19:02 13/09/2021

Công ty Trung Quốc chi nửa tỷ USD mua công nghệ vaccine Covid-19 mRNA của Canada

Bình Minh

Công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc Everest Medicines Ltd. sẽ được chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 mRNA từ đối tác Canada Providence...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc Everest Medicines Ltd. sẽ được chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 mRNA từ đối tác Providence Therapeutics Holdings Inc. của Canada, trong bối cảnh các công ty nỗ lực đưa công nghệ này vào Trung Quốc và Bắc Kinh đến nay vẫn chưa cấp phép cho một vaccine Covid nào do phương Tây sản xuất.

Theo hãng tin Bloomberg, Everest sẽ nắm quyền vaccine Covid công nghệ mRNA của Prudence ở Trung Quốc và một số quốc gia khác bao gồm: Indonesia, Singapore và Thái Lan. Trong tuyên bố ngày 13/9, Everest cho biết sẽ trả trước 100 triệu USD bằng tiền mặt để tiếp cận với các loại vaccine Covid mà Providence đang phát triển cùng công nghệ mRNA của công ty này, cộng thêm 100 triệu USD chia sẻ lợi nhuận. Thương vụ cũng bao gồm một khoản thanh toán lên tới 300 triệu USD nữa bằng cổ phiếu nếu có thêm sản phẩm được phát triển dựa trên công nghệ mRNA của Providence.

Hơn 1 tỷ người ở Trung Quốc đã được tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19, nhưng nước này vẫn chưa có một vaccine mRNA nào. Thay vào đó, phần đông dân số Trung Quốc được tiêm bằng vaccine do hai hãng dược nội là Sinopharm Group Co. và Sinovac Biotech Ltd. sản xuất. Nghiên cứu đã cho thấy những vaccine này có hiệu quả thấp hơn so với vaccine sử dụng công nghệ mRNA.

Hãng dược Trung Quốc Fosun Pharmaceutical Group đã có một thoả thuận đưa vaccine của hãng công nghệ sinh học Đức BioNTech, một loại sử dụng công nghệ mRNA, vào Trung Quốc đại lục, nhưng chưa được cơ quan chức năng phê chuẩn. Điều này cho thấy việc đưa một vaccine mRNA của nước ngoài vào Trung Quốc có thể không phải là một việc dễ dàng.

Nếu được phê chuẩn, vaccine Everest-Providence có thể sẽ được sử dụng làm mũi tiêm tăng cường ở Trung Quốc, bởi phần lớn dân số của nước này đã được tiêm đủ - theo CEO Kerry Blanchard của Everest. Tại các quốc gia khác nơi Everest nắm quyền vaccine của Providence, nhu cầu cho mũi tiêm đầu tiên vẫn còn lớn.

“Đó vẫn là một lượng dân số lớn”, ông Blanchard nhấn mạnh. “Tôi cho rằng phần lớn người trưởng thành sẽ cần một mũi tiêm tăng cường tại một thời điểm nào đó, và bạn càng lớn tuổi thì miễn dịch càng giảm nhanh. Mọi người sẽ cần ít nhất một mũi nhắc lại”.

Hiện tại, vaccine Providence mới hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 1 ở Canada, nên rất khó để dự báo về lịch trình phát triển của vaccine này. Tuy nhiên, theo ông Blanchard, thử nghiệm giai đoạn 3 có thể bắt đầu trong năm nay hoặc đầu năm tới. Chưa có dữ liệu nào được công bố về hiệu quả của vaccine Providence, nhưng vị CEO nói rằng vaccine này “tốt ngang hoặc tốt hơn vaccine Pfizer và Moderna” trong việc chống lại phiên bản đầu tiên của SARS-CoV-2 và các biến chủng.

Việc Trung Quốc trì hoãn cấp phép vaccine BioNTech-Pfizer làm dấy lên đồn đoán rằng Chính phủ nước này đang tìm cách tránh thừa nhận vaccine nội kém hiệu quả hơn vaccine phương Tây.

“Chúng tôi tin rằng vaccine sản xuất trong nước là hướng đi đúng đắn. Và đó là chiến lược mà chúng tôi theo đuổi”, ông Blanchard nói. “Tôi thực sự tin tưởng rằng khả năng của chúng tôi trong việc chuyển giao công nghệ vào Trung Quốc là quan trọng”.

Vaccine công nghệ mRNA do Trung Quốc bào chế, từ công ty công nghệ sinh học Walvax Biotechnology Co. đang được thử nghiệm giai đoạn 3. Sinopharm, hãng dược đã có 1,6 tỷ liều vaccine Covid-19 được tiêm trên toàn cầu, cho biết cũng đang phát triển vaccine công nghệ mRNA để chống lại các biến chủng Covid-19.