13:49 15/07/2022

Cử tri Đà Nẵng chất vấn về việc hàng triệu m2 đất và hàng nghìn cơ sở nhà đất chưa được khai thác sử dụng hiệu quả

Ngô Anh Văn

Các phiên chất vấn ngày 13 và sáng 14/7 của đại biểu HĐND tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP. Đà Nẵng khóa X, hai vấn đề “nóng” đó là việc quản lý, sử dụng đất đai và xử lý rác thải trong các khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường đô thị được đông đảo người dân quan tâm.

Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết chủ trì phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.
Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết chủ trì phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Trong các phiên chất vấn ngày 13 và sáng 14/7 của đại biểu HĐND tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP. Đà Nẵng khóa X, nhiều vấn đề liên quan đến quản lý đất đai, môi trường đô thị do người dân và cử tri phản ánh đã được các đại biểu đưa ra chất vấn lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố.

Hai vấn đề “nóng” đó là việc quản lý, sử dụng đất đai và xử lý rác thải trong các khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường đô thị được đông đảo người dân quan tâm.

LÃNG PHÍ TÀI NGUYÊN ĐẤT

Tại buổi chất vấn trực tiếp, vấn đề quản lý, sử dụng nhà, đất công trên địa bàn, theo đại biểu HĐND đơn vị quận Sơn Trà Trần Thắng Lợi, hiện trên địa bàn thành phố có 1.629 cơ sở nhà, đất công chưa phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý theo quy định tại Nghị định số 167 ngày 31/12/2017 của Chính phủ.

Do chưa có phương án xử lý, sắp xếp nhà đất công nên khó quản lý, gây lãng phí lớn trong khai thác và sử dụng khối tài sản công này. Nhiều khu đất công không được đưa vào quản lý khai thác lâu ngày để người dân đổ xà bần, rác thải rắn dẫn đến nhếch nhác, mất mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị.

Chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, đại biểu Huỳnh Bá Thành, cho biết hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đang quản lý hơn 300 khu đất lớn đã có mặt bằng, tổng diện tích hơn 2 triệu m2. Phần lớn trong số đó chưa được khai thác thông qua các hình thức đấu giá, cho thuê đất. Thời gian qua, thành phố mới chỉ đấu giá được 03 khu đất; hiện đang có tình trạng các tổ chức, cá nhân lấn chiếm, sử dụng đất công trái phép vào nhiều mục đích khác nhau.

Một số đại biểu cũng nêu vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, đó là kết quả thực hiện các nội dung Kết luận thanh tra có liên quan đến sai phạm đất đai trên địa bàn thành phố.

Liên quan đến nội dung này, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng, cho biết, qua làm việc với Tổ công tác của Chính phủ và Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ đều đánh giá rất cao Đà Nẵng trong việc triển khai các nội dung kết luận. Đặc biệt là thành phố đã có báo cáo đề xuất các phương án để tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện các kết luận thanh tra.

Theo ông Hùng, các giải pháp tháo gỡ được thành phố đưa ra tiếp cận trên các nguyên tắc phải thừa nhận yếu tố lịch sử; không gây thất thu, thất thoát nguồn ngân sách; phải hài hòa lợi ích nhà nước và lợi ích của doanh nghiệp; phù hợp quy định pháp luật. “Hiện nay, báo cáo đã được hoàn tất và được Tổ công tác ghi nhận, để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành để có căn cứ thực hiện. Trong khi chờ đợi ý kiến quyết định của trung ương, Sở TN&MT đã báo cáo, tham mưu lãnh đạo thành phố một số giải pháp tiếp cận với nguyên tắc phù hợp quy định pháp luật, không gây thất thu, thất thoát và đảm bảo các dự án tiếp tục được triển khai”, ông Hùng cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng, chủ tọa phiên chất vấn đã lưu ý UBND thành phố về việc để hoang phí các tài sản công khiến người dân rất bức xúc. Ông Triết yêu cầu phải có phương án sử dụng, quản lý tài sản công sao cho hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Về công tác quản lý các khu đất trống, xử lý rác thải rắn, thu gom rác trong các khu dân cư; công tác quản lý tài sản công là nhà, đất hết hạn cho thuê, xử lý dự án treo… ông Triết đề nghị UBND thành phố, các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, bám sát và tập trung chỉ đạo phối hợp giải quyết những công việc được cử tri quan tâm; xác định rõ trách nhiệm từng cấp từ thành phố đến quận, huyện; xã, phường.

THU GOM RÁC THẢI VẪN LÀ VẤN ĐỀ NÓNG

Liên quan đến vấn đề thu gom rác thải trong các khu dân cư trên địa bàn TP. Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Minh Huy, nêu ý kiến, trong thời gian gần đây công tác  thu gom rác thải còn nhiều bất cập, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, việc thu gom rác tại các tuyến đường, khu dân cư, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố thường xảy ra tình trạng chậm được thu gom, xử lý dẫn đến rác thải sinh hoạt tập kết để trên vỉa hè, lòng đường trong khoảng thời gian khá lâu gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường du lịch.

Về vấn đề này, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng, cho biết từ năm 2019, thành phố giao cho các quận, huyện lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom rác sinh hoạt theo hình thức đấu thầu. Hợp đồng có rất nhiều điều khoản trong đó có điều khoản xử phạt đơn vị cung cấp dịch vụ không đảm bảo yêu cầu.

Tuy nhiên, thực tế trong quá trình thực hiện các đơn vị làm không chặt chẽ việc này. Cụ thể, theo ông Hùng, để làm tốt hơn công tác thu gom rác thải thì trong quá trình tổ chức xét thầu cần ràng buộc nhiều điều kiện để đánh giá năng lực của đơn vị cung ứng dịch vụ. Trong đó có năng lực về công nghệ, trang thiết bị, nhằm loại bỏ những đơn vị không đáp ứng được yêu cầu và phải có điều khoản tăng cường chế tài xử phạt.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Huy, để khắc phục tình trạng này, đề nghị UBND thành phố cần chỉ đạo các địa phương và Sở Tài nguyên & Môi trường phải làm việc với các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ vệ sinh công ích trên địa bàn để rà soát và hoàn thiện các phương án thu gom rác đảm bảo tính kịp thời và liên tục, đồng thời có biện pháp chế tài để xử lý nếu vi phạm.

Chủ tịch HĐND Lương Nguyễn Minh Triết, cho rằng việc đấu thầu đơn vị thu gom rác chỉ là cách vận hành quản lý. Theo ông Triết, lúc trước khi chưa chỉ định thầu thì làm tốt, nay đấu thầu để nâng cao hiệu quả thì lại thực hiện không tốt. Do đó, thành phố và các ngành chức năng cần phải có giải pháp điều chỉnh để thực hiện tốt công tác này.

“Ngay sau kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Đề nghị các đại biểu HĐND theo dõi, giám sát việc thực hiện các nội dung đã cam kết khi trả lời chất vấn của UBND thành phố và các sở, ngành để làm căn cứ xem xét đánh giá mức tín nhiệm của mỗi cá nhân và đơn vị được chất vấn”, ông Triết khẳng định.