10:59 22/09/2021

Công ty TCPVN luôn đồng hàng cùng Tp.HCM phòng, chống dịch Covid-19

Khánh Huyền

Công tác chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân Covid-19 đang đối mặt với thách thức rất lớn khi các bệnh viện vẫn trong tình trạng thiếu trầm trọng các trang thiết bị phục vụ điều trị, thậm chí thiếu cả những đôi dép… cho tới chiếc khẩu trang...

Tình trạng quá tải trong việc chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân Covid-19 vẫn đang xảy ra.
Tình trạng quá tải trong việc chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân Covid-19 vẫn đang xảy ra.

Theo khảo sát mới đây của cơ quan y tế, gần 30 bệnh viện đang tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Tp.HCM khi được hỏi đều trong tình trạng “thiếu thốn trăm bề”. Các bệnh viện thuộc hệ thống công lập đến nay hầu hết đã chuyển sang tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19. Mọi trang thiết bị y tế đều được huy động đến mức tối đa nhưng không đủ khả năng đáp ứng.

Cụ thể, Trung tâm Y tế quận 7 đang rất cần hỗ trợ máy đo huyết áp, nhiệt kế thủy ngân, bình oxy nhỏ… , hay tại Bệnh viện Covid-19 Bình Chánh đang cần những thứ dường như rất căn bản: Bình phun thuốc sát khuẩn loại xài điện (cắm điện sạc), dép tổ ong cho y bác sĩ làm nhiệm vụ cho đến hàng nghìn bộ đồ phòng hộ, khẩu trang… Đó chỉ là những ví dụ điển hình cho sự thiếu hụt thiết bị y tế, vật dụng điều trị bệnh nhân Covid-19.

Theo BS. Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3 chia sẻ, nhân lực về y tế có thể đào tạo, huy động thêm nhưng trang thiết bị hiện nay thì rất khó khăn. Trong đó, máy thở là thứ đặc biệt cần nhưng không đủ để đáp ứng.

“Nhân viên chỉ có thể bóp bóng hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân trong trường hợp bất đắc dĩ. Nhưng nếu không được hỗ trợ hô hấp kịp thời thì nguy cơ tử vong xảy ra rất nhanh. Nếu chưa có đơn vị nào tài trợ thì cho chúng tôi thuê thiết bị cũng được”, BS. Khanh gợi ý.

Việc chế tác, hay hỗ trợ trang thiết bị cho điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện nay là rất cấp bách.

Trên thực tế, nhiều việc làm thực tế đã hỗ trợ đắc lực cho y bác sĩ như câu chuyện của tác giả “ATM gạo” từng lan tỏa yêu thương - anh Hoàng Tuấn Anh - đã phát triển hệ thống “ATM oxy cho F0 đang cách ly tại nhà” giúp cứu sống nhiều bệnh nhân. Xuất phát từ 90 bình oxy được triển khai, đến nay anh Tuấn Anh đã phối hợp cung cấp hàng nghìn bình oxy tại nhà cho bệnh nhân.

Hay mới đây, từ nước Đức xa xôi, bệnh viện St. Georg đã hỗ trợ khẩn cấp các thiết bị bảo hộ và bộ xét nghiệm trị giá 60.000 euro nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Tp.HCM.

Không chỉ cá nhân, sự đóng góp của các doanh nghiệp cũng được thể hiện rõ qua nhiều chương trình từ thiện, hỗ trợ người bệnh, y bác sĩ trong thời gian dài.

Điển hình, công ty TCPVN thuộc Tập đoàn TCP (T.C.Pharma) đến từ Thái Lan - chủ sở hữu thương hiệu nước tăng lực Red Bull và Warrior vừa đóng góp hơn 2 tỷ đồng bao gồm tiền mặt và vật phẩm cho các hoạt động nghiên cứu, sản xuất thiết bị y tế nhằm chung tay hỗ trợ chống dịch Covid-19.

Trong đó, 1 tỉ đồng trao tặng Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam (Bộ Y tế) nhằm hỗ trợ Hội triển khai nghiên cứu, chế tạo các vật tư, thiết bị phục vụ trực tiếp cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch Covid-19; một xe cứu thương giá trị tương đương 810 triệu đồng phối hợp với Sở Y tế Tp.HCM gửi đến Bệnh viện quận 11 (Tp.HCM) thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tp.HCM

TCPVN trao tặng xe cấp cứu cho bệnh viện quận 11, Tp.HCM.
TCPVN trao tặng xe cấp cứu cho bệnh viện quận 11, Tp.HCM.

Trước đó, năm 2020, công ty này đã đóng góp hơn ba tỷ đồng tiền mặt cùng 8.683 thùng sản phẩm (tổng trị giá hơn năm tỷ đồng) vào các chương trình phòng chống dịch của các cơ quan, tổ chức từ cấp trung ương đến địa phương.

Hay thương hiệu Warrior - trực thuộc công ty TCPVN - đã đóng góp 6.000 thùng nước tăng lực đến lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại Tp.HCM và 18 tỉnh, thành phía Nam. Trong giai đoạn dịch bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, thương hiệu này cũng đã tài trợ 200 triệu đồng và 600 thùng sản phẩm cho người dân.

Những đơn vị ở trên là các doanh nghiệp điển hình trong rất nhiều doanh nghiệp đã luôn đồng hành với bệnh nhân trong cuộc chiến chống Covid-19. Làn sóng Covid-19 đặt áp lực lớn lên hệ thống y tế Việt Nam, những hành động của các doanh nghiệp vì thế vô cùng ý nghĩa.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thầy Thuốc Trẻ Việt Nam, cho biết sự chung tay của doanh nghiệp thời gian qua giúp chúng tôi kịp thời mang đến cho cơ sơ y tế tuyến đầu bình oxy, vật tư y tế... để cứu giúp người bệnh.

Nói về sự chia sẻ, ông Nguyễn Thanh Huân - Tổng giám đốc TCPVN - cho biết lợi ích của cộng đồng luôn là điều mà TCPVN luôn quan tâm. “Chúng tôi hy vọng những nỗ lực của mình sẽ góp phần cùng Chính phủ sớm đưa người dân vượt qua khó khăn này”, ông Huân kỳ vọng.

Dịch bệnh đang tiếp diễn và ngành y tế vẫn đang đối mặt với muôn ngàn thách thức. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tiếp tục đồng hành, tiếp lửa để đưa Việt Nam vượt qua khó khăn.