Cứ mỗi 4 ngày, Trung Quốc có thêm một “kỳ lân” công nghệ
Năm ngoái, Trung Quốc xuất hiện 97 “kỳ lân” công nghệ, với tổng mức định giá tương đương 178 tỷ USD
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, đã sản sinh một số lượng lớn các "kỳ lân" công nghệ (công ty khởi nghiệp - startup - được định giá từ 1 tỷ USD trở lên trong lĩnh vực công nghệ) trong 2018. Tuy nhiên, tốc độ sản sinh "kỳ lân" của Trung Quốc đã giảm nhanh trong thời gian cuối năm, cùng với sự giảm tốc của nền kinh tế nước này.
Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo từ công ty tư vấn Hồ Nhuận cho biết, trong năm ngoái, Trung Quốc xuất hiện 97 "kỳ lân" công nghệ, với tổng mức định giá 1,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 178 tỷ USD, trong các lĩnh vực từ Internet tiêu dùng, mua sắm trực tuyến tới xe chạy điện.
Tính trung bình, cứ mỗi 3,8 ngày Trung Quốc lại có một startup công nghệ cán ngưỡng định giá 1 tỷ USD. Tuy nhiên, trong quý 4, nước này chỉ có 11 "kỳ lân" mới, so với con số 30 "kỳ lân" xuất hiện trong quý 3.
Dòng vốn chảy vào các startup công nghệ Trung Quốc đang có chiều hướng chững lại, khi nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng mức định giá của các công ty đã bị đẩy lên quá cao và nền kinh tế nước này đang giảm tốc. Ngoài ra, các startup còn chịu ảnh hưởng bất lợi từ chủ trương kiểm soát hoạt động cho vay qua mạng của Chính phủ Trung Quốc và tình trạng xuống dốc của gia tiền ảo.
Tuần trước, ông Joseph Tsai, Phó chủ tịch tập đoàn Alibaba cảnh báo rằng mức định giá của nhiều startup Trung Quốc đang bị bóp méo và có thể sụt giảm trong 6-9 tháng tới, nhất là trong những lĩnh vực tăng trưởng quá nóng gần đây như chia sẻ xe đạp.
Theo dữ liệu mà Hồ Nhuận đưa ra, công ty "đào" tiền ảo Bitcoin có tên Bitmain là "kỳ lân" công nghệ mới đắt giá nhất của Trung Quốc trong 2018, với mức định giá khoảng 50 tỷ Nhân dân tệ. Các "kỳ lân" có mức định giá cao khác chủ yếu thuộc lĩnh vực cho vay qua mạng và xe chạy điện.
Cũng trong 2018, có 24 "kỳ lân" công nghệ Trung Quốc tiến hành niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trong đó, Hồ Nhuận cho biết có 70% chứng kiến giá cổ phiếu tăng so với giá phát hành. Tuy nhiên, cũng có những vụ phát hành được kỳ vọng lại gây thất vọng, như cổ phiếu hãng điện thoại Xiaomi và công ty ứng dụng giao đồ ăn Meituan Dianping đang giao dịch dưới giá phát hành.
Báo cáo của Hồ Nhuận cho hay, Sequoia Capital, Tencent và IDG là ba nhà đầu tư rót nhiều vốn nhất vào các "kỳ lân" công nghệ ở Trung Quốc trong năm 2018. Bắc Kinh, Thượng Hải và Hàng Châu là ba thành phố Trung Quốc có nhiều "kỳ lân" công nghệ nhất. 186 "kỳ lân" công nghệ Trung Quốc trong bản danh sách mà Hồ Nhuận đưa ra có tổng định giá là 5 nghìn tỷ Nhân dân tệ.