịch VLA Nguyễn Thành Tiến lên tới 350 tiệu đồng. 
Khóa học làm giàu của Chủ tịch VLA Nguyễn Thành Tiến lên tới 350 tiệu đồng. 

Các khóa học được ông Tiến rao bán có tên "Chiến lược đầu tư bất động sản", "Khóa học siêu sao môi giới bất động sản"; Marketing 5.0; "Chiến lược đầu tư bất động sản"; "Bí quyết huy động vốn hiệu quả"… dù chỉ kéo dài vài ngày nhưng có giá từ 9,9 triệu đến hàng chục triệu đồng. Thậm chí, khoá học "Combo bất động sản và doanh nghiệp" có mức giá lên đến 350 triệu đồng; "Combo chủ doanh nghiệp" là 220 triệu đồng; khoá học chiến lược Đầu tư Bất động sản có giá 155 triệu đồng...

Khóa học Trí tuệ đầu tư 6.0 được website của ông Tiến giới thiệu đã có 250.000 người tham gia. Khóa học này được quảng cáo sẽ giúp nhà đầu tư muốn Bạn đang muốn phát triển thêm 1 nguồn thu nhập mới để nhân 3 nhân 5 tài khoản...

Trước đó, VLA kết thúc đợt chào bán và huy động được gần 20 tỷ đồng từ đầu tháng 12/2023. Ban đầu Công ty dự kiến sử dụng vốn tăng thêm cho mục đích thành lập chi nhánh tại TP.HCM theo đề án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua hồi tháng 9/2022.

Tuy nhiên, ngày 26/2/2024, HĐQT VLA thông qua việc sử dụng chi tiết số tiền gần 20 tỷ đồng thu được từ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Trong đó, VLA dành 12 tỷ đồng, tương ứng 60% số tiền cho quảng cáo và marketing.

Với số tiền còn lại 8 tỷ đồng, VLA dự chi 2,2 tỷ đồng trả lương nhân viên, chi phí chuyên gia đào tạo; 2 tỷ đồng để chi trả tổ chức lớp học, hội nghị; 1,5 tỷ đồng dành cho tài liệu, in ấn, tiếp khách, giao dịch; 1,5 tỷ đồng nộp thuế và gần 780 triệu đồng cho các chi phí khác liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty.